Có một bán đảo bị 'lãng quên' ở Sài Gòn

Nằm giữa lòng TP HCM, bán đảo Thanh Đa từng được mệnh danh là hòn ngọc quý khi hội tụ đầy đủ những yếu tố tự nhiên tuyệt đẹp, vị trí đắc địa, được bao bọc bởi sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa...

co-mot-ban-dao-bi-lang-quen-o-sai-gon-hinh-2-1679532344.jpg

20 năm qua, ông Sáu vẫn cặm cụi thâm canh ruộng lúa của mình giữa Sài Gòn hoa lệ.

Bán đảo có hình hài lạ mắt

Thuộc hai phường 27 và 28 quận Bình Thạnh, nơi chỉ cách trung tâm quận 1 khoảng 5km, Bình Quới - Thanh Đa, Bán đảo Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh) có hình hài lạ mắt, nằm ở vị trí đắc địa, giữa trung tâm TP.HCM và được bao bọc bởi sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa. Một điều thú vị là cả phía Đông, Nam và Bắc của bán đảo Thanh Đa này đều giáp TP. Thủ Đức qua sông Sài Gòn.

Lối vào duy nhất bằng đường bộ hiện nay là qua cầu Kinh Thanh Đa theo đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Một con đường khác là đi qua đò Bình Quới từ phường Linh Đông, TP. Thủ Đức.

Bán đảo này được chia thành hai khu vực là Thanh Đa và Bình Quới Tây. Trong đó, khu vực Bình Quới chiếm phần lớn diện tích với các khu dân cư nằm rải rác. Một phần lớn diện tích đất ở đây là các đầm lầy và những lô đất bị bỏ hoang, được người dân tận dụng để trồng lúa hoặc đào ao thả cá. Khu vực Thanh Đa có cư xá Thanh Đa với các khu chung cư cũ hình thành từ trước năm 1975 và có phần sầm uất hơn khu vực Bình Quới do vị trí gần với trung tâm quận hơn.

Bán đảo này được quy hoạch thành "siêu đô thị" Bình Quới - Thanh Đa (phường 27, 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Quy hoạch được phê duyệt từ năm 1992 với diện tích khoảng 426 ha, khu đô thị mới kỳ vọng với đầy đủ chức năng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại, phục vụ dân số 41.000 - 50.000 người. Tuy nhiên, quy hoạch đã bị "treo" suốt 30 năm, hiện nơi đây vẫn còn là vùng nông thôn nằm giữa lòng thành phố.

"Hòn ngọc" quý bị lãng quyên 

Có mặt ở bán đảo này những ngày đầu năm 2023, đi sâu vào một con hẻm nhỏ tại ấp 10 khu Bình Quới, mà gọi là đường cho "sang" chứ thực ra chỉ là gồ đất đắp cao như bờ ruộng, lâu lâu có đoạn qua nhà dân thì được đổ bê tông cho sạch sẽ. Đi bộ thì được chứ đi xe máy, xe đạp cứ hồi hộp như làm... xiếc.

Phóng viên dừng chân ở một khu ruộng rộng lớn đang được người dân chuẩn bị cấy lúa sau vụ thu hoạch. Xa xa là một số ao đầm rộng được người dân nuôi cá và trồng sen, bao quanh là con đê ngăn cách những thửa ruộng với sông Sài Gòn.

Ông Nguyễn Văn Sáu, 61 tuổi đang cặm cụi cuốc đất trên thửa ruộng mà theo ông Sáu đã được gia đình ông cấy lúa hơn 20 năm qua. Ông Sáu kể, mỗi năm ông cấy 2 vụ trên 3 thửa ruộng, mỗi thửa có diện tích ít nhất là 10.000m2 và rộng nhất cũng hơn 30.000m2.

"Ngoài cấy lúa, tôi còn 2 cái ao, một cái nuôi cá, một cái trồng sen. Ở đây có 12 hộ dân cũng cấy lúa và nuôi cá như tôi", ông Sáu nói.

Ông Sáu kể, gia đình ông Sáu ở đây từ trước giải phóng, nơi đây trước ít người dân ở, sau giải phóng những hộ dân ở đây sinh con rồi chia đất cho các con và bán đất cho người dân nơi khác tới ở. Họ xây nhà và dân ở đông hơn, tuy nhiên chủ yếu là ở mặt ngoài đường bên ngoài.

