Huy động thành công 2.330 tỷ đồng trái phiếu
Mới đây, ngày 30/8/2023, BIM Land công ty bất động sản thuộc hệ sinh thái của BIM Group đã hoàn tất phát hành thành công lô trái phiếu BIMCH2330001 với kỳ hạn 2.250 ngày, đáo hạn vào ngày 17/5/2030. Lô trái phiếu này có khối lượng 23.330 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Như vậy giá trị theo mệnh giá phát hành là 2.330 tỷ đồng. Ngày phát hành 31/8, đáo hạn vào ngày 15/7/2030. Mức lãi suất được công bố là 10,4%/năm.
Lô trái phiếu sẽ được mua lại thành nhiều đợt vào các ngày thanh toán tiền lãi, tổ chức phát hành sẽ mua lại căn cứ vào tỷ lệ giá trị trái phiếu được mua lại theo mệnh giá trái phiếu trên tổng giá trị trái phiếu tương ứng.
Ngoài lô trái phiếu vừa phát hành, BIM Land còn có hai lô trái phiếu khác đang lưu hành, phát hành hoàn tất trong năm 2021. Trong đó có một lô trái phiếu quốc tế niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) có mã BIMCD2126001 với giá trị 200 triệu USD, kỳ hạn 5 năm. Tổ chức bảo lãnh phát hành là ngân hàng Credit Suisse. Mục đích nhằm bổ sung vốn hoạt động và thực hiện các dự án.
Trước đó, vào hồi tháng 8/2023, BIM Land đã mua lại một phần trước hạn lô trái phiếu quốc tế này. Khối lượng mua lại là 99.052.000 trái phiếu, tương ứng với hơn 99 triệu USD (tương đương khoảng 2.382 tỷ đồng).
Lô trái phiếu trong nước có giá trị 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm. Mục đích phát hành nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của BIM Land, đồng thời thực hiện đầu tư vào dự án Centara thông qua hình thức hợp tác kinh doanh hoặc một hình thức khác. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất đối với 6 thửa đất tại phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, thuộc sở hữu của BIM Hạ Long.
BIM Group lớn mạnh thế nào?
BIM Group được thành lập vào năm 1994 tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) bởi doanh nhân Đoàn Quốc Việt - một doanh nhân thành công trong nhiều lĩnh vực tại Ba Lan, trước khi ông quyết định đầu tư tại Việt Nam. Sau nhiều năm định hình và phát triển đến nay BIM Group đầu tư chính trong lĩnh vực lương thực và thực phẩm, Đầu tư Bất động sản, Khách sạn và Du lịch, Thương mại và Dịch vụ, Dịch vụ chăm sóc sức khỏe, Năng lượng.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực Du lịch và Bất động sản phát triển rực rỡ được biết tới với Công ty cổ phần Bất động sản BIM (BIM Land), khi sở hữu tổng quỹ đất 4,9 triệu m2 tại các vị trí chiến lược như Hà Nội, Hạ Long, Vientiane, Ninh Thuận và Phú Quốc, trong đó Phú Quốc có Khu trung tâm du lịch Bãi Trường 155ha và Khu đô thị dịch vụ An Thới 65ha.
Tại Quảng Ninh, ngoài dự án Hạ Long Plaza, BIM Group là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Halong Marina (248ha) với nhiều dự án thành phần, bao gồm: Grand Bay Halong (6,6 ha), Green Bay Village (10 ha), Royal Lotus Resort & Villas (4 ha), Little Vietnam (3,3 ha)…
Bên cạnh đó, BIM Group cũng là chủ đầu tư dự án Khu đô thị dịch vụ Hùng Thắng, được phát triển trên quỹ đất được UBND tỉnh Quảng Ninh thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đường bao biển Hùng Thắng.
Về phía Nam, BIM Group cũng phát triển nhiều dự án bất động sản đáng nể tại ‘đảo ngọc’ Phú Quốc như: Phú Quốc Marina, Park Hyatt Phu Quoc, Palm Garden Shop Villas Phu Quoc (7ha), InterContinental Phu Quoc Long Beach Resort (9,2ha).
Tiêu biểu trong các dự án mà BIM Land thực hiện là 2 dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng đẳng cấp Hạ Long Marina (diện tích 250 ha) và dự án Phú Quốc Marina diện tích 155 ha, khai thác hệ thống tiện ích du lịch nghỉ dưỡng tiêu chuẩn cao. Trong năm 2023, tập đoàn BIM Group đang triển khai dự án như: Park Hyatt Phú Quốc, Intercontinental Hạ Long…
Bất động sản BIM Group hiện đang tập trung vào 4 dòng sản phẩm chính: khách sạn nghỉ dưỡng, chung cư cao cấp, nhà liền kề và trung tâm thương mại. Không những thế tại Lào, BIM Land đang sở hữu ba dự án là Royal Square - Crowne Plaza Vientiane, Holiday Inn Vientiane, Toong Co-working Space.
