Trong diễn biến liên quan, một nguồn tin của Người Đô Thị mới đây cho biết Tập đoàn Sun Group đã có văn bản gửi thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (cũng là Trưởng ban chỉ đạo các dự án do Sun Group đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa) đề nghị tổ chức cuộc họp giải quyết các vấn đề tồn tại liên quan đến các dự án do Tập đoàn Sun Group đầu tư.
Tại văn bản này, Sun Group cũng đã nêu ra một số vướng mắc, khó khăn của dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng (Sun Beauty Onsen).
Văn bản cho biết trong thời gian qua Tập đoàn Sun Group đã được UBND tỉnh Thanh Hóa lựa chọn là nhà đầu tư và đồng ý chấp thuận tài trợ lập quy hoạch một số dự án. Tuy nhiên, hiện nay các dự án do Tập đoàn Sun Group thực hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ:
Dự án quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BT) và các dự án đối ứng
Sun Group cho biết ngày 10.7.2023 đã có văn bản đề nghị đàm phán, ký phụ lục hợp đồng dự án. Đến 30.8.2023, Sun Group chưa nhận được văn bản phản hồi. Việc chậm ký kết phụ lục hợp đồng dự án đã làm ảnh hưởng tới các thủ tục nghiệm thu, bàn giao và quyết toán dự án theo quy định.
Ngày 30.12.2022, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định giao đất cho Sun Group. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, sau khi có quyết định giao đất, UBND tỉnh sẽ phê duyệt giá đất sau 28 ngày làm việc.
Tuy nhiên, qua 8 tháng, giá đất vẫn chưa được phê duyệt, ảnh hưởng tới việc tiếp tục giao đất thanh toán cho nhà đầu tư (ngày 23.2.2023 Sun Group có đơn đề nghị giao đất nhưng chưa được xem xét, giải quyết), làm phá vỡ toàn bộ kế hoạch và tiến trình đầu tư gây thiệt hại về kinh tế (toàn bộ vật tư, trang thiết bị của công viên với giá trị hàng nghìn tỷ đồng vẫn chưa được lắp đặt và đưa vào vận hành), đồng thời gây thất thoát ngân sách nhà nước do làm phát sinh lãi vay Dự án BT và chậm thu tiền sử dụng đất.
Sun Group đã thực hiện ứng trước kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đối ứng theo phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng UBND thành phố Sầm Sơn phê duyệt là 2.182,6 tỷ đồng. Ngày 26.5.2023, nhà đầu tư đã có văn bản đề nghị khấu trừ nhưng đến 30.8.2023, số tiền này chưa được trừ vào giá trị quỹ đất mà Nhà nước giao cho nhà đầu tư để thanh toán Dự án BT theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. “Việc này ảnh hưởng tới tiến trình đầu tư, gây thiệt hại kinh tế của nhà đầu tư và làm suy giảm uy tín, hình ảnh của nhà đầu tư với đối tác”, văn bản của Sun Group cho biết.
Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương
Tập đoàn Sun Group cho biết sau gần một năm kể từ ngày khởi công, dự án gặp vô vàn khó khăn, vướng mắc.
Hiện nay tuy đã giải quyết được phần lớn các vướng mắc nhưng công tác giải phóng mặt bằng và tính giá đất còn chậm trễ, gây khó khăn cho tiến trình đầu tư (đường điện 35KV chạy qua phạm vi dự án hiện UBND huyện Quảng Xương và Công ty điện lực Thanh Hóa chưa thống nhất được hướng giải quyết di dời, gây ảnh hưởng đến thi công dự án; Phần diện tích còn lại của dự án (khoảng 29,5 ha) cần phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư tổ chức triển khai thi công đồng bộ…).
Theo Sun Group, việc phê duyệt giá đất thực tế sau khi giao đất, cho thuê đất đang rất chậm, đến nay đã quá thời hạn 90 ngày kể từ ngày ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch chuẩn bị nguồn vốn của nhà đầu tư (Đã chuẩn bị nguồn vốn để nộp tiền đất nhưng chưa có giá đất phê duyệt nên bị đọng vốn lớn, ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư).
Dự án Bến En
Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí cao cấp Xuân Lai, huyện Như Thanh: Sun Group cho biết ngày 10.3.2022 UBND huyện Như Thanh đã có công văn về việc đề xuất bổ sung danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất đối với dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí cao cấp Xuân Lai, huyện Như Thanh làm cơ sở triển khai thực hiện các bước thủ tục đầu tư tiếp theo để lựa chọn nhà đầu tư dự án. Tuy nhiên, đến nay các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án trên vẫn chưa được hướng dẫn, giải quyết.
Dự án quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En, huyện Như Thanh: Do các vướng mắc về sử dụng đất và quy hoạch chồng lấn cũng như phụ thuộc vào công tác điều chỉnh ranh giới dự án cho khu Xuân Lai để tổ chức đầu tư trước, nên đến ngày 10.7 Tập đoàn Sun Group đã nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En, huyện Như Thanh làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo phù hợp với quy định hiện hành. Tuy nhiên, đến ngày 30.8.2023 việc đề xuất vẫn chưa được thông qua.