"Ở đất Sài Gòn này tính ra tôi thuộc diện nhiều đất lắm đó, nhưng đất của tôi vẫn chỉ để trồng lúa, nuôi cá, mỗi năm 2 vụ lúa cũng đủ để gia đình ăn, cá thì bán thu nhập cũng được cả trăm triệu một năm chứ không ít đâu chú", ông Sáu khoe.

Hỏi về việc trước đây có nghe nói nơi này được quy hoạch thành một dự án đại đô thị to đẹp nhất nhì thành phố, tương đương với khu Thủ Thiêm mà sao giờ vẫn chỉ là ruộng? Ông Sáu đăm chiêu: "Cách chừng 10 năm, bên Công ty xây dựng Sài Gòn gì đó có về đo đạc làm dự án nhà ở, nhưng mãi không thấy gì. Hỏi ra mới biết công ty phá sản nên quận cho chúng tôi mướn đất trồng lúa, làm ruộng. Các ông ấy nói khi nào có dự án sẽ thông báo đền bù, còn giờ chỉ được trồng lúa và rau màu ngắn ngày chứ không được trồng cây lâu năm".

Với 5 sào đất giữa lòng thành phố, tính ra tiền đền bù sẽ nhiều, lúc đó biết đâu ông sẽ "đổi đời", ông Sáu cười: "Bởi vậy cũng ráng đợi. Đợi 20 năm rồi. Chỉ mong có con đường hoàn thiện đi cho đỡ cực, rồi được đến đâu vui đến đó. Đợi hoài...".

Điểm chung của khu Bình Quới này đó là những căn nhà tại đây đều trong cảnh xuống cấp, chờ sập mà không thể xây mới hay cải tạo lại. Trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, mái ngói cũ xiêu vẹo, là nơi ở của gia đình anh Lê Văn Thạch, ngụ ấp 10 tưởng như chỉ cần dùng sức có thể xô đổ được bức tường nhà.

Anh Thạch cho biết, anh làm giáo viên trường Tiểu học Bình Quới Tây, căn nhà này được bố mẹ anh xây những năm 1990. Và không phải vì không có điều kiện nên không thể xây dựng mới lại ngôi nhà mà vì khu vực nhà anh ở nằm trong dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa nên không được phép xây sửa nhà.

Thầy giáo Thạch cho biết, ở đây có khoảng hơn 100 căn nhà như nhà của mình, và bản quy hoạch ấy đã có từ hơn 25 năm nay nhưng tới nay vẫn chưa thấy được thực hiện, cũng đã có nhiều cuộc gặp dân giữa lãnh đạo doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người dân về việc nếu quy hoạch treo lâu như thế này thì xin được bỏ quy hoạch và cho người dân được xây sửa nhà ở cho an toàn. Nhưng sau các cuộc gặp này, vẫn chỉ là những ghi nhận và dân vẫn chờ được sửa chữa nhà để ở cho an toàn.

Ra khỏi khu Bình Quới, phóng viên ghé về khu Thanh Đa, nơi cuộc sống sầm uất hơn. Thế nhưng cảnh những căn nhà "chờ sập", cảnh đường sá hư hỏng cũng không khác gì khu Bình Quới. Bởi khi nhắc tới Thanh Đa, người dân Sài Gòn sẽ nói ngay câu khu chung cư chờ sập.

Được xây dựng từ năm 1960, cư xá Thanh Đa là một trong những nhà tập thể đầu tiên tại Sài Gòn dùng làm nơi ở cho sĩ quan của chính quyền chế độ cũ. Các căn hộ ở đây có diện tích khoảng 80m2. Hiện ở đây có khoảng 4.300 hộ dân ngụ tại 22 lô chung cư, trong đó một số lô chung cư đã xuống cấp.

Sau 63 năm sử dụng, cụm chung cư này xuống cấp trầm trọng, dọc các dãy hành lang tối om, ẩm thấp, chằng chịt dây điện, ống nước, nhiều bức tường lòi ra lõi sắt rỉ sét. Đặc biệt tại lô IV và VI, cơ quan chức năng xác định bị nghiêng lún hơn 2 độ so với mặt đất.

