“Vận đen” cuối năm của MB Bank: Khách hàng đề nghị Thanh tra NHNN vào cuộc sau những “lùng bùng” tại dự án Ocean Park Vân Đồn

Công ty TNHH Quan Minh, chủ đầu tư dự án Ocean Park Vân Đồn (Quảng Ninh) vừa có đơn kiến nghị gửi Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vào cuộc để xác minh, xử lý việc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) vi phạm cho vay, nhận thế chấp tài sản và tự ý xử lý tài sản thế chấp.

mb-bank-1707269524.jpg

Chú thích ảnh

Theo đơn kiến nghị của Công ty Quan Minh, năm 2018, để triển khai Dự án Ocean Park (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) công ty đã ký Hợp đồng tín dụng trị giá 450 tỷ đồng với Ngân hàng thương mại cổ phần hàng hải Việt Nam (MSB). Hợp đồng giữa Quan Minh với MSB đang được thực hiện thì Công ty Quan Minh chuyển sang ký hợp đồng tín dụng với MB Bank.

“ Năm 2019, ông Lưu Trung Thái - Tổng giám đốc MB Bank cùng đại diện Chi nhánh Hoàng Quốc Việt của MB Bank có chuyến công tác tại Quảng Ninh và đã gặp mặt, làm việc và mời gọi Ban lãnh đạo Công ty Quan Minh chuyển sang ký kết Hợp đồng tín dụng với MB Bank với khoản vay vốn cho giai đoạn 1 của dự án là 650 tỷ đồng và sẽ tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, khai thác, vận hành triển khai bán hàng tại Dự án Ocean Park…”, đơn kiến nghị của Công ty Quan Minh nêu rõ.

Nhìn thấy khoản tín dụng cao hơn nên Công ty Quan Minh đã đồng ý chấm dứt hợp đồng tín dụng với MSB và chuyển sang MB Bank.

ocp-van-don-1707269524.jpg

Dự án Ocean Park Vân Đồn.

Tại thư ngỏ Thông báo tài trợ số 199/MB-HQV gửi Công ty TNHH Quan Minh ngày 17/5/2019 của Ngân hàng MB - Chi nhánh Hoàng Quốc Việt có nội dung và mục đích chính là: Cấp hạn mức tín dụng trung hạn 650 tỷ đồng, trong đó tối đa 467 tỷ đồng tái tài trợ gốc vay trung - dài hạn tại Ngân hàng MSB và 183 tỷ đồng tài trợ chi phí hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Dự án Ocean Park với thời hạn cho vay tối đa 33 tháng kể từ ngày giải ngân. Tài sản bảo đảm cho khoản vay là: Một phần QSDĐ tại Dự án Ocean Park và phần vốn góp các thành viên góp vốn tại Công ty TNHH Quan Minh.

Tuy nhiên, sau khi hai bên ký kết hợp đồng tín dụng ngày 7/6/2019 cho đến tháng 12/2019, MB Bank chỉ giải ngân 40 tỷ đồng trong tổng số 183 tỷ đồng chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự án Ocean Park dù Công ty Quan Minh nhiều lần gửi văn bản và đã chứng minh đầy đủ khối lượng công việc thực hiện trên thực tế để đề nghị MB Bank giải ngân số vốn 143 tỷ đồng còn lại theo hợp đồng.

“Trong quá trình thực hiện Hợp đồng số 160305, MB Bank mới chỉ giải ngân cho Công ty Quan Minh theo 04 khế ước nhận nợ, với tổng số tiền là gần 507 tỷ đồng, trong đó số tiền 467 tỷ đồng là số tiền mà Công ty Quan Minh dùng cho việc tái tài trợ gốc vay trung - dài hạn tại Ngân hàng MSB. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2020, MB Bank đã dừng giải ngân mà không có lý do chính đáng khiến cho Công ty Quan Minh không đủ tài chính để hoàn tất hạ tầng kỹ thuật Dự án, phá vỡ kế hoạch sản xuất kinh doanh dẫn đến gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ theo cam kết với MB Bank”

Theo đại diện Công ty Quan Minh; “Ngân hàng MB không những không hỗ trợ Công ty Quan Minh và giải ngân nguồn vốn theo đúng mục đích sử dụng khoản vay mà liên tục đề nghị Công ty Quan Minh trả nợ trước hạn khoản nợ trung hạn cho vay Dự án Ocean Park dù chưa đến hạn thanh toán. Đồng thời theo sự ủy quyền của Tổng giám đốc Lưu Trung Thái, bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh và ông Phạm Văn Phòng thuộc Trung tâm nợ quản trị đã phát hành nhiều công văn thúc ép Công ty Quan Minh phải bàn giao tài sản thế chấp để Ngân hàng MB thu hồi nợ…. Trong khi theo các văn bản thỏa thuận giữa MB Bank và Công ty Quan Minh thì lịch trả nợ gốc được hai bên thống nhất như sau: Năm 2019 là 30 tỷ đồng; năm 2020 là 2 tỷ đồng; năm 2021 là 2 tỷ đồng; năm 2022 là 80 tỷ đồng; năm 2023 là 120 tỷ đồng; năm 2024 là 160 tỷ đồng; năm 2025 MB Bank thu hết nợ”.