Nhờ lượng dự án bất động sản đồ sộ tại các tỉnh Quảng Ninh, Kiên Giang, Vientiane, Ninh Thuận. Không “ngoa” khi nói rằng doanh nhân Đoàn Quốc Việt là “cá mập” của bất động sản tỉnh lẻ hiện nay.
Ngoài ra, BIM Group còn hợp tác cùng Tập đoàn Aeon Mall đầu tư dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông có giá trị đầu tư hơn 190 triệu USD (tương đương hơn 4.000 tỷ đồng) tại Hà Nội.
Tháng 10/2010 vị đại gia quyết định thử sức trên đường đua hàng không với Air Mekong, tuy nhiên, sau 3 năm thí điểm vì kinh doanh thua lỗ nên hãng này đã phải đóng cửa để “tái cấu trúc”.
Theo một số cơ quan báo chí năm 2018, dự án Citadines Marina Hạ Long của BIM Land nổi sóng trong giới bất động sản và trên các mặt báo với việc huy động vốn trái phép, bán hàng chưa đủ điều kiện. Và sau đó là vụ tai nạn chết người đầy ồn ào trong quá trình thi công.
Từ tháng 5/2017, dự án Citadines Marina Hạ Long được BIM Group rầm rộ giới thiệu ra thị trường với những cam kết và chính sách bán hàng vô cùng hấp dẫn. Chính sách chia sẻ 85% lợi nhuận cho thuê phòng với cam kết của Chủ đầu tư không thấp hơn 10% giá trị căn hộ mỗi năm trong 5 năm đầu tiên, khách hàng được cấp sổ đỏ vĩnh viễn.
BIM Group thông qua hàng loạt sàn giao dịch uy tín đã “lách luật” chào bán căn hộ Citadines Marina Hạ Long và huy động vốn bằng các hợp đồng góp vốn. Tới khoảng giữa năm 2018 chủ đầu tư đã bán gần hết căn hộ tại tòa B, trong khi tòa A chỉ còn số lượng sản phẩm có hạn.
Thời điểm tháng 5/2018, Citadines Marina Hạ Long vẫn đang trong giai đoạn triển khai phần móng công trình. Đáng chú ý hơn vào thời điểm này dự án vẫn chưa hề có giấy phép xây dựng. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh khẳng định, dự án Citadines Marina Hạ Long thời điểm đó chưa được Sở Xây dựng chưa cấp phép xây dựng. Dù vậy, chủ đầu tư có thi công một số cọc khoan dẫn và móng. Sau khi phát hiện việc làm trên, Thanh tra Sở đã kiểm tra, yêu cầu dừng thi công và xử phạt chủ đầu tư 50 triệu đồng vì thi công không phép.
Vụ thi công “chui” chưa kịp lắng lại, dự án này lại xảy ra sự cố khiến 2 công nhân tử vong tại chỗ. Thời điểm đó, Sở LĐTB&XH Quảng Ninh cho biết, 2 công nhân thiệt mạng do bị sập giàn giáo, tuổi đời khá trẻ (18 và 19 tuổi).
Công ty TNHH BIM Kiên Giang thành viên của Tập đoàn BIM Group, chủ đầu tư dự án Phú Quốc Marina vào hồi tháng 10/2022 đã bị Kiểm toán Nhà nước kết luận bán hàng không xuất hoá đơn, không kê khai thuế GTGT. Đáng chú ý, theo báo cáo thuế công ty đạt doanh thu “khủng” lên đến gần 3.000 tỷ nhưng chỉ có số nhân sự khiêm tốn là 10 người.
Do vậy, kiểm toán kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Cục Thuế tổ chức kiểm tra Công ty BIM Kiên Giang.
Liên quan đến thuế, BIM Kiên Giang không chỉ dính các lùm xùm kể trên mà còn nợ thuế khá lớn. Tại ngày 31/12/2021, chỉ tiêu thuế và các khoản phải nộp nhà nước tại BIM Kiên Giang lên đến 289 tỷ đồng.
Tại Dự án Phú Quốc Marina được xây dựng trên khu đất có diện tích 155ha tại bãi Trường – phía Tây Nam đảo ngọc Phú Quốc với đường bờ biển dài hơn 20km, bắt đầu tư mũi Dinh Cậu đến khóe Tàu Rũ.
Được quảng bá rộng rãi nhưng Phú Quốc Marina ngoài việc dính đến lùm xùm về thuế của chủ đầu tư, dự án còn có nhiều sai phạm liên quan về đất đai.
Phú Quốc Marina tồn tại một số sai phạm nghiêm trọng, đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trong Kết luận thanh tra số 602 KL-TTCP ngày 27/4/2020 về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 – 2017.
