Doanh nghiệp hôm nay: Một công ty nợ thuế 1.400 tỷ đồng, có khoản vay 3.000 tỷ tại Vietcombank

Cục thuế tỉnh Nghệ An vừa công bố danh sách 48 đơn vị nợ thuế, trong đó ngoài Thiên Minh Đức còn nợ 954 tỷ đồng, còn có 1 doanh nghiệp nợ lớn nhất 1.400 tỷ.

Cục thuế tỉnh Nghệ An vừa thông báo công khai danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước.

Thiên Minh Đức còn nợ 954 tỷ đồng tiền thuế

Theo danh sách, có 48 người nộp thuế còn nợ thuế và các khoản thu khác lên đến hơn 2.592 tỷ đồng tính đến 31/1/2024.

Đáng chú ý nhất, trong danh sách có CTCP Tổng Công ty đầu tư Hợp tác kinh tế Việt Lào (Vilaco) với số tiền nợ thuế “khủng”, hơn 1.407 tỷ đồng, chiếm 54% tổng nợ thuế của tỉnh. Đây không phải lần đầu Vilaco bị "bêu tên" nợ thuế, mà từ mấy năm trước, năm 2021 Vilaco đã nằm trong danh sách nhắc nợ thuế hàng chục tỷ đồng của Nghệ An, bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn.

Đứng thứ 2 trong danh sách là cái tên quen thuộc được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây là CTCP Tập đoàn Thiên Minh Đức. Thiên Minh Đức là doanh nghiệp mắc nhiều sai phạm theo kết luận Thanh tra Chính phủ liên quan đến xăng dầu. Mới đây Thiên Minh Đức thông tin đã hoàn trả 466 tỷ đồng vào quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo công bố của cơ quan thuế, hiện Thiên Minh Đức còn nợ 954 tỷ đồng tiền thuế, bà Chu Thị Thành, Chủ tịch HĐQT công ty, cũng đã bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế.

screenshot-2024-03-04-at-12322920240306005425-1709689018.png

Doanh nghiệp nợ thuế 1.400 tỷ đồng có khoản vay 3.000 tỷ tại Vietcombank

Doanh nghiệp nợ thuế lớn nhất tại Nghệ An, CTCP Tổng Công ty đầu tư Hợp tác kinh tế Việt Lào (Vilaco) tiền thân là Công ty TNHH Tổng Công ty đầu tư Hợp tác kinh tế Việt Lào, thành lập tháng 3/2002 có địa chỉ tại Hưng Dũng, TP. Vinh, Nghệ An.

Công ty ban đầu do ông Nguyễn Thế Trâm, sinh năm 1960 làm Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc. Công ty đăng ký hoạt động với ngành nghề “xây dựng nhà các loại”. Vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng.

Vilaco được biết đến là doanh nghiệp có rất nhiều lần biến động về vốn điều lệ theo cả 2 chiều tăng và giảm. Đây có lẽ cũng là doanh nghiệp thường xuyên thay đổi vốn điều lệ nhất. Việc tăng/giảm vốn đáng chú ý là chủ yếu diễn ra vào năm 2016 và 2017.

Năm 2016 công ty bất ngờ công bố thông tin điều chỉnh vốn điều lệ, “hạ đột ngột” từ 1.600 tỷ đồng xuống còn 80 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm ông Nguyễn Thế Trâm góp 83% (66,4 tỷ đồng) và ông Nguyễn Thế Hợi (ông Hợi có cùng địa chỉ với ông Trâm), góp 17% (13,6 tỷ đồng.

Công cuộc giảm vốn của Vilaco chưa hết, đầu 2017 công ty tiếp tục giảm vốn điều lệ về 52 tỷ đồng. năm 2017 cũng là năm đánh dấu sự "thăng trầm" về vốn của Vilico.

Cụ thể, vừa giảm vốn vài tháng, đến tháng 2/2017 Vilaco bất ngờ tăng vốn “khủng”, từ 52 tỷ đồng lên 999 tỷ đồng.

