Tài chính tuần qua: "Lộ diện" nhóm nhà băng sẵn sàng nhận 3 ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc, KienlongBank triển khai Basel III

"Lộ diện" nhóm nhà băng sẵn sàng nhận 3 ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc; Cần xem xét việc cấm Ngân hàng bán các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư; KienlongBank triển khai Basel III, nâng cao năng lực hệ thống quản trị rủi ro.

11-1716855829.jpg

"Lộ diện" nhóm nhà băng sẵn sàng nhận 3 ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc

Ba ngân hàng phải chuyển giao theo hình thức bắt buộc là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank). Đến thời điểm này, Chính phủ đã định giá xong 3 ngân hàng trên và dự kiến trình phê duyệt phương án trong tháng 5/2024 để hoàn tất việc bàn giao trong năm 2024.

Đến thời điểm hiện tại, dù chưa công bố chính thức, nhưng tại một số ngân hàng đã lên phương án nhận chuyển giao một ngân hàng khác.

Ví dụ như tại Vietcombank, để chuẩn bị cho kế hoạch này, ông Nguyễn Thanh Hùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Vietcombank đã hoàn thiện phương án, đang trình NHNN phê duyệt (ngân hàng nhận chuyển giao là CBBank). Ngoài ra, VCB đã thành lập tiểu ban nghiệp vụ, rà soát quy định nội bộ.

Ngoài Vietcombank, còn có 3 ngân hàng khác công bố kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém là MB, VPBank và HDBank. Theo bà Phạm Thị Nhung, Phó tổng giám đốc VPBank, ngân hàng này đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để tiếp quản một ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc và sẽ bắt tay vào tái cơ cấu ngân hàng đó ngay khi được chuyển giao.

Việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém từng được nhắc đến nhiều lần tại các kỳ Đại hội đồng cổ đông trước đây của VPBank. Nhưng phải tới kỳ họp Đại hội đồng cổ đông năm 2023, lãnh đạo cấp cao ngân hàng này mới lên tiếng khẳng định rằng, VPBank là một trong 4 ngân hàng tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

KienlongBank triển khai Basel III, nâng cao năng lực hệ thống quản trị rủi ro

Vừa qua, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) đã tổ chức lễ triển khai dự án Basel III nhằm nâng cao năng lực hệ thống quản trị rủi ro với sự tư vấn của KPMG. Đây là chuẩn mực quản trị rủi ro uy tín, được áp dụng rộng rãi trên quốc tế và đang được hệ thống ngân hàng Việt Nam hướng tới.

anh-1-1716855829.jpg

Trước đó, KienlongBank cũng đã công bố hoàn thành Basel II trên cả 3 trụ cột, luôn đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), qua đó giúp Ngân hàng nâng cao năng lực quản trị, lành mạnh tài chính và minh bạch trong hoạt động quản lý rủi ro.

Với mục tiêu hướng tới sự phát triển toàn diện và bền vững, KienlongBank xác định việc triển khai và áp dụng Basel III là một phần trong tổng thể chiến lược dài hạn của Ngân hàng. Trong chiến lược đó, KienlongBank hướng trọng tâm đến việc nâng cao năng lực quản trị rủi ro, chú trọng quản trị theo thông lệ quốc tế; quyết liệt thực hiện xử lý nợ xấu; đẩy mạnh chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời đây cũng là bước đi tắt đón đầu để sẵn sàng thực hiện tuân thủ khi NHNN ban hành quy định.

Theo đó, ngoài việc giúp duy trì tỷ lệ an toàn vốn thận trọng hơn, Basel III còn là nền tảng để KienlongBank thiết lập các chỉ số an toàn, giúp nhận diện, đo lường, kiểm tra sức chịu đựng đầy đủ đối với các loại rủi ro, nâng cao xếp hạng tín nhiệm, dễ dàng vươn mình tiếp cận với thị trường vốn quốc tế.

Cần xem xét việc cấm Ngân hàng bán các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần xem xét, cân nhắc về quy định dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 40 về việc Ngân hàng thương mại sẽ không được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.

1716343729-thumb-1716855829.jpg

Những ngày gần đây, dư luận đang đặc biệt quan tâm về việc Ngân hàng thương mại sẽ không được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.

Cụ thể, trong Điều 16 của dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 40/2011/TT-NHNN, Ngân hàng thương mại sẽ không được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.

Liên quan tới vấn đề này, tại Hội thảo "Khôi phục niềm tin ngành bảo hiểm nhân thọ: Tầm nhìn & Giải pháp" diễn ra vào ngày 16/5 vừa qua, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Thị trường bảo hiểm nhân thọ đúng là còn một số tồn tại cần khắc phục nhưng việc đưa ra quy định hạn chế hay cấm "Ngân hàng thương mại sẽ không được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư", có lẽ phải cân nhắc và đánh giá những tác động nhiều chiều.

"Có thể có những giải pháp khác để giải quyết vấn đề chứ cấm hay hạn chế chỉ là "bất đắc dĩ". Bởi lẽ, theo thông lệ quốc tế, mô hình bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) vẫn là mô hình tương đối phổ biến" – ông Tuấn nhấn mạnh.

Ba cái “nhất” trong quý 1/2024, tạo đà bứt phá cho Techcombank

w-02-1716855829.png

Kết quả kinh doanh quý 1/2024 của Techcombank cho thấy nhiều dấu ấn khác biệt so vơi sthij trường chung. Ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank khẳng định hoạt động kinh doanh năm 2024 của nhà bang này “đang theo đúng kế hoạch” đề ra, với dự kiến lợi nhuận năm 2024 sẽ ước đạt 27.100 tỷ đồng.

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/tai-chinh-tuan-qua-lo-dien-nhom-nha-bang-san-sang-nhan-3-ngan-hang-thuoc-dien-chuyen-giao-bat-buoc-kienlongbank-trien-khai-basel-iii-a74991.html