Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022 với lợi doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 11.800 tỷ đồng, tăng gấp 4,2 lần cùng kỳ.
Về lợi nhuận, do giá vốn bán hàng vượt doanh thu lên mức hơn 15.600 tỷ đồng, sau khi cộng/trừ một số khoản chi phí khác, lợi nhuận sau thuế của VJC âm 2.358 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 93 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu của VJC đạt hơn 39.200 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế âm 2.171 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 dương 121 tỷ đồng.
Đặc biệt, báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2022 của VJC cũng cho biết tổng chi lương, mức thù lao cho các thành viên HĐQT doanh nghiệp này trong kỳ hơn 2,68 tỷ đồng; ban tổng giám đốc và kế toán trưởng nhận về mức lương, thù lao là gần 4,64 tỷ đồng. Có thể ước tính, mỗi thành viên HĐQT VJC nhận lương và thù lao trung bình 111,8 triệu đồng/tháng/người; ban tổng giám đốc và kế toán trưởng nhận trung bình 128,8 triệu đồng/tháng/người.
Đảm nhiệm hai vị trí Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Giám đốc, ước tính bà Nguyễn Thị Phương Thảo có thể nhận được lương và thù lao trung bình khoảng 240,6 triệu đồng/tháng trong quý IV/2022.
Trước đó, quý III/2022, VJC trả thù lao, lương cho các thành viên HĐQT là 1,5 tỷ đồng, cho ban giám đốc và kế toán 3,5 tỷ đồng, ước tính bà Thảo được trả thù lao 221 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, theo VJC, chi phí trả lương cho nhân viên trong quý IV/2022 đạt hơn 73,8 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với con số cùng kỳ.
Trong năm 2022, VJC đã thực hiện vận chuyển 20.5 triệu lượt khách trên 116 ngàn chuyến bay, vận tải hành khách nội địa tăng trưởng 20% so với 2019 và là nhân tố chủ chốt dẫn dắt sự phục hồi. Vận tải hành khách quốc tế tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực và dự kiến sẽ hồi phục hoàn toàn trong năm 2023.
Năm 2022, cổ phiếu VJC lao dốc mạnh từ mức đỉnh 150.000 đồng/cp hồi tháng 2 xuống mức thấp nhất 96.000 đồng/cp hồi tháng 11. Hiện thị giá cổ phiếu VJC hồi phục trở lại quanh mức 110.000 đồng/cp.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 và lũy kế cả năm 2022.
Theo đó, riêng quý IV/2022, Vietnam Airlines đạt doanh thu 19.500 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong kỳ, chi phí tài chính của HVN tăng lên 1.000 tỷ đồng, cao gấp 3,6 lần con số cùng kỳ chủ yếu do chênh lệch tỷ giá hơn 540 tỷ đồng và lãi vay 370 tỷ đồng; cộng thêm chi phí bán hàng cũng tăng lên hơn 1.000 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ. Do đó, HVN chịu lỗ ròng gần 2.700 tỷ đồng trong quý IV/2022, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 1.000 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh cả năm 2022, doanh thu thuần của HVN đạt 70.500 tỷ đồng, cao gấp 2,5 so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do gánh nặng chi phí khiến HVN lỗ ròng 10.400 tỷ đồng.
Theo Vietnam Airlines, mức thù lao và lương chi trả cho bộ máy quản lý trong năm 2022 là 9,6 tỷ đồng, tăng 20% so với cả năm 2021. Bình quân tiền lương cho mỗi thành viên trong ban, gồm HĐQT, ban kiểm soát, ban điều hành là 67,24 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, bình quân thù lao mỗi thành viên HĐQT và ban kiểm soát cả năm 2022 là 10,14 triệu đồng/tháng. Như vậy, lãnh đạo HVN nhận mức thu nhập bình quân hơn gần 80 triệu đồng/tháng.
Cụ thể, Chủ tịch HĐQT, ông Đặng Ngọc Hoà được trả lương và thù lao trong năm 2022 là 875 triệu đồng; hai thành viên HĐQT, ông Tà Mạnh Hùng và ông Lê Trường Giang, cùng được lương và thu lao là 737 triệu đồng. Tổng giám đốc Lê Hồng Hà nhận mức lương và thù lao cao nhất HVN trong năm 2022, trên 1 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVN trong năm 2022 giảm từ 27.500 đồng/cp hồi tháng 2 xuống mức thấp nhất là hơn 9.000 đồng/cp hồi tháng 11, đang phục hồi quanh mức 15.000 đồng/cp.
Theo Ngọc Cương/VNN
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/ty-phu-nguyen-thi-phuong-thao-nhan-thu-lao-hon-240-trieu-dongthang-du-vietjet-lo-a71709.html