Theo tìm hiểu của phóng viên, với vị trí Phó Chủ tịch thường trực HĐQT ngân hàng Sacombank trong năm 2023 giúp bà Nguyễn Đức Thạch Diễm nhận được 1,8 tỷ đồng tiền thù lao nhưng tiền lương cho chức danh Tổng giám đốc của bà không được ngân hàng này công bố cụ thể.
Thù lao HĐQT và BKS của Sacombank cao nhất ngành ngân hàng
Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) ra nghị quyết về thù lao của Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) ở mức 1% lợi nhuận trước thuế hợp nhất.
Đây là con số rất cao về tỷ lệ phần trăm lợi nhuận trước thuế lẫn số tuyệt đối mà HĐQT và BKS Sacombank nhận được nếu so với các ngân hàng khác trong hệ thống.
Sacombank cho biết, trong năm tài chính 2023, mặc dù kết quả thực hiện lợi nhuận trước thuế đạt 9.595 tỷ đồng, vượt 1% kế hoạch được giao. Tuy nhiên, HĐQT thống nhất chủ trương thực hành tiết kiệm. Vì vậy, thù lao thực chi cho HĐQT, BKS trong năm 2023 chỉ chiếm 0,71% lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023, thấp hơn 0,29% so với mức trích đã được ĐHĐCĐ phê duyệt.
Mặc dù tỷ lệ thực chi năm 2023 thấp hơn 0,29% kế hoạch nhưng con số thực tế lại cao hơn năm 2022. Được biết, thù lao sau thuế của thành viên HĐQT năm 2023 là hơn 44,1 tỷ đồng so với năm 2022 là hơn 35,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Sacombank công bố chi tiết tổng thù lao của 7 thành viên HĐQT năm 2023 chỉ 29,9 tỷ đồng. Cụ thể là ông Dương Công Minh giữ chức Chủ tịch HĐQT nhận mức thù lao cao nhất hơn 8,6 tỷ đồng, bình quân gần 719 triệu đồng/tháng, tương đương 30 triệu đồng/ngày nếu làm việc 24 ngày/tháng.
Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Phong nhận được mức thù lao cao thứ nhì 5,693 tỷ đồng, thành viên HĐQT Nguyễn Xuân Vũ nhận được hơn 4,3 tỷ đồng. Hai thành viên độc lập là ông Vương Công Đức và bà Phạm Thị Thu Hằng đều nhận được hơn 3,4 tỷ đồng thù lao.
Thành viên HĐQT Phan Đình Tuệ có thù lao hơn 2,5 tỷ đồng nhưng vẫn cao hơn chức danh Phó Chủ tịch thường trực HĐQT của bà Nguyễn Đức Thạch Diễm chỉ được nhận hơn 1,8 tỷ đồng.
Tại BKS, thù lao sau thuế năm 2023 là gần 20 tỷ đồng, thấp hơn con số 17,4 tỷ đồng của năm 2022. Tuy nhiên, Sacombank công bố tổng thù lao chi tiết của 4 thành viên BKS chỉ ở mức hơn 14,6 tỷ đồng. Cụ thể Trưởng ban Trần Minh Triết nhận 4,3 tỷ đồng thù lao; 3 thành viên ông Nguyễn Văn Thành, ông Lâm Văn Kiệt và bà Hà Quỳnh Anh đều nhận hơn 3,4 tỷ đồng thù lao.
Như vậy, thù lao HĐQT và BKS năm 2023 dựa theo công bố trên báo cáo tài chính kiểm toán 2023 là gần 61,2 tỷ đồng. Đây là con số “cực khủng” khi so sánh với các ngân hàng khác có lợi nhuận lớn hơn Sacombank như: Vietcombank (thù lao HĐQT và BKS ở mức 21,5 tỷ đồng), BIDV (26,4 tỷ đồng), MB (gần 21,5 tỷ đồng), VietinBank (19,6 tỷ đồng), Techcombank (36,7 tỷ đồng), ACB (44,6 tỷ đồng), HDBank (24,7 tỷ đồng), VIB (18,7 tỷ đồng), VPBank (16,8 tỷ đồng).
Sacombank không công bố lương Tổng giám đốc của bà Nguyễn Đức Thạch Diễm
Tuy nhận thù lao thấp nhất trong HĐQT lẫn BKS của Sacombank nhưng bà Nguyễn Đức Thạch Diễm còn có tiền lương cho chức danh Tổng giám đốc. Trong khi các ngân hàng khác công bố tổng tiền lương của Ban Điều hành thì Sacombank chỉ thông tin tổng thu nhập của Ban Tổng giám đốc.
Năm 2023, thu nhập sau thuế của thành viên Ban Tổng giám đốc Sacombank đạt 101,5 tỷ đồng còn năm 2022 là 93,7 tỷ đồng. Đây là con số cao nhất nhì trong ngành ngân hàng chỉ xếp sau thu nhập 283,3 tỷ đồng của ban lãnh đạo Techcombank.
Điều đặc biệt tại Sacombank là ngân hàng không công bố thu nhập hoặc tiền lương của các thành viên trong Ban điều hành. Do đó, tiền lương chức danh Tổng giám đốc của bà Nguyễn Đức Thạch Diễm vẫn là con số “bí ẩn” trong giới tài chính lẫn các nhà đầu tư chứng khoán.
Sacombank chỉ “hé lộ” thu nhập bình quân các thành viên Ban điều hành của ngân hàng và các công ty con trong năm 2023 là 290 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, thu nhập bình quân Ban điều hành cao gần 10 lần so với gần 18.500 cán bộ nhân viên Sacombank. Năm 2023, thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên Sacombank đạt 29,8 triệu đồng/người/tháng.
Qua các báo cáo tài chính năm 2023 trở về trước, chỉ duy nhất năm 2023 là Sacombank công bố thù lao của từng thành viên HĐQT còn tiền Tổng giám đốc vẫn là điều “bí mật”.
Điều này đồng nghĩa với việc Sacombank - ngân hàng đầu tiên đưa cổ phiếu lên thị trường chứng khoán Việt Nam - vi phạm quy định về quản trị công ty đại chúng.
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do công ty đại chúng không đưa nội dung thù lao của từng thành viên HĐQT, tiền lương của Tổng giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong Báo cáo tài chính hàng năm của công ty và báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt 27,5 triệu đồng đối với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (PGBank) do không đưa nội dung thù lao của từng thành viên HĐQT, tiền lương của Tổng giám đốc và người quản lý khác thành mục riêng trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và năm 2023.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm là ai? Được biết bà Nguyễn Đức Thạch Diễm bắt đầu đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc Sacombank vào 7/4/2014 dưới thời ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang. Ngày 30/6/2017, ông Dương Công Minh ngồi ghế nóng Chủ tịch HĐQT Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc từ 3/7/2017 thay thế ông Phan Huy Khang (ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang bị vướng vào vòng lao lý từ 1/8/2017). Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm tham gia HĐQT Sacombank với chức vụ thành viên từ 20/4/2018 và Phó Chủ tịch thường trực từ 22/4/2022. Hiện tại, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm chỉ sở hữu 76.320 cổ phiếu STB của Sacombank. |
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/bi-an-muc-luong-tong-giam-doc-sacombank-cua-ba-nguyen-duc-thach-diem-a75329.html