Năm 2017 cũng là thời điểm Vilaco liên tục thay đổi cơ cấu cổ đông. Có thời điểm công tỷ cơ cấu “mở”, trong đó ông Nguyễn Thế Trâm vẫn nắm chi phối 80,002%; ông Hợi nắm 14%; số còn lại do ông Nguyễn Quốc Nam nắm 3%; ông Trần Tiến Dũng nắm 1,9998%; ông Vương Đình Mai nắm 1%.

Tuy vậy rất nhanh chóng, 3 cổ đông “lạ” rút lui, chuyển sở hữu về ông Trâm (86%) và ông Hợi (14%). Việc “mở” thêm cổ đông lại thực hiện vào tháng 8/2017 với danh sách 5 người, trong đó ông Trâm và ông Hợi nắm tổng cộng 94%. Cơ cấu cổ đông liên tục thay đổi, trở lại thành 2 người ngay sau đó.

Không chỉ cơ cấu cổ đông liên tục thay đổi mà "vòng” giảm vốn của Vilaco cũng tiếp tục khi tháng 9/2017 công ty giảm vốn điều lệ từ 999 tỷ đồng về 500 tỷ đồng.

Dàn lãnh đạo của Vilaco bắt đầu xáo trộn từ tháng 10/2019 khi ông Nguyễn Phan Huy Khôi, sinh năm 1982 lên làm Chủ tịch HĐQT. Những lần sau đó, các "sếp" của Vilaco đều đến từ Hà Nội, gồm có ông Hồ Nam. Gần đây nhất, ông Lương Xuân Hà, sinh năm 1961, lên làm Chủ tịch HĐQT từ tháng 7/2021 và ông Nguyễn Công Hồng làm Tổng Giám đốc.

Mới đây nhất, tháng 11/2021 công ty cập nhật thông tin tăng vốn điều lệ gần gấp 5 lần, lên 2.430 tỷ đồng...

Tại Nghệ An, CTCP Tổng công ty đầu tư hợp tác kinh tế Việt Lào đã nhiều lần được "nhắc tên" tại loạt các dự án. Còn "sếp tổng" Nguyễn Thế Trâm, còn có biệt danh Trâm Bầu, là một trong số những doanh nhân giàu nhất xứ Nghệ.

screenshot-2024-03-06-at-00531520240306005343-1709689018.png

Về Vilaco, tăng vốn, thay đổi cơ cấu cổ đông, công ty cũng bắt đầu xuất hiện những giao dịch thế chấp nghìn tỷ. Đáng chú ý nhất, tháng 10/2021 xuất hiện giao dịch đảm bảo tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) với giá trị khoản vay 3.000 tỷ đồng.

Chủ thể đứng ra vay khoản này gồm 3 doanh nghiệp trong đó ngoài Vilaco còn có Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển DB có địa chỉ tại Văn Giang, Hưng Yên và Công ty TNHH Phát triển bất động sản Sông Lam có địa chỉ tại quận 1, TP. HCM.

Gần đây nhất, tháng 12/2023 Vilaco có giao dịch tài sản đảm bảo tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Hà Nội. Tài sản đảm bảo là toàn bộ bất động sản hình thành trong tương lai thuộc giai đoạn 2 và 3 của dự án khu đô thị và nhà ở xã hội xã Hưng Hòa, TP. Vinh.

screenshot-2024-03-06-at-00291920240306003013-1709689018.png

Khu đất triển khai Dự án Khu đô thị và nhà ở xã hội tại xã Hưng Hòa

Theo tin từ báo Xây dựng, dự án khu đô thị và nhà ở xã hội tại xã Hưng Hòa, TP. Vinh do Công ty cổ phần Tổng Công ty hợp tác kinh tế Việt Lào làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 4626/QĐ.UBND-CNXD ngày 07/10/2010 với diện tích 156,33 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 5.124 tỷ đồng.

Quá trình triển khai thực hiện, phạm vi ranh giới và quy mô diện tích khu đất của dự án bị thay đổi do có dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của thành phố chạy qua

Sau hơn hơn 10 năm, đến nay dự án này vừa mới được tái khởi động, sẽ là khu đô thị sinh thái kết hợp dịch vụ thương mại, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/doanh-nghiep-hom-nay-mot-cong-ty-no-thue-1400-ty-dong-co-khoan-vay-3000-ty-tai-vietcombank-a74546.html