Theo đó, Phú Quốc Marina đã bị kết luận là được xây dựng trái với Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 633/QĐ-TTg. Được biết, khu đất này được quy hoạch là đất công trình công cộng, cây xanh, mặt nước.
Sau khi Kết luận này được công bố, dự án vẫn hoạt động… bình thường, các sản phẩm được rao bán với mức giá khá cao, từ 4 tỷ đồng tới 20 tỷ đồng mỗi căn. Các căn shophouse hiện đang được bán trong khoảng từ 13 – 20 tỷ. Trong khi đó, các căn condotel được chào bán từ 4 – 6 tỷ đồng.
Hoạt động bán hàng diễn ra khá suôn sẻ nên doanh thu, lợi nhuận BIM Kiên Giang tăng mạnh theo năm.
Trong 5 năm gần đây, doanh thu BIM Kiên Giang tăng từ 200 triệu đồng (năm 2017) lên 587 tỷ đồng (năm 2018), 560 tỷ đồng (năm 2019), 1.286 tỷ đồng (năm 2020) và 2.907 tỷ đồng (năm 2021). Nhờ đó, lợi nhuận giai đoạn này tăng trưởng tốt, lần lượt đạt 32,5 tỷ đồng, 125 tỷ đồng, 330 tỷ đồng, 534 tỷ đồng và 1.190 tỷ đồng.
Bên cạnh các công ty bất động sản, Tập đoàn này còn gây chú ý với công ty con mang tên Công ty CP Thực phẩm BIM (BIM Foods). BIM Foods cung cấp giống tôm thẻ chân trắng và hàu sữa Thái Bình Dương bản địa chất lượng cao cho các đơn vị sản xuất trên cả nước. Với sự phát triển lớn mạnh của BIM Foods, BIM Group được đánh giá là nhà nuôi trồng, sản xuất và xuất khẩu thủy sản hàng đầu tại Việt Nam, với tổng sản lượng tối đa có thể đạt hơn 20 nghìn tấn/năm.
Trong lĩnh vực sản xuất muối, BIM Group đóng góp 60% tổng sản lượng muối công nghiệp của Việt Nam và trở thành tập đoàn sở hữu Khu kinh tế công nghiệp Muối lớn nhất Đông Nam Á, có diện tích hơn 2.200 ha tại Quán Thẻ, Ninh Thuận, tổng sản lượng đạt 350.000 tấn/năm.
Lấn sân sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, tháng 9/2017 BIM Group cho ra đời BIM Energy, điều này được xem là bước tiến quan trọng của Tập đoàn này vào mảng năng lượng. Tập đoàn xây dựng các trang trại điện mặt trời – điện gió, toàn bộ diện tích của cụm nhà máy điện mặt trời, điện gió đều được đặt trên cánh đồng muối diện tích 2.500ha, tạo thành Tổ hợp kinh tế xanh sản xuất năng lượng sạch và muối sạch lớn nhất Việt Nam.
Tháng 4/2019, BIM Energy đã khánh thành cụm Nhà máy điện Mặt Trời với tổng đầu tư 7.060 tỷ đồng tại Ninh Thuận. Đây là dự án điện mặt trời quy mô lớn nhất Đông Nam Á thời điểm đó. Tới năm 2020, cụm nhà máy đã đạt tổng công suất 405MWp. Hơn 1 triệu tấm pin mặt trời sản xuất hơn 665 triệu số điện một năm, đáp ứng nhu cầu của 200 nghìn hộ gia đình. Cụm nhà máy điện mặt trời đã đóng góp vào ngân sách hơn 500 tỷ đồng, tạo ra gần 200 việc làm có thu nhập ổn định tại địa phương.
Năm 2019, lợi nhuận thuần của BIM Enery đạt mức 343,5 tỉ đồng, cao gấp 59,6 lần so với năm 2018, tương ứng với biên lợi nhuận lên tới 48,8%.
Vào tháng 12/2022, BIM Energy đã ký kết thành công gói tài chính trị giá 107 triệu USD với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhằm hỗ trợ vận hành dự án điện gió quy mô 88MW tại tỉnh Ninh Thuận.
Cụ thể, khoản tài chính này bao gồm 25 triệu USD từ Quỹ nguồn vốn vay thông thường (OCR) của ADB và 82 triệu USD do ADB thu xếp từ khoản cho vay đối ứng (parallel loan). Khoản cho vay đối ứng này gồm 25 triệu USD từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA); 13 USD từ Hong Kong Mortgage Corporation Limited.
