Xây dựng xã hội học tập: Bước chuyển khó khăn

Theo các chuyên gia, về cơ bản, GD Việt Nam vẫn là một hệ thống đóng, với nhiều rào cản trên hành trình người học đến với GD. Nhìn từ yêu cầu chuyển hệ thống GD đóng sang hệ thống GD mở, học tập suốt đời (HTSĐ) và xây dựng xã hội học tập, đây là bước chuyển khó khăn.

Hướng đến một xã hội tiến bộ: Công dân siêng năng - Công dân học tập. Ảnh minh họa/ INTHướng đến một xã hội tiến bộ: Công dân siêng năng - Công dân học tập. Ảnh minh họa/ INT

Theo các chuyên gia, về cơ bản, GD Việt Nam vẫn là một hệ thống đóng, với nhiều rào cản trên hành trình người học đến với GD. Nhìn từ yêu cầu chuyển hệ thống GD đóng sang hệ thống GD mở, học tập suốt đời (HTSĐ) và xây dựng xã hội học tập, đây là bước chuyển khó khăn.

Rào cản từ nhận thức

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Rào cản đầu tiên chính là nhận thức. Mặc dù chúng ta có bước tiến đáng kể trong việc làm rõ hơn các đặc trưng của xã hội học tập (XHHT) và công dân học tập mà Việt Nam mong muốn, nhưng nhận thức chung của các ngành, các cấp, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng và ngay cả người học về sự cần thiết cũng như lợi ích của HTSĐ, xây dựng XHHT vẫn còn hời hợt, hình thức, thiếu thực chất.

Ngay trong giới nghiên cứu khoa học GD, hiện vẫn chưa có cách hiểu thống nhất và chính thức về các khái niệm HTSĐ, học chính quy, không chính quy, phi chính quy. HTSĐ vẫn chưa được quan niệm là một giai đoạn phát triển mới về chất của GD và thường được đánh đồng với GD không chính quy, dành cho người lớn, ngoài nhà trường.

Riêng về GD mở, cho đến nay, chúng ta chưa có bất kỳ định nghĩa chính thức nào. Khái niệm này vẫn được hiểu một cách ít nhiều cảm tính, do đó có những cách hiểu khác nhau. Trên phạm vi quốc tế, GD mở đã chuyển từ nhận thức về đại học mở sang nhận thức về tài nguyên GD mở (OER), khóa học trực tuyến mở đại chúng (MOOC). Ở nước ta, khó mà nói đã có nhận thức đúng đắn về đại học mở, càng không có nhận thức rõ ràng về OER, MOOC. Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, cơ hội và thách thức của OER, MOOC còn mơ hồ, ngay cả trong ngành GD.

Còn theo ông Trương Minh Hoàng (Hệ thống GD Học Mãi), việc triển khai GD mở, trong đó có đào tạo trực tuyến đối với người lớn tại Việt Nam gặp khó khăn ngay từ phía người học. Ông Hoàng phân tích: Thói quen học tập ở người lớn không được duy trì đều đặn sẽ dẫn đến việc ngại học, sức tiếp thu bị ảnh hưởng nếu không xác định được động cơ học tập rõ ràng.

Người Việt chưa có thói quen duy trì học tập khi đi làm. Hơn nữa, những người từng học trực tuyến thông qua Internet và các thiết bị di động là rất ít. Các khóa học trực tuyến hiện tại chưa được tổ chức kết hợp để có các chứng chỉ, bằng cấp như các khóa học chính thức nên cũng gây những tâm lí e ngại cho người học. Đây là vấn đề chung của nhiều nước trên thế giới, không riêng gì Việt Nam.

Ngoài ra, theo ông Hoàng, việc không xác định được nhu cầu học tập và không có động cơ học tập đúng đắn là một vấn đề lớn nhất đối với người dân tại Việt Nam. Từ nhỏ, việc học tập của người học có sự thúc bách của thầy cô, gia đình, cha mẹ; đến khi lớn, việc học không được duy trì vì không xác định mục tiêu học tập cụ thể: Học cái gì, học để làm gì, học có tác dụng gì.

Chỉ khi người học tự trả lời được các câu hỏi trên và liên kết với mục tiêu của bản thân mới có thể chủ động học tập và hoàn thành khóa học trực tuyến. Ngay cả đối với các quốc gia phát triển trên toàn cầu, tỉ lệ hoàn thành các khóa học luôn là vấn đề quan trọng đặt ra đối với các nhà tổ chức.

Kể cả đối với những người đã lựa chọn khóa học và bắt đầu tham gia học nhưng vẫn có thể bỏ giữa chừng vì nhiều lí do. Việc không chủ động học tập và bị chi phối bởi vấn đề bận rộn công việc hiện thời, phân tán bởi những công việc liên quan tới chăm sóc gia đình, con cái, không có khả năng phân phối thời gian, không được cấp chứng chỉ cho khóa học trực tuyến ngắn hạn... là những nguyên nhân dẫn đến việc bỏ dở các khóa học trực tuyến của người lớn.

 Ảnh minh họa/ INT

Dỡ bỏ rào cản

Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nếu GD suốt đời hướng tới việc mở rộng thời gian và không gian thì GD mở quan tâm đến việc dỡ bỏ các rào cản không cần thiết trong tiếp cận GD. Đó là các rào cản về chính sách, tài chính, kỹ thuật, địa lý, thời gian, trình độ, cách học…Việc dỡ bỏ các rào cản này tạo điều kiện để ai cũng được học và học được, dù ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào, bất kỳ trình độ nào. Theo nghĩa đó, GD mở là một bước tiến quan trọng của GD trong việc góp phần hiện thực hóa GD suốt đời.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng: Việc dỡ bỏ các rào cản để tạo thuận lợi cho người lớn đến với GD và học tập suốt cuộc đời, được thực hiện theo nhiều phương cách linh hoạt và đa dạng, bao gồm: Mở cho mọi người; mở về địa điểm; thời gian; chương trình GD; ý tưởng; phương pháp; cơ sở GD; nguồn lực.

Khẳng định phải thúc đẩy GD mở ở Việt Nam, ông Cao Đình Hòe (Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam) nhấn mạnh: GD mở mới bảo đảm cho từng công dân Việt Nam có được tri thức nhân loại lớn nhất với chi phí nhỏ nhất, có số lượng người được tiếp cận các tri thức lớn nhất và là cách nhanh nhất để có được các kỹ năng cần thiết để sống, làm việc và học tập trong kỷ nguyên số - kỷ nguyên tri thức...

Những năm 2020 - 2030, sự tiến bộ của xã hội loài người đưa chúng ta bước vào nền kinh tế trí thức, nền kinh tế học hỏi, sự phát triển mau chóng của công nghệ 4.0. Bằng nguồn tài nguyên GD mở, rất cần phát triển GD thường xuyên thành hệ thống GD mở đáp ứng yêu cầu GD người lớn.
                                                                             Ông Cao Đình Hòe 

 

Minh Phong - Theo GD&DT

 

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-buoc-chuyen-kho-khan-a7289.html