Dự án quần thể Khu du lịch Am Tiên
Sun Group cho biết hiện trạng trong khu vực lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2023 - 2033 (1.100 ha) có một số công trình, dự án đã được chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư như: Nhà máy sản xuất Ferocrom các-bon cao của Công ty cổ phần Cromit Cổ Định - TKV (hiện nay nhà máy đã dừng hoạt động), các nhà xưởng sản xuất quy mô nhỏ,... cần phải nghiên cứu, xem xét xử lý để có thể thực hiện được việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư Dự án quần thể Khu du lịch Am Tiên.
Phương án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2023 - 2033 hiện vẫn còn chồng lấn ranh giới diện tích với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Do đó, để tạo điều kiện cho phát triển du lịch cũng như thực hiện các thủ tục đầu tư cần có định hướng rõ ràng, để làm việc và giải quyết với các bên liên quan về khu vực ưu tiên giữ lại phát triển du lịch, tránh tình trạng khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường và tác động đến không gian du lịch.
Dự án Hoàng Nghiêu
Theo Sun Group, quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa thành Hoàng Nghiêu - Căn cứ Nguyễn Chích gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2022 - 2032 được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch từ ngày 28.1.2022 nhưng sau 20 tháng việc lập, thẩm định, phê duyệt đồ án vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa thể phê duyệt để triển khai các bước tiếp theo.
Việc khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thành Hoàng Nghiêu - Căn cứ Nguyễn Chích các huyện: Đông Sơn, Nông Cống, Triệu Sơn mặc dù đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua từ ngày 7.7.2022 nhưng đến 30.8.2023 vẫn chưa được phê duyệt, triển khai thực hiện, dẫn đến tình trạng cảnh quan khu vực hiện nay tiếp tục bị khai thác phá đá khó được bảo tồn, giữ gìn như kết luận của Thường vụ Tỉnh ủy.
Dự án Khu đô thị Đông Nam thành phố Thanh Hóa
Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị Đông Nam thành phố Thanh Hóa: Quy hoạch chung thành phố Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ ngày 17.3.2023, ý tưởng quy hoạch Khu đô thị Đông Nam thành phố Thanh Hóa đã được Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất ngày 14.6.2021. Ngày 30.6.2023, UBND thành phố Thanh Hóa đã trình đồ án quy hoạch 1/2.000 để phê duyệt, tuy nhiên đến ngày 30.8.2023 quá trình thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 diễn ra rất chậm, làm ảnh hưởng tới tiến độ công tác đề xuất dự án và phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Diện tích đất lúa trong phạm vi đồ án quy hoạch 1.500 ha là khoảng 938,2 ha. Theo phân kỳ, công tác đầu tư đề xuất của giai đoạn 1 sẽ thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư 2 dự án vào năm 2023 - 2024 với nhu cầu chuyển đổi mục đích đất trồng lúa khoảng 261,2 ha (dự án số 1 là 158 ha, dự án số 2 khoảng 103,2 ha).
Tuy nhiên hiện nay chỉ tiêu chuyển đổi đất lúa phân bổ cho dự án chỉ khoảng 20 ha, do đó dẫn đến khó khăn trong quá trình chuẩn bị đầu tư (danh mục dự án thu hồi đất, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư…).
Để thực hiện đầu tư đảm bảo tiến độ nhằm khai thác tối đa tiềm năng của dự án, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, cần phải xem xét bố trí bổ sung các chỉ tiêu sử dụng đất, đặc biệt là chỉ tiêu chuyển đổi đất lúa.
“Tập đoàn Sun Group kính đề nghị Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tạo điều kiện tổ chức cuộc họp với sự tham dự của ban chỉ đạo, các sở, đơn vị và các địa phương có liên quan tới các dự án của Tập đoàn Sun Group thực hiện trên địa bàn tỉnh để giải quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên…”, văn bản của Tập đoàn Sun Group cho biết.
Những ngày gần đây, Người Đô Thị nhận được nhiều đơn thư trình báo của các khách hàng mua dự án bất động sản thuộc Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng (Sun Beauty Onsen) do Tập đoàn Sun Group đầu tư tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, tố giác một số khuất tất pháp lý liên quan đến dự án và việc thực hiện chậm trễ, không đầy đủ, không đúng các nội dung đã thỏa thuận. Bên cạnh tìm hiểu độc lập dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng, để có thông tin đa chiều Người Đô Thị đã gửi một số câu hỏi đến đại diện phụ trách truyền thông của Tập đoàn Sun Group nhằm làm rõ một số vấn đề liên quan đến Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng mà bạn đọc tố giác. Đại diện phụ trách truyền thông của Tập đoàn Sun Group cho biết đã chuyển các câu hỏi đến người phụ trách dự án, và sẽ sớm phản hồi đến Người Đô Thị. |
Theo Hữu Đức – Tấn Khải/NĐT
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/vi-sao-loat-du-an-khu-do-thi-nghi-duong-cua-sun-group-o-thanh-hoa-bi-cham-tre-a73628.html