Trút dần gánh nặng
Công trường thi công Khu phức hợp Sóng Việt (tên thương mại The Metropole Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, TP.HCM) những ngày cuối cùng của năm 2023 tất bật thi công để hoàn thiện phân khu The Opera Residence, thuộc giai đoạn 3 (Lô 1-17) của dự án - cũng là phân khu được UBND TP.HCM gỡ vướng theo kiến nghị của doanh nghiệp.
Dự án The Metropole Thủ Thiêm có quy mô khoảng 4,8 ha, bao gồm 4 lô đất mang ký hiệu 1-13, 1-14, 1-16 và 1-17 do các công ty thành viên thuộc Sơn Kim Land làm chủ đầu tư. Hồi đầu năm nay, dự án này là 1 trong 7 dự án được UBND TP.HCM đưa vào diện được ưu tiên tháo gỡ vướng mắc.
Thời điểm đó, doanh nghiệp cho biết công trình tại Lô 1-17 đang được triển khai thi công xây dựng quá tầng 24 và hoàn thành cất nóc với chi phí đầu tư xây dựng đã thực hiện lên tới 1.500 tỷ đồng; công trình tại Lô 1-16 (The Galleria Residences) đã được hoàn thành, bàn giao cho các cư dân sử dụng và trở thành một trong các công trình điểm nhấn tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm; công trình tại Lô 1-13 đã hoàn thành cất nóc (tầng 29) với chi phí đầu tư xây dựng đã thực hiện hơn 2.000 tỷ đồng.
Chủ đầu tư dự án cho biết, vướng mắc nổi cộm nhất là chưa được cơ quan quản lý cấp xác nhận đủ điều kiện bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai đối với công trình xây dựng trên lô đất 1-17 do thiếu cơ chế giải quyết các vướng mắc phát sinh mà không do lỗi của chủ đầu tư, trong khi công trình đã gần hoàn thiện .
Vướng mắc lớn thứ hai là công trình tại lô đất 1-16 đã được hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng theo đúng quy định pháp luật từ năm 2021, nhưng người mua căn hộ dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cũng do “lỗi” cơ chế mà không xuất phát từ chủ đầu tư hay khách hàng.
Hiện tại, những vướng mắc trên đã được tháo gỡ, bao gồm cả việc TP.HCM cho phép huy động vốn 50% tại phân khu thuộc lô đất 1-17.
Tương tự, dự án Metro Star (TP. Thủ Đức) do Công ty TNHH Đầu tư Metro Star (thuộc Tập đoàn CT Group) làm chủ đầu tư cũng đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trong kiến nghị trước đó, chủ đầu tư cho biết, dự án được nhận chuyển nhượng từ Công ty cổ phần Công trình Giao thông Công chánh từ năm 2015 theo đúng quy định pháp luật là Nghị định 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ.
Việc mua bán này được các sở, ngành, hội đồng chuyển nhượng dự án Thành phố, UBND Thành phố công nhận và phê duyệt chính thức tại Quyết định số 5268/QĐ-UBND ngày 7/10/2016 về Chấp thuận cho chuyển nhượng dự án tại số 360 xa lộ Hà Nội, phường Phước Long A, quận 9 cũ (nay thuộc TP. Thủ Đức).
Do Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực, chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh phù hợp với quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 điều chỉnh và nộp đầy đủ tất cả hồ sơ cập nhật lại chủ trương đầu tư dự án theo quy định của luật này tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, thế nhưng nhiều năm trôi qua vẫn chưa được giải quyết.
Tại buổi họp Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn TP.HCM lần 4 (ngày 1/8/2023), Chủ tịch UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến của Sở Tư pháp, tham mưu, đề xuất UBND Thành phố về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này theo quy định hiện hành. Đến trung tuần tháng 11/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã hoàn tất việc bàn giao hồ sơ có ý kiến về các nội dung có liên quan của dự án để UBND TP. Thủ Đức có cơ sở xem xét quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo quy định.
Để chuẩn bị cho bước tiến mới về thủ tục này, Metro Star đã tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng lên 1.187 tỷ đồng, cùng với đó là thay đổi cơ cấu cổ đông tại thời điểm cuối tháng 11/2023.
Cùng với dự án trên, dự án Khu nhà ở Ánh Trăng giữa trung tâm TP.HCM (Moonlight Centre Point) của Công ty cổ phần Địa ốc Vĩnh Tiến (thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh) đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến của các cơ quan có liên quan trình UBND Thành phố xem xét chủ trương đầu tư theo quy định.
Ngoài những cái tên kể trên, một số dự án khác cũng bắt đầu có những động thái mới sau khi thủ tục được hanh thông. Chẳng hạn, Keppel Land - chủ đầu tư dự án The Infinity Riviera Point (quận 7) vừa giới thiệu sản phẩm ra thị trường sau khi được cấp giấy phép xây dựng vào ngày 27/11/2023 sau hơn 5 năm làm thủ tục (từ cuối năm 2018).
Trước đó, vào tháng 4/2023, dự án Khai Hoan Prime (huyện Nhà Bè) đã được cấp giấy phép xây dựng sau hơn 4 năm “án binh bất động”. Đến đầu tháng 10/2023, Sở Xây dựng TP.HCM xác nhận dự án này đủ điều kiện huy động vốn thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết.
Cần sớm gỡ vướng tận gốc
Trong báo cáo mới đây, UBND TP.HCM cho biết, sau khi kiện toàn Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố vào tháng 5/2023 với 14 thành viên do Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng, 17 dự án bất động sản đã được gỡ vướng. Trong đó, 3 dự án được giải quyết theo chỉ đạo của Tổ công tác gồm dự án Khu phức hợp Sóng Việt của Công ty Quốc Lộc Phát, dự án xây dựng khu nhà ở xã hội của Công ty VTHouse và Công ty Tâm Giao; dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam.
Ngoài ra, có 12 dự án đang được các sở, ngành rà soát, thực hiện theo chỉ đạo của UBND Thành phố, chẳng hạn như dự án tại số 3A - 3B Tôn Đức Thắng; dự án Căn hộ Lê Thành, Tân Tạo 2; dự án Khu nhà ở thấp tầng Tâm Đại Thành; Tổ hợp cao ốc thương mại, dịch vụ, văn phòng và căn hộ trên đường 3/2; dự án tại số 100 đường Cô Giang…
Dù tiến độ gỡ vướng cho các dự án đang được thúc đẩy nhưng khó khăn trước mắt vẫn còn nhiều, bởi đối với hồ sơ pháp lý bất động sản, chỉ cần một khâu tắc thì mọi khâu khác đều bị liên đới, do đó rất cần sự rốt ráo xử lý của các cơ quan chức năng.
Đơn cử, dự án Khu dân cư NBB Garden III của Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy dù đã được Tổ công tác của TP.HCM ưu tiên tháo gỡ, song đến nay vẫn còn nội dung vướng mắc.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, dự án NBB Garden III bắt đầu lập chủ trương đầu tư từ tháng 12/2007, đến nay, số lượng văn bản liên quan đến thủ tục đầu tư lên tới gần 700 văn bản mà vẫn không thể triển khai. Trong đó, có 3 vướng mắc chính khiến dự án “đứng hình” suốt 16 năm qua là vướng đất công xen kẹt, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội và đặc biệt là không có đất ở nên không đáp ứng cơ sở pháp lý để được chấp thuận chủ trương đầu tư.
“Đất của dự án là do Công ty nhận chuyển nhượng của các cá nhân, tổ chức từ năm 2007 và đã thanh toán 100% tiền đất cho các chủ đất. Trước đây, khu vực này là đất nông nghiệp nên không có đất ở. Hơn nữa, mục đích sử dụng chính là nuôi trồng thủy sản nên giữa các thửa đất có kênh rạch để tưới tiêu, chiều ngang bình quân là 1,5 m, chiều dài len lỏi giữa các thửa đất, diện tích bị ảnh hưởng chiếm 3,5% diện tích khu đất của dự án… Đây là nguyên nhân chính khiến dự án gặp vướng mắc kéo dài”, vị này thông tin.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/nhieu-du-an-bat-dong-san-ngam-thuoc-a74130.html