Nhiều hạng mục tại dự án khách sạn Mia Saigon có dấu hiệu xây dựng sai phép?

Dự án khách sạn Mia Saigon của công ty KAT hiện có nhiều hạng mục như nhà hàng, hồ bơi… xây dựng sai phép, vi phạm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn. Đáng chú ý, việc xây dựng cầu cảng, bến thủy nội địa tại công trình này cũng không có trong quy hoạch và chưa được cấp phép hoạt động bến thủy.

Nhiều hạng mục xây dựng sai phép, không có trong quy hoạch

Dự án khách sạn Mia Saigon hay còn gọi là khách sạn Mia Saigon Luxury Boutique thuộc sở hữu của Công ty TNHH Đầu tư KAT (gọi tắt là: Công ty KAT) tọa lạc tại địa chỉ số 2 - 4, đường số 10, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM. Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn 5 sao với quy mô 8 tầng và 54 phòng nghỉ, và được hoàn thành vào năm 2018.

4694-1712033572-1200x0-1712049221.jpg

Dự án khách sạn Mia Saigon với quy mô 8 tầng và 54 phòng nghỉ, hoàn thành và đi vào hoạt động nhiều năm nay, tuy nhiên công trình này vẫn đang tồn tại nhiều vi phạm về xây dựng…

Mia Saigon Luxury Boutique Hotel mang lối kiến trúc theo phong cách Art Deco sang trọng, kết hợp giữa kiến trúc Đông Dương cùng sự hiện đại của Sài Gòn hiện nay. Điểm nhấn của khách sạn là hồ bơi nước mặn ngoài trời dài 25m được bố trí nằm sát sông Sài Gòn và cách đó không xa là bến thủy nội địa của Mia Saigon. Đây được xem là một trong vài bến thủy nội địa đẹp nhất còn tồn tại dọc sông Sài Gòn.

Theo tìm hiểu, mặc dù dự án khách sạn Mia Saigon đã hoàn thành và đi vào hoạt động nhiều năm nay, tuy nhiên công trình này vẫn đang tồn tại nhiều vi phạm về xây dựng. Thậm chí, việc xây dựng cầu cảng, bến thủy nội địa tại dự án cũng không có trong quy hoạch và chưa được cấp phép hoạt động bến thủy.

Được biết, phải đến ngày 11/9/2023, UBND TP. Thủ Đức gửi Công văn số 5390/UBND-QLĐT đến Sở Giao thông Vận tải TP.HCM về việc cập nhật quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn TP. Thủ Đức thì vị trí bến thủy nội địa KAT của Công ty KAT mới có trong danh mục đề xuất các vị trí quy hoạch bến thủy nội địa. 

Liên quan đến việc quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn TP.HCM, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM hiện đang đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cập nhật vị trí bến thủy nội địa trên vào quy hoạch thành phố giai đoạn năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM khẳng định: “Hiện nay, bến thủy nội địa KAT của Công ty KAT chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố hoạt động bến thủy nội địa”.

4845-1712033572-1200x0-1712049221.jpg

Việc xây dựng cầu cảng, bến thủy nội địa tại công trình khách sạn Mia Saigon cũng không có trong quy hoạch và chưa được cấp phép hoạt động bến thủy.…

Theo quy định tại Điều 5, Thông tư 50/2014/TT-BGTVT ngày 17/10/2014 của Bộ Giao thông Vận tải ghi rõ: Việc đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa đã được phê duyệt. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa chưa có trong quy hoạch hoặc có sự khác nhau so với quy hoạch, trước khi thực hiện dự án, chủ đầu tư phải báo cáo và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chấp thuận.

Mặc dù đến nay, bến thủy nội địa KAT chưa có trong quy hoạch và chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chấp thuận, nhưng không rõ lý do gì, vào ngày 08/3/2016, ông Lê Hoàng Minh, lúc này là Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã ký Công văn số 2454/SGTVT-GTT “về việc chấp thuận chủ trương xây dựng bến thủy nội địa đón trả khách nội bộ của Công ty KAT”.

Căn cứ vào văn bản do ông Minh ký, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã đồng ý cho Công ty KAT xây dựng công trình cầu cảng, bến thủy có: “Quy mô bến dạng chữ T có kết cấu dạng bản dầm bê tông trên hệ cọc bê tông cốt thép, cầu bến LxB có kích thước 9,6x3m, cầu dẫn LxB là 7,65x3m và cao trình mặt bến +2,25m (hệ cao độ Hòn Dấu)”.

Sau đó, Công ty KAT đã xây dựng và hoàn thành cầu cảng, bến thủy nội địa tại công trình khách sạn Mia Saigon.

Được biết, sau khi rời vị trí công tác tại Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, ông Lê Hoàng Minh được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty IPC từ tháng 2/2017 và đang phải chịu mức án 4 năm tù trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO).

Bên cạnh đó, văn bản số 3019/SGTVT-QLĐT của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cũng nêu rõ: Việc cấp phép xây dựng hồ bơi, nhà hàng tại công trình khách sạn Mia Saigon không thuộc thẩm quyền của Sở Giao thông Vận tải.

Trong khi đó, Giấy phép xây dựng số 179/GPXD cấp ngày 05/9/2017 của Sở Xây dựng TP.HCM cấp cho Công ty KAT xây dựng khách sạn Mia Saigon ghi rõ: Chỉ giới đường đỏ: trùng ranh lộ giới đường Đoàn Hữu Trung (20m), đường số 10 (10m) và hành lang bảo vệ sông Sài Gòn (50m); chỉ giới xây dựng: cách chỉ giới đường đỏ đường Đoàn Hữu Trung và đường số 10 tối thiểu 3m, cách ranh giới đất còn lại tối thiểu 2m (tức chỉ được xây dựng cách hành lang bảo vệ sông Sài Gòn tới 50m+2m). Số tầng: 01 tầng hầm liên thông, 01 khối 04 tầng và 01 khối 7 tầng.

