CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã: DLG) từng có thời hoàng kim, là một trong những đại gia phố núi Gia Lai. Tiền thân của DLG là một xí nghiệp tự doanh do ông Bùi Pháp (sinh năm 1962) thành lập từ năm 1995. Trải qua nhiều đợt tăng vốn, hiện vốn điều lệ của DLG đạt 2.993 tỷ đồng, trong đó ông Bùi Pháp ngồi ghế Chủ tịch HĐQT nắm giữ 24,8%.
Tập đoàn Đức Long Gia Lai hoạt động đa ngành, từng tập trung vào các ngành mũi nhọn như sản xuất, chế biến gỗ, đá granite, kinh doanh lưu trú, khoáng sản….
Sang 2015, tập đoàn chủ yếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, năng lượng tái tạo, sản xuất điện tử và thiết bị điện tử, bất động sản và thực hiện các đợt mua bán sáp nhập M&A.
Tháng 5/20215, DLG đầu tư vào Công ty Mass Noble thông qua hình thức hoán đổi cổ phiếu. Đây là công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử Ansen của Mỹ, nhà máy đặt tại TP Đông Quảng (Trung Quốc).
Theo DLG, đây là nhà máy sản xuất quy mô lớn được xây dựng trên khuôn viên 40.000 m2, tập trung sản xuất, gia công sản phẩm điện tử viễn thông công nghệ cao như các loại đèn led cao cấp dùng cho nội thất, xe ô tô, đường phố và đường cao tốc; màn hình LCD… Thị trường tiêu thụ tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Kể từ đây, mảng linh kiện điện tử chính là “con gà đẻ trứng vàng” cho DLG khi doanh thu hằng năm đều đặn trên nghìn tỷ đồng, đóng góp hơn 50% tổng doanh thu của doanh nghiệp này.
Ngoài ra, mảng thu phí BOT cũng mang về cho DLG doanh thu trên 300 tỷ đồng/năm. Hiện tại công ty sở hữu 4 trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 14 từ Gia Lai đến Bình Phước.
Cũng như nhiều tập đoàn khác, năng lượng tái tạo cũng là miếng mồi béo bở mà DLG muốn tham gia. Công ty đã đầu tư các dự án thủy điện, điện mặt trời tại Lâm Đồng, Kom Tum. Ngoài ra công ty đang triển khai thủ tục đầu tư TBA 500kV cùng với lưới điện truyền tải để giải phóng công suất gần 4.000 MW điện tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung. Mãi đến năm 2020, mảng bán điện thương phẩm mới đem về nguồn thu cho DLG, nhưng không nhiều, chỉ vài chục tỷ đồng/năm.
Nhìn chung trong năm 2016 – 2020 là giai đoạn vàng son của DLG, khi doanh thu thuần đều duy trì trên 2.000 tỷ đồng, có năm 2018 đạt đỉnh 2.918 tỷ đồng. Từ năm 2021 trở đi, nguồn thu lao dốc liên tục, để đến cả năm 2023, công ty chỉ thu về hơn 1.122 tỷ đồng, tức bằng 1/3 thời kỷ đỉnh cao. Nguyên nhân chính do nguồn thu từ mảng bán linh kiện gặp khó khăn.
Dù là thu về hàng nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của DLG chỉ vài chục tỷ, và cũng trồi sụt thất thường. Riêng hai năm 2022 và 2023, mức lỗ cao chót vót với lần lượt 1.197 tỷ và 578 tỷ đồng, điều này khiến lỗ lũy kế của doanh nghiệp đến cuối năm ngoái lên đến 2.664 tỷ đồng.
Ngoài nguyên nhân khiến công ty thua lỗ là do doanh thu thuần sụt giảm từ các hoạt động kinh doanh chính, thì các chi phí cho các hoạt động kinh doanh và chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay) cũng là yếu tố ăn mòn lợi nhuận. Riêng năm 2022, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt lên 1.289 tỷ đồng, phần lớn là do công ty phải trích lập khoản dự phòng phải thu quá hạn khó đòi.
Trong tổng tài sản hơn 5.000 tỷ đồng tại cuối quý I/2024, DLG đang ghi nhận các khoản phải thu ngắn và dài hạn lên tới 1.865 tỷ đồng, đa số là phải thu từ cho vay. Trong đó công ty đã phải trích lập dự phòng 1.925 tỷ đồng nợ phải thu ngắn hạn khó đòi (không được thuyết minh cụ thể).
Theo BCTC quý I/2024, DLG đang cho các tổ chức và cá nhân khác (không phải bên liên quan) vay hơn 631 tỷ đồng. Các khoản cho vay này hầu như không có tài sản đảm bảo và công ty có nguy cơ mất gần hết (phải dự phòng tới 557 tỷ).
