Nợ bảo hiểm xã hội, thủy điện HPL của Tập đoàn Kosy bị “réo tên”

Tính đến tháng 1/2023, Công ty CP Đầu tư thủy điện HPL (thủy điện HPL) nợ 5 tháng tiền bảo hiểm với số tiền gần 120 triệu đồng.

Mới đây, Bảo hiểm xã hội tỉnh Lai Châu công bố danh sách 26 đơn vị trên địa bàn nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... tính đến tháng 1/2023 với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Thủy điện HPL (trụ sở số 46, đường Hoàng Quốc Việt, tổ 17, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu; địa chỉ giao dịch: Tầng 6, tòa nhà Hội nhà báo Việt Nam, đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội) nằm trong top các doanh nghiệp nợ nhiều nhất của danh sách này. Cụ thể, tính đến tháng 1/2023, thủy điện HPL nợ 5 tháng tiền bảo hiểm với số tiền gần 120 triệu đồng.

Thủy điện HPL (thành viên của Tập đoàn Kosy) được biết đến là chủ đầu tư Dự án thủy điện Pa Vây Sử, với tổng công suất lắp máy 50,5MW, gồm 4 nhà máy: Pa Vây Sử 1, Pa Vây Sử 2, Tả Páo Hồ 1A và Tả Páo Hồ 1B, được xây dựng trên địa bàn 4 xã: Pa Vây Sử 1, Tung Qua Lìn, Sì Lờ Lầu và Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Dự án này được khởi công vào tháng 5/2021, dự kiến phát điện vào tháng 6/2024 với tổng mức đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng.

322thuy-dien-hpl-1677482195.jpg

Một dự án thủy điện của Công ty CP Đầu tư thủy điện HPL.

Theo thông tin từ tập đoàn Kosy, khi các nhà máy được thi công, sẽ cải tạo khoảng 40 km đường giao thông liên xã tại địa phương. Hàng năm khi cụm dự án đi vào phát điện sẽ cung cấp sản lượng khoảng 160 triệu KW, đem lại doanh thu khoảng 195 tỷ đồng, và nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước khoảng vài chục tỷ, từ đó đem lại nguồn thu đáng kế cho ngân sách tỉnh Lai Châu.Trong quá trình 2-3 năm thi công, dự án sẽ đem lại việc làm cho khoảng 300 người địa phương, sau đi vào vận hành sẽ mang việc làm ổn định cho khoảng 60 cán bộ nhân viên là con em đồng bào dân tộc người địa phương.

Thành lập năm 2008, hiện nay Tập đoàn Kosy có hơn 20 công ty thành viên, hoạt động đa ngành, trong đó, hai lĩnh vực mũi nhọn là bất động sản và năng lượng tái tạo. Trong đó, Công ty CP Kosy, chủ đầu tư của nhiều khu đô thị hiện đại, là một thành viên trực thuộc Tập đoàn Kosy, đã niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE, có giá trị vốn hóa thị trường khoảng 7.500 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh năm 2022 của Công ty CP Kosy (HoSE: KOS) không thực sự tốt khi doanh thu có sự tăng trưởng nhưng lợi nhuận sau thuế lại chỉ đạt 22 tỷ đồng, giảm 3% so với năm trước và không hoàn thành kế hoạch năm.

Năm 2022, Kosy đặt mục tiêu doanh thu 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 220 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của KOS đạt 4.838 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm 2022. Cơ cấu tài sản có điểm đáng chú ý là hàng tồn kho đạt 2.288 tỷ đồng, tăng 75%, tập trung tại các dự án bất động sản dở dang gồm: Kosy Sông Công (111 tỷ đồng), Kosy Lào Cai (432 tỷ đồng), Kosy Bắc Giang (360 tỷ đồng), Kosy Gia Sàng 11 (445 tỷ đồng), Kosy Hà Nam (681 tỷ đồng)…

Ngoài thủy điện HPL, các công ty như thủy điện Nậm Mở nợ bảo hiểm 3 tháng với số tiền gần 200 triệu đồng, Công ty TNHH MTV HM88 nợ 39 tháng tổng cộng gần 140 triệu đồng…

Theo Duy Lộc/DNVN

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/no-bao-hiem-xa-hoi-thuy-dien-hpl-cua-tap-doan-kosy-bi-reo-ten-a71859.html