(HKMC); 18 triệu USD từ Ngân hàng ING; 17 triệu USD từ Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui; và 9 triệu USD từ Ngân hàng Cathay United Bank. Hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là một trong hai chiến lược trụ cột chính của ADB đối với Việt Nam giai đoạn 2023–2026. Cùng với sự kiện trở thành quốc gia thứ ba đồng ý triển khai Chương trình Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) với một loạt các quốc gia và tổ chức tài chính hàng đầu ngày 14/12 vừa qua, Việt Nam đang từng bước triển khai mạnh mẽ quá trình chuyển đổi xanh hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Ngoài khoản tài trợ tài chính 107 triệu USD, Dự án Điện gió BIM cũng sẽ nhận được khoản hỗ trợ không hoàn lại trị giá 5 triệu USD từ Quỹ Phát triển và Đổi mới Khí hậu do Goldman Sachs và Bloomberg Philanthropies tài trợ và do ADB quản lý. Khoản hỗ trợ không hoàn lại này được sử dụng cho các sáng kiến liên quan đến các biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội.
Về lĩnh vực dịch vụ, năm 2010, Tập đoàn cho ra mắt câu lạc bộ Elite Fitness đầu tiên tại Xuân Diệu, Hà Nội. Cho đến nay Elite Fitness đã trở thành hệ thống CLB thể thao 5 sao tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu với 14 câu lạc bộ trên toàn quốc.
Ngoài ra BIM Group còn sở hữu hàng loạt các công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Công ty TNHH Tập đoàn BIM Group, Công ty Cổ phần Bất động sản BIM, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam, Công ty cổ phần sản xuất Muối Ninh Thuận, Công ty Cổ phần Life Style Việt Nam, Công ty TNHH MTV Sản xuất và Kinh doanh xây dựng Bim, Công ty TNHH Liên doanh Hạ Long Plaza, Công ty Cổ phần thực phẩm Bim, Công ty Cổ phần Xây dựng năng lượng tái tạo Quán Thẻ, Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo BIM, Công ty Cổ phần Tập đoàn BIM, Công ty Cổ phần Bất động sản BIM, Công ty Cổ phần Bất động sản Hùng Thắng, Công ty Cổ phần Tập đoàn năng lượng BIM, Công ty Cổ phần BEH, Công ty Cổ phần Hoá chất BIM, Công ty Cổ phần Hoá chất Cà Ná SB...
Tình hình kinh doanh của BIM Group những năm gần đây
Theo thông tin từ một số cơ quan báo chí, năm 2018 BIM Group đã tái cấu trúc tập đoàn, tháng 7/2018 công ty tăng vốn lên 3.150 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty vào năm 2018 là 6.342 tỷ đồng. Trong năm này, BIM không ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, tuy nhiên nhờ doanh thu tài chính rất lớn, đạt 1.149 tỷ đồng, công ty báo lãi sau thuế hơn 1.140 tỷ đồng.
Bước sang năm 2019, lợi nhuận thuần của công ty đạt 785 tỉ đồng, giảm 31,2% so với năm trước.
Trên bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Công ty TNHH Tập đoàn BIM lần lượt đạt 7.342,6 tỉ đồng và 5.129 tỉ đồng.
Đến năm 2020, doanh thu thuần công ty đạt 7.657 tỷ đồng. Lợi nhuận công ty cũng tăng lên hơn 2.061 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2021, doanh thu thuần từ bốn lĩnh vực kinh doanh của BIM Group đạt mức hơn 10.000 tỷ đồng. Trong đó, bất động sản và khách sạn đem về khoản doanh thu hơn 8.000 tỷ đồng, tiếp đến là năng lượng có doanh thu hơn 1.300 tỷ đồng.
Doanh thu từ hoạt động tài chính đem về hơn 300 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính trong năm của BIM Group bất ngờ ngốn tới gần 1.000 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, Tập đoàn có khoản lợi nhuận trong năm đạt mức 2.631 tỷ đồng tăng trưởng 23,5 % so với đầu năm.
Tổng tài sản của BIM Group tính đến hết năm 2021 đạt mức 40.586 tỷ đồng. Tính đến thời điểm ngày 31/12/2021, tổng vay nợ tài chính của BIM Group ở mức 16.955 tỷ đồng. Trong số nợ vay, vay và nợ thuê tài chính dài hạn chiếm tới hơn 79% đạt mức 13.449 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý 1 và 2 của BIM Group không được công bố, tại báo cáo tài chính bán niên của công ty con BIM Land được đăng tải lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ghi nhận 6 tháng đầu năm 2023, công ty có kết quả kinh doanh ngày một sụt giảm trong những năm gần đây. Cụ thể, tại thời điểm 2021, BIM Land báo lãi 2.068 tỷ đồng, đến năm 2022 giảm còn 1.745 tỷ đồng. Bán niên 2023 BIM Land ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 810 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Theo Khánh Huyền/DNĐT
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/du-no-trai-phieu-gan-5600-ty-dong-bim-group-hoat-dong-ra-sao-a73453.html