Trước tình hình đó Công ty Quan Minh đã tiến hành trả nợ cho MB Bank và dư nợ đến 31/03/2020 còn 38 tỷ đồng. Như vậy tính đến tháng 4/2020, Công ty Quan Minh đang không có nợ quá hạn tại MB Bank, các khoản nợ đang được xếp nhóm 1 theo thông tin từ hệ thống CIC.

“Mặc dù vậy, chúng tôi không hiểu vì lý do gì Ngân hàng MB lại chuyển toàn bộ khoản vay của Công ty Quan Minh sang nợ nhóm 4… Việc chuyển nhóm nợ này là co Công ty Quan Minh không thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng khác mặc dù có nhiều ngân hàng sẵn sàng giải ngân cho chúng tôi”, đại diện Công ty Quan Minh bức xúc.

Cung theo đại diện Công ty Quan Minh; “Trước đó, để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, ngày 13/3/2020, NHNN đã ban hành thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, MB Bank không những không áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN để giữ nguyên nhóm nợ mà còn làm trái các quy định khác của Nhà nước khi chuyển nhóm nợ của Công ty Quan Minh.

“Theo quy định, MB Bank chỉ được chuyển ngay nợ của Công ty Quan Minh từ nhóm 1 sang nợ xấu nhóm 4 nếu Công ty Quan Minh vi phạm những quy định sau: Các khoản nợ quá hạn từ 181 đến 360 ngày; Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ quá hạn từ 90 ngày đến 180 ngày theo thời hạn đã cơ cấu lại; hoặc các khoản nợ khác được phân loại vào nhóm 4 theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 6 tại Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN quy định về phân loại nợ. Trong khi đó, vào thời điểm ngày 1/4/2020, Công ty Quan Minh đang không có nợ quá hạn tại MB Bank, các khoản nợ đang được xếp nhóm 1 theo thông tin từ hệ thống CIC, thì Công ty Quan Minh phải được xếp vào nhóm 2 theo Quyết định 493 (các khoản nợ quá hạn dưới 90 ngày hoặc các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong hạn theo thời hạn đã cơ cấu lại). Thậm chí, nếu MB Bank áp dụng linh hoạt thì Công ty Quan Minh hoàn toàn có thể được cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo thông tư 14/2014/TT-NHNN của NHNN”, vị đại diện Công ty Quan Minh phân tích.

screenshot-20240206-133348-word-1707269524.jpg

Đơn kiến nghị của Công ty Quan Minh gửi Thanh tra NHNN.

Trong đơn kiến nghị gửi Thanh tra NHNN, Công ty Quan Minh cho rằng: “Lãnh đạo MB Bank đã chỉ đạo cho vay, chiếm giữ tài sản và xử lý tài sản bảo đảm trái quy định của pháp luật, tiếp tay và bao che cho bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, ông Phạm Văn Phòng và các cá nhân khác là thuộc cấp do mình trực tiếp quản lý để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật nhằm mục đích thâu tóm Công ty Quan Minh trong quá trình thực hiện Hợp đồng cho vay; Hợp đồng thế chấp tài sản; Tự ý thu hồi, xử lý tài sản thế chấp là các Bất động sản thuộc Dự án khu dân cư đô thị Ocean Park, Nhà máy chế biến cát Minh châu, toàn bộ phần vốn góp vốn điều lệ của các thành viên tại Công ty Quan Minh và quyền tài sản phát sinh từ Giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Thương mại Tân Lập… gây thiệt hại ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng cho Công ty Quan Minh và Công ty Tân Lập, vi phạm nghiêm trọng quy định về cho vay, thế chấp tài sản và xử lý tài sản bảo đảm….

“MB Bank có nhiều sai phạm trong việc đưa Công ty Quan Minh vào danh sách nợ xấu thuộc nhóm 4 trái pháp luật; vi phạm nhiều điều khoản tại hợp đồng tín dụng số 16305; vi phạm nghĩa vụ Hợp đồng trong việc Thông báo, cung cấp thông tin cho Công ty Quan Minh; vi phạm việc nhận thế chấp tài sản đảm bảo; vi phạm pháp luật trong việc tự ý thu hồi tài sản đảm bảo, Thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty Quan Minh…”, đơn kiến nghị của Công ty Quan Minh nhấn mạnh.

Trước đó, việc tranh chấp này đã được Công ty Quan Minh khởi kiện ra Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội). 

Theo đơn khởi kiện, Công ty Quan Minh yêu cầu Toà án buộc MB Bank thực hiện nội dung Hợp đồng cho vay trung – dài hạn đã ký giữa hai bên, giải ngân số tiền 143 tỷ đồng còn lại theo hợp đồng để thực hiện xây dựng hạ tầng dự án Ocean Park Vân Đồn (Quảng Ninh). Buộc MB Bank phải đưa Công ty Quan Minh ra khỏi danh sách nợ xấu nhóm 4.

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/van-den-cuoi-nam-cua-mb-bank-khach-hang-de-nghi-thanh-tra-nhnn-vao-cuoc-sau-nhung-lung-bung-tai-du-an-ocean-park-van-don-a74428.html