"Hào phóng" cho các bên vay mà không có tài sản đảm bảo, DLG còn đang ôm một khoản nợ khổng lồ lên tới hơn 2.700 tỷ đồng, chiếm 54% tổng nguồn vốn. Trong đó, chủ nợ lớn nhất của DLG là Ngân hàng BIDV và VietinBank, ttài sản thế chấp các khoản vay của DLG tại đây chủ yếu là các tài sản cố định, dự án BOT...
Chật vật trong nhiều năm khiến DLG gặp không ít khó khăn, áp lực từ các chủ nợ. Tháng 9/2022, DLG bị ngân hàng VietinBank siết nợ khi thông báo xử lý khoản nợ có tài sản đảm bảo của DLG là quyền sử dụng đất cơ sở sản xuất kinh doanh tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng (diện tích 3.180 m2) và toàn bộ tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của dự án Bến xe khách liên tỉnh. Giá bán/chuyển nhượng tối thiểu là hơn 48,28 tỷ đồng.
Ngoài ra, tháng 10/2023, DLG còn bị Toà án Nhân dân tỉnh Gia Lai có quyết định mở thủ tục phá sản với sau khi xem xét đơn yêu cầu của CTCP Lilama 45.3 (tỉnh Quảng Ngãi) về khoản nợ gần 15 tỷ và lãi chậm thanh toán hơn 2 tỷ cho hợp đồng cung cấp, lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công công trình Thủy điện Đăk Pô Cô.
Tuy nhiên 1 tháng sau, DLG đã được Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về hủy quyết định mở thủ tục phá sản. Toà án khẳng định DLG không mất khả năng thanh toán, không lâm vào phá sản và số tiền phải thanh toán rất nhỏ. Công ty đang đàm phán và lên kế hoạch trả nợ.
Tại cuối quý I/2024, lượng tiền nhàn rồi của DLG còn hơn 200 tỷ đồng.
Dù vậy, DLG vẫn đang phải tự tìm cách cứu mình trước thời cuộc. Năm 2021, tập đoàn đã chuyển nhượng toàn bộ 7,5 triệu cổ phiếu FGL của CTCP Cà phê Gia Lai và 4,6 triệu cổ phiếu BHG của CTCP Chè Biển Hồ sở hữu.
Ngoài ra, DLG còn chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại 2 công ty con khác là CTCP Năng lượng Tân Thượng và CTCP Đầu tư và kinh doanh bất động sản Đức Long Gia Lai. Nhờ vậy năm 2021, công ty có lãi mỏng 12 tỷ đồng, trong khi năm trước đó đang thua lỗ 930 tỷ.
Hay mới đây nhất, DLG đã ra quyết định bán sạch phần vốn góp tại Công ty TNHH Mass Noble Investments Limited (Mass Noble) – công ty đang tạo ra doanh thu chính cho DLG. DLG cho biết đã đầu tư hơn 249 tỷ đồng, tương đương 97,73% vốn điều lệ của Mass Noble.
Nếu thành công, kết quả doanh nghiệp sẽ được cải thiện, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp nhất thời khi công ty còn ôm khoản nợ xấu hàng nghìn tỷ đồng và được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp.
Theo kế hoạch năm 2024, DLG đặt mục tiêu doanh thu 1.400 tỷ và có lãi sau thuế 120 tỷ đồng, cải thiện vượt bậc so với kết quả năm 2023 dù ban lãnh đạo đánh giá vẫn có nhiều biến động từ kinh tế trong nước và thế giới.
Tập đoàn còn cho biết đang đánh giá khả năng trả nợ thực tế của các khoản cho vay ngắn/dài hạn với số tiền hơn 200 tỷ đồng, đồng thời làm việc với các đối tác khách hàng để bổ sung tài sản đảm bảo, tăng cường thu hồi nợ trong năm 2024 để cung cấp hồ sơ cho kiểm toán gỡ bỏ ý kiến ngoại trừ.
Lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định sẽ tái cấu trúc lại tình hình tài chính để giảm tối đa chi phí lãi vay, tăng cường thu hồi công nợ, cắt giảm chi phí nhằm mục tiêu giảm nợ vay ngân hàng và các tổ chức khác.
Mục tiêu đến hết năm 2025 cơ bản ổn định về sản xuất kinh doanh và lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp, trả dứt điểm các khoản nợ vay từ các tổ chức tín dụng trên 1.000 tỷ đồng, đồng thời có nguồn tiền tích lũy để phát triển dự án mới.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/dieu-gi-khien-dai-gia-pho-nui-tap-doan-duc-long-gia-lai-lo-van-a75275.html