Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - VGI) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 ghi nhận khoản lỗ ròng kỷ lục là 2.721 tỷ đồng dù ghi nhận 6.124 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 43%; lợi nhuận gộp ghi nhận đạt mức 2.665 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận là hơn 43,5%, so với cùng kỳ năm 2021.
Nguyên nhân khiến Viettel Global lỗ lớn do các chi phí gia tăng, đặc biệt chi phí quản lý doanh nghiệp đột biến lên 3.853 tỷ đồng, tức gấp 3,9 lần cùng kỳ do khoản trích lập dự phòng hơn 3.041 tỷ đồng. Nhưng nhờ các quý đầu năm 2022 lãi cao nên tính chung cả năm vừa qua, Viettel Global vẫn đạt lợi nhuận sau thuế 1.549 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với lãi 346,8 tỷ đồng của năm 2021.
Với khoản lỗ 2.821 tỷ đồng này, Viettel Global cũng là doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ lớn thứ hai trên sàn chứng khoán sau HAGL Agrico (Mã: HNG).
Luỹ kế năm 2022, Viettel Global ghi nhận 23.738 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 23% so với 2021. Lợi nhuận sau thuế là 1.549 tỷ, gấp 4,4 lần cùng kỳ và lãi ròng 860 tỷ trong khi năm 2021 lỗ ròng 367 tỷ. Dù lãi lớn trong năm 2022 song tính tới hết năm, Viettel Global vẫn còn lỗ luỹ kế 3.904 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, Viettel Global có tổng tài sản hơn 50.200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 29.200 tỷ đồng với vốn hóa của cổ phiếu Viettel Global trên sàn chứng khoán đạt hơn 70.000 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính cuối năm 2022, Viettel Global có khoảng 16.891 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng, chiếm gần 34% tài sản. Năm 2022, khoản tiền gửi và tiền cho vay đem về cho doanh nghiệp 881 tỷ.
Tổng nợ phải trả tại ngày 31/12/2022 là 21.085 tỷ, trong đó nợ vay là 5.958 tỷ gồm 3.642 tỷ vay ngắn hạn song không được thuyết minh chi tiết. Trong năm qua, Viettel Global thu 2.826 tỷ từ đi vay đồng thời thanh toán 9.437 tỷ nợ gốc vay. Chi phí lãi vay cả