Trong khi khoảng cách đế móng giữa hai dãy nhà là 3m thì tầng bốn (trên cùng) nghiêng áp vào chỉ còn khoảng 1,5m. Nhìn xa, hai khối nhà tạo ra một khoảng không hình chữ A hun hút. Và điểm sáng duy nhất của nơi đây là cuối năm 2014, quận Bình Thạnh di dời được hơn 280 hộ. Hiện vẫn còn 11 hộ ở lại lô IV và VI sinh sống.

Bà Ngô Thị Bình, người dân sống tại căn hộ chung tư tại lô H cư xá Thanh Đa cho biết, những năm 2010, TP đã có kế hoạch di dười người dân ra khỏi cư xá này để xây mới theo kế hoạch cải tạo chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, thế nhưng tới nay sau nhiều đời chủ đầu tư tới xin được thực hiện xây mới và cải tạo thì toàn bộ nơi đây vẫn chưa biết bao giờ dự án được thực hiện.

Hơn 25 năm một quy hoạch

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 1992, dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND thành phố phê duyệt. Đến năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng nhưng đơn vị này không triển khai được nên năm 2010, chính quyền đã thu hồi quyết định.

Năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được chọn là nhà đầu tư với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng.

Tuy nhiên, năm 2017 Công ty Emaar Properties PJSC đã rút khỏi dự án vì thời gian giải tỏa, hỗ trợ đền bù cho người dân kéo dài quá lâu và họ không đủ kiên nhẫn chờ đến lúc được bàn giao đất sạch.

Trong Quy hoạch có tỷ lệ 1/2000, Bình Quới - Thanh Đa với hướng sinh thái kết hợp với khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị với mật độ dân số vừa phải, không quá chen chúc, bán đảo Thanh Đa được dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 30.700 tỷ đồng.

Với thông tin quy hoạch chi tiết thì dự án sẽ được xây dựng thành 3 phân khu khác nhau, đi kèm với đó là các khu chức năng đô thị. Dự kiến nhà nước sẽ sắp xếp và bố trí lại các khu vực như nhà ở, công trình công cộng, công viên… với mật độ xây dựng chỉ khoảng 32%.

Sau khi được xây dựng xong bán đảo Thanh Đa sẽ hoàn toàn lột xác từ khu vực đầm, ruộng, ao, hồ trở thành một khu dân cư hiện đại, sầm uất với nhiều khu vực du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn… đảm bảo không kém hơn so với các dự án khác của thành phố.

Các công trình dự kiến xây dựng trong quy hoạch Thanh Đa bao gồm: khu chung cư cao tầng, căn hộ hỗn hợp, khu thương mại, khu nhà liền kề, shophouse, biệt thự liền kề… Bên cạnh đó còn có các khu chức năng như khu hành chính, khu thể dục thể thao, khu chăm sóc sức khỏe, khu vui chơi giải trí…

Với bản quy hoạch phát triển "đẹp như tranh" trên tưởng chừng như các doanh nghiệp trong và người nước sẽ đua nhau xin được thực hiện dự án. Theo ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, năm 2018, UBND TP.HCM tổ chức đấu thầu dự án để chọn nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, cho đến nay thì dự án vẫn chưa được quyết định giao cho đơn vị nào thực hiện.

Chính vì vậy, từ năm 2020, dự án khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa đã được đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất của quận Bình Thạnh nhưng quy hoạch Thanh Đa vẫn là khu đô thị mới xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại.

Tuy nhiên, tương lai của bán đảo Thanh Đa hy vọng sẽ có nhiều tín hiệu rất tích cực. Khi vào tháng 9/2022, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Bình Quới và cầu Bình Quới - Rạch Chiếc là 4 dự án lớn được Sở GTVT TP.HCM đề xuất TP ưu tiên xây dựng trong giai đoạn từ 2021-2026. Với thông tin này, cửa ngõ dẫn vào bán đảo Thanh Đa sẽ được mở rộng hơn, thay vì như hiện tại chỉ kết nối qua cầu Kinh và phà Bình Quới.

Ngoài ra, vừa qua, thông tin Sở TN&MT TP.HCM có công văn số 6045/STNMT-QLD gửi UBND thành phố về việc đề nghị giao đất cho CTCP Phát triển nhà Thanh Đa, để thực hiện giai đoạn 1 lô IV và lô VI thuộc Dự án đầu tư xây dựng cụm 8 chung cư số, Cư xá Thanh Đa, phường 27 (quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Minh Anh/NĐT

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/co-mot-ban-dao-bi-lang-quen-o-sai-gon-a72059.html