Như vậy, Giấy phép của Sở Xây dựng TP.HCM không hề cấp phép cho Công ty KAT xây dựng các hạng mục như: nhà hàng, hồ bơi, quầy bar… tại công trình khách sạn Mia Saigon.

Liên quan đến việc xây dựng các hạng mục công trình khách sạn Mia Saigon, tại báo cáo gửi Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Công ty KAT thông tin: “Diện tích khu đất: 2.227,8 m2 (theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyển sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CH 62391 ngày 25/4/2017 do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp; Quyết định số 6345/QĐ-UBND ngày 06/12/2016 của UBND TP.HCM). Diện tích đất hợp thửa (chưa trừ lộ giới các tuyến đường và hành lang bảo vệ sông Sài Gòn) sau khi Công ty KAT nhận chuyển nhượng từ các nhà dân là: 2.320,16 m2. Trong đó: Diện tích đất vi phạm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn, lộ giới là 92,36 m2; Diện tích đất phù hợp sử dụng là 2.227,8 m2…”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Đầu tư KAT được thành lập vào năm 2014, địa chỉ trụ sở tại TP. Thủ Đức, TP.HCM. Doanh nghiệp có MST là 0312995696 và người đại diện theo pháp luật là bà Bùi Thị Hoàng Quỳnh (quận Gò Vấp, TP.HCM).

8957-1712033572-1200x0-1712049221.jpg

Giấy phép của Sở Xây dựng TP.HCM không hề cấp phép cho Công ty KAT xây dựng các hạng mục như: nhà hàng, hồ bơi, quầy bar… tại công trình khách sạn Mia Saigon.

Tại lần đăng ký thay đổi Giấy đăng ký kinh doanh lần thứ 11 vào ngày 10/11/2021, Công ty KAT có vốn điều lệ 156 tỷ đồng, do 02 thành viên góp vốn là: bà Tạ Thiên Nga (trú tại quận 3, TP.HCM) có vốn góp 155.905.000.000 đồng (chiếm 99,939%); Lâm Di Linh (trú tại quận 5, TP.HCM) có vốn góp 95.000.000 đồng (chiếm 0,061%), còn người đại diện pháp luật của Công ty KAT hiện là bà Bùi Thị Hoàng Quỳnh (không có vốn góp).

Có nguồn tin cho rằng, bà Tạ Thiên Nga có tên gọi khác là Lâm Julie Thiên Nga, được cho là vợ ông Don Lam, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Quản lý quỹ VinaCapital.

Hệ sinh thái của doanh nhân Lâm Julie Thiên Nga

Vào tháng 4/2021, Công ty cổ phần VNG thông báo, bà Lâm Julie Thiên Nga đã chuyển nhượng 493.000 cổ phiếu (1,38% vốn điều lệ VNG) cho hai cổ đông mới là Mirae Asset Innovative Growth Fund (0,12%) và Công ty TNHH Quản lý quỹ Mirae Asset Việt Nam (1,26%), ước quy mô giao dịch có thể đạt hơn 900 tỷ đồng.

Mặc dù sở hữu gần như tuyệt đối số vốn góp tại Công ty KAT nhưng bà Tạ Thiên Nga không đứng tên đại diện pháp luật. Hiện, bà Nga đang là đại diện pháp luật cho các doanh nghiệp như: Công Ty TNHH MTV Lâm Phan, Công ty TNHH Nha Trang Biển Đảo, Công ty TNHH MTV Đầu tư Thiên Lâm.

Liên quan đến Công ty TNHH Nha Trang Biển Đảo, được biết, vào ngày 30/10/2015, ông Lê Đức Vinh, lúc này là Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký Quyết định số 3079/QĐ-UBND để giao cho Công ty Nha Trang Biển Đảo thuê 36.764,7m2 đất và 71.031m2 đất có mặt nước ven biển tại khu Ba Lố, thôn Cù Hin, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa để sử dụng vào mục đích xây dựng khu du lịch sinh thái (đất thương mại dịch vụ) nhưng không thông qua đấu giá.

Một vụ việc giao “đất vàng” khác không thông qua đấu giá ở tỉnh Khánh Hòa liên quan đến ông Lê Đức Vinh đã bị pháp luật xử lý, là: Năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận cho Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang làm chủ đầu tư dự án Nha Trang Golden Gate (28E Trần Phú) với diện tích hơn 14.220 m2, bao gồm tổ hợp khách sạn và căn hộ tiêu chuẩn 5 sao, tổng vốn 1.250 tỷ đồng. Đến tháng 2/2016, UBND tỉnh tiếp tục có quyết định giao, cho thuê 20.110 m2 đất tại đây cho doanh nghiệp xây khách sạn, căn hộ du lịch, trung tâm thương mại.

Đến tháng 12/2019, cơ quan chức năng kết luận “dự án vi phạm rất nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước". Vụ án “giao đất vàng không qua đấy giá”, sau đó được ra xét xử, tháng 12/2023, bị cáo Lê Đức Vinh bị tuyên phạt mức án 3 năm 6 tháng tù. Trước đó, trong 2 vụ án khác (Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung, núi Chín Khúc), bị cáo Vinh cũng bị tuyên án với tổng cộng 10 năm tù.

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/nhieu-hang-muc-tai-du-an-khach-san-mia-saigon-co-dau-hieu-xay-dung-sai-phep-a74712.html