CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu sụt giảm 167 so với cùng kỳ, xuống chỉ còn vỏn vẹn 5 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, PDR ghi nhận doanh thu đạt hơn 853 tỷ đồng.
Một điểm đáng lưu ý trong quý II/2023, Phát Đạt không ghi nhận doanh thu chuyển nhượng nhà đất. Số tiền 5 tỷ đồng là từ doanh thu cung cấp dịch vụ. Điều này đồng nghĩa với việc PDR không bán được sản phẩm bất động sản trong cả 3 tháng vừa qua.
Tài sản của Phát Đạt giảm từ 18.217 tỷ đồng cùng kỳ xuống 16.554 tỷ đồng. Trong khi đó, đầu tư tài chính dài hạn giảm từ 1.776 tỷ đồng kỳ trước xuống 1.217 tỷ đồng.
Theo thuyết minh, Phát Đạt đã bán chuyển nhượng công ty liên kết. Đây chính là nguyên nhân doanh thu tài chính tăng đột biến từ 829 triệu đồng cùng kỳ năm trước lên gần 532 tỷ đồng trong quý II/2023.
Phát Đạt cũng ghi nhận chi phí tài chính giảm mạnh. Trong đó, chi phí lãi vay giảm từ gần 131 tỷ đồng xuống còn hơn 93 tỷ đồng, do tổng giá trị vay giảm xuống và lãi suất gần đây cũng giảm.
Mặc dù bán công ty liên kết và thu về hơn 500 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế quý II của Phát Đạt cũng chỉ đạt gần 276 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức gần 413 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Giải trình về kết quả kinh doanh, Phát Đạt cho biết, do tình hình khó khăn chung của toàn thị trường, đặc biệt là bất động sản nên việc đầu tư kinh doanh vào các dự án không được thuận lợi.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Phát Đạt có lãi sau thuế là 299,7 tỷ đồng, thấp hơn mức 694,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. So với mục tiêu, Phát Đạt hoàn thành gần 50% kế hoạch lợi nhuận.
Bán tài sản cải thiện dòng tiền
Không chỉ PDR, nhiều doanh nghiệp lớn phải bán bớt công ty con, đóng cửa chi nhánh trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn.
Tổng công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIG) vừa thông qua chủ trương giải thể chi nhánh DIC Star Apart’Hotel Landmark Vũng Tàu.
Dệt may Thành Công (TCM) cũng vừa thông qua việc thoái vốn đang nắm giữ tại Công ty Hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu Savimex (SAV).
Tháng 6/2023, Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã thông qua nghị quyết bán 100% vốn tại Matec (quản lý khai thác toàn bộ số thiết bị máy móc của HBC) để bổ sung nguồn vốn vào các hoạt động kinh doanh để thu hơn 1.000 tỷ đồng. Hồi tháng 5, HBC cũng có nghị quyết về việc chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty TNHH Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hòa Bình.
Trong quý II/2023, CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) bán vốn tại một số công ty con trong bối cảnh doanh thu lợi nhuận giảm mạnh. Trong quý I, CII mới thực hiện được gần 15% kế hoạch doanh thu và gần 2% mục tiêu lợi nhuận năm. Lợi nhuận chỉ đạt 7 tỷ đồng, giảm 99% so với cùng kỳ.
Cũng gặp khó khăn khi thị trường bất động sản trầm lắng, một số doanh nghiệp muốn tăng vốn để cải thiện dòng tiền.
Cuối tháng 6/2023, Đất Xanh (DXG) bố nghị quyết hành gần 168 triệu cổ phiếu giá 12.000-15.000 đồng, nâng vốn điều lệ lên gần 7.800 tỷ đồng. Tiền sẽ được dùng để góp vốn vào một số dự án bất động, để thanh toán nợ trái phiếu (bao gồm gốc và lãi); và thanh toán nợ vay tổ chức tín dụng (bao gồm gốc và lãi) cũng như thanh toán thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
Thị trường bất động sản lao dốc từ 2022 và tiếp tục trầm lắng trong năm 2023. Cả cung cầu đều sụt giảm khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản chìm trong khó khăn. Tuy nhiên, năm 2023 được xem là cơ hội cho các các doanh nghiệp, cá nhân đang sở hữu tiền mặt để giải ngân, mua tài sản tốt.
Trong năm nay, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ về định giảm lãi suất và hỗ trợ tín dụng, nhưng các giải pháp trên chỉ tháo gỡ phần nào về cơ chế, pháp lý.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nửa cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức và các doanh nghiệp cần tìm cách “tự cứu lấy mình” để vượt qua thời kỳ này.
Theo Mạnh Hà/VNN
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/dai-gia-bat-dong-san-phat-dat-doanh-thu-giam-167-lan-ban-cong-ty-con-a73066.html