Theo tin từ HNX, vào hồi 16h ngày 17/6 vừa qua Tập đoàn Thái Tuấn đã tiến hành kiểm phiếu lấy ý kiến trái chủ mã trái phiếu TTDCH2122001 về việc kéo dài thời gian xử lý tài sản đảm bảo và thời hạn thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Thái Tuấn nợ quá hạn 800 tỷ đồng trái phiếu
Trước đóThái Tuấn - một thương hiệu thời trang nổi tiếng - bất ngờ công bố thông tin về bức tranh tài chính năm 2022 khiến người quan tâm “sốc”: Nợ phải trả tăng mạnh 78% trong năm tương ứng tăng 1.100 tỷ đồng, lên mức 2.500 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả gấp 1,45 lần vốn chủ sở hữu.
Đáng chú ý trong bức tranh tài chính của Thái Tuấn là khoản nợ trái phiếu 800 tỷ đồng, chiếm 46% vốn chủ sở hữu. Số trái phiếu này thuộc 2 lô, Thái Tuấn phát hành vào tháng 4 và 5/2021, đáo hạn vào tháng 10 và 11/2022. Đến hạn, Thái Tuấn không thể thanh toán được gốc, lãi trái phiếu.
Số phận tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 300 tỷ đồng được định đoạt ra sao?
Câu chuyện Thái Tuấn nợ nần chồng chất, không thể trả gốc lãi trái phiếu đúng hạn đã khiến trái chủ, những người yêu mến thương hiệu thời trang Thái Tuấn bất ngờ - bất ngờ hơn nữa khi tìm hiểu sâu, lại thấy Thái Tuấn đã đổi chủ: người sáng lập thương hiệu Thái Tuấn – ông Thái Tuấn Chí – đã rời đi, chủ mới là ông Trần Hoài Nam. Số trái phiếu này phát hành dưới thời ông Trần Hoài Nam.
Tháng 4/2023 Thái Tuấn và các trái chủ lô trái phiếu 300 tỷ đồng TTDCH2122001 đã đạt được thỏa thuận đầu tiên. Hai bên thống nhất để BIDV – đơn vị quản lý tài sản đảm bảo của lô trái phiếu – bán tài sản đảm bảo là bất động sản số 7-8-9 Trang Tử. Để xử lý nhanh, giá tài sản đảm bảo được điều chỉnh giảm từ 135 tỷ đồng xuống còn 75 tỷ đồng – tương ứng giảm nửa định giá.
Thế nhưng đến nay, có vẻ như BIDV vẫn chưa thể xử lý được tài sản đảm bảo. Thông tin cho biết nội dung lấy ý kiến trái chủ mới nhất: Trái chủ chấp thuận để BIDV – đơn vị quản lý tài sản đảm bảo – chưa xử lý tài sản đảm bảo đến hết ngày 30/7/2023 để Thái Tuấn có thêm thời gian hoàn thành việc tự xử lý tài sản đảm bảo.
Điều này cũng có nghĩa, đồng ý để Thái Tuấn tự xử lý bất động sản tại số 7-8-9 Trang Tử, kéo dài thời gian thanh toán 75 tỷ đồng từ việc xử lý tài sản đảm bảo đến hết ngày 30/7/2023.
Cùng với đó Hội nghị trái chủ cũng chốt lịch thanh toán gốc, lãi trái phiếu với Thái Tuấn, cụ thể:
+ Đợt 1 hết ngày 30/6/2023 Thái Tuấn phải thanh toán 30 tỷ, thì BIDV bàn giao tài sản số 7 Trang tử để Thái Tuấn xử lý.
+ Đợt 2, hết ngày 30/7/2023 Thái Tuấn thanh toán 45 tỷ thì BIDV bàn giao nốt 2 căn nhà còn lại, số 8 và 9 Trang Tử để Thái Tuấn xử lý.
+ Sau khi hoàn tất thanh toán 75 tỷ đồng, thì Thái Tuấn được kéo dài thời gian thanh toán số tiền gốc và lãi trái phiếu còn lại 13 tháng kể từ ngày hoàn tất thanh toán 75 tỷ đồng.
