Ngành bất động sản dường như vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn sau khi nhiều doanh nghiệp hàng đầu thị trường công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 với nhiều chỉ tiêu kém lạc quan. Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (Công ty Nam Long) là một trong số đó với thời gian nợ thuế được kéo dài thêm. Ngoài nợ thuế, Nam Long còn chứng kiến doanh thu giảm sốc và hàng tồn kho tăng mạnh.
Trường kỳ nợ thuế, nhờ thuế để lợi nhuận tăng trưởng dương
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 của Nam Long, tại ngày 30/9/2023, Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tại Nam Long dù giảm sâu nhưng vẫn lên tới 190 tỷ đồng. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 70% (tương đương 133 tỷ đồng). Đứng sau là thuế thu nhập cá nhân (39,9 tỷ đồng), thuế giá trị gia tăng (13,1 tỷ đồng).
Đây không phải lần đầu tiên Nam Long nợ thuế đến hàng trăm tỷ đồng. Trước đó, hồi cuối năm 2022, 2021, 2020 và 2019, chỉ tiêu thuế và các khoản phải nộp nhà nước của ông lớn bất động sản này lần lượt là 327 tỷ đồng (năm 2022), 364 tỷ đồng (năm 2021), 119 tỷ đồng (năm 2020) và 252 tỷ đồng (năm 2019).
Liên quan đến thuế, Nam Long gây ngạc nhiên vì chứng kiến lợi nhuận sau thuế thoát tăng trưởng âm một cách ngoạn mục. Trong quý 3/2023, Nam Long ghi nhận doanh thu giảm sâu nên lợi nhuận trước thuế “lao dốc”. Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế lại tăng mạnh nhờ “hoãn” thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cụ thể, trong quý 3/2023, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Nam Long đạt 357 tỷ đồng, giảm 525 tỷ đồng, tương đương 59,5% so với quý 2/2022; lũy kế 9 tháng đạt 1.545 tỷ đồng, giảm 1.165 tỷ đồng, tương đương 43% so với cùng kỳ năm trước.
Dù nỗ lực tiết giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp nhưng Nam Long vẫn ghi nhận Lợi nhuận trước thuế quý 3/2023 giảm 75,9 tỷ đồng, tương đương 96,1% xuống chỉ còn 3,1 tỷ đồng. Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế vẫn tăng 20 tỷ đồng, tương đương 39,3% lên 70,9 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đầu năm tăng từ 276 tỷ đồng lên 319 tỷ đồng.
Có được nghịch lý này là do trong kỳ, Nam Long ghi nhận 80,8 tỷ đồng thu nhập thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại.
Hàng tồn kho tăng mạnh
Trong quý 3/2023, doanh thu của Nam Long giảm sâu còn hàng tồn kho thì tăng đáng kể. Tại ngày 30/9/2023, chỉ tiêu Hàng tồn kho tại công ty này đạt 16.800 tỷ đồng, tăng 1.970 tỷ đồng, tương đương 13,3% so với hồi cuối năm 2022 và chiếm 60,7% tổng tài sản.
Đây là mức cao nhất của hàng tồn kho trong nhiều năm gần đây. Trước đó, chỉ tiêu này lần lượt đạt 15.490 tỷ đồng (năm 2021), 6.069 tỷ đồng (năm 2020) và 4.298 tỷ đồng (năm 2019).
Như vậy, có thể thấy, sau đại dịch Covid-19, hàng tồn kho tại Nam Long đã tăng tới 12.502 tỷ đồng, tương đương 291%. Trong hàng tồn kho hồi cuối quý 3/2023, dự án Izumi có giá trị lớn nhất lên đến 9.037 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 8.299 tỷ đồng hồi cuối năm 2022. Đứng sau là dự án Waterfront Giai đoạn 1 (3.556 tỷ đồng), dự án Waterfront Giai đoạn 2 (1.528 tỷ đồng), dự án Hoàng Nam – Akari (1.047 tỷ đồng), dự án Cần Thơ (911 tỷ đồng),… Tuy nhiên, các quyền sử dụng đất ở nhiều dự án, trong đó có Izumi, Waterfront Giai đoạn 1 và 2,… đã được mang đi cầm cố tại ngân hàng.
Cắt giảm nhân sự
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của Nam Long chính là cắt giảm nhân sự. Tại ngày 30/9/2023, Nam Long có 842 người, giảm 22 người so với cuối năm 2022. Nam Long không công bố mức lương cho người lao động. Tuy nhiên, các chi phí chính như quản lý doanh nghiệp và bán hàng đều thu hẹp.
Trong quý 3/2023, Chi phí bán hàng giảm từ 107 tỷ đồng xuống 72,4 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đầu năm giảm 88 tỷ đồng, tương đương 27,1% xuống 237 tỷ đồng. Chi quản lý doanh nghiệp quý 3/2023 giảm từ 160 tỷ đồng xuống 125 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đạt 389 tỷ đồng, giảm 56 tỷ đồng, tương đương 12,6%.
Thù lao Hội đồng quản trị giữ nguyên ở mức 13,3 tỷ đồng nhưng Lương Tổng giám đốc và các thành viên quản lý khác giảm khá mạnh, giảm 9,9 tỷ đồng, tương đương 30,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Mộc Hương - Hoàng Minh/TCDN
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/cong-ty-nam-long-truong-ky-no-thue-cat-giam-nhan-su-a73776.html