Câu hỏi đặt ra là, liệu sau khi bán tài sản đảm bảo 7-8-9 Trang Tử, tài sản đảm bảo còn lại của lô trái phiếu là gì?
Tài sản đảm bảo cho số nợ trái phiếu còn lại là gì?
Ngược lại trước đó, năm 2021 Thái Tuấn phát hành 2 lô trái phiếu 300 tỷ đồng và 500 tỷ đồng. Lô 300 tỷ đồng là lô trái phiếu vừa được trái chủ thông qua việc giãn thời gian thanh toán nói trên.
Lô trái phiếu 300 tỷ đồng, tài sản đảm bảo gồm:
+ 20 triệu cổ phần của Tập đoàn Thái Tuấn, giá trị theo mệnh giá 200 tỷ đồng.
+ Nhà và quyền sử dụng đất tại số 07, 08, 09 Trang Tử, phường 14, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh;
+ 2,6ha đất lô CND-D4 đường số 1, KCN Đức Hòa III – Anh Hồng, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An (được định giá 210 tỷ đồng) – đây là địa chỉ có Nhà máy sản xuất vải may mặc Thái Tuấn.
Lô trái phiếu 500 tỷ đồng, tài sản đảm bảo gồm:
+ Bảo lãnh thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc đến hạn bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ 3 theo quy định.
+ 16,05 triệu cổ phần của Tập đoàn Thái Tuấn. Tổng giá trị số cố phần này được định giá hơn 809,7 tỷ đồng – tương ứng định giá mỗi cổ phần 50.450 đồng theo chứng thư thẩm định giá của CTCP Giám định và thẩm định tài sản Việt Nam ngày 27/4/2021.
Tổng cộng hơn 36 triệu cổ phần Thái Tuấn được cầm cố cùng với các tài sản là bất động sản.
Tuy vậyở một diễn biến khác, đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 27 (tháng 8/2021) của Thái Tuấn ghi nhận công ty có vốn điều lệ 1.680 tỷ đồng, do ông Trần Hoài Nam là người đại diện theo pháp luật. Ông Trần Hoài Nam cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty.
Ông Trần Hoài Nam và vợ, bà Huỳnh Thị Bảo Xuyên có nhiều giao dịch đảm bảo tại các ngân hàng. Đáng chú ý nhất là từ 4/5/2022 đến 8/6/2022 ông Trần Hoài Nam và vợ là bà Huỳnh Thị Bảo Xuyên đã mang tổng cộng 153,68 triệu cổ phần Thái Tuấn đi thế chấp. Các ngân hàng nhận thế chấp là Sacombank (85,68 triệu cổ phần); là BIDV sở giao dịch 2 (20 triệu cổ phần); và Chứng khoán Dầu khí PSI (48 triệu cổ phần).
Tính ra, trong vòng 1 tháng, ông Trần Hoài Nam và vợ mang tổng cộng 153,68 triệu cổ phần Thái Tuấn (tương ứng 91,5% vốn điều lệ của Thái Tuấn) đi thế chấp tại các ngân hàng và công ty chứng khoán. Vậy số cổ phần Thái Tuấn thế chấp tại ngân hàng BIDV đã được giải chấp? Tài sản đảm bảo còn lại cho lô trái phiếu 300 tỷ đồng nói trên còn lại những gì?
Số phận lô trái phiếu 500 tỷ đồng ra sao?
Một điều khác mà trái chủ, nhà đầu tư chờ đợi là số phận lô trái phiếu 500 tỷ đồng còn lại. Trước đó, sau hội nghị trái chủ tháng 4/2023 với trái chủ lô trái phiếu 300 tỷ đồng, hai bên đã đạt được những thỏa thuận đầu tiên. Lúc đó, Thái Tuấn cho biết sẽ tổ chức hội nghị trái chủ cho lô trái phiếu 500 tỷ đồng vào cuối tháng 5/2023.
Tuy vậy đến nay đã bước sang tháng 7/2023, Thái Tuấn vẫn chưa công bố thêm thông tin về lô trái phiếu này. Số phận lô trái phiếu 500 tỷ đồng sẽ ra sao?
Theo Hồ Nga/KTCK
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/so-phan-tai-san-dam-bao-vu-thai-tuan-no-trai-phieu-da-sang-trang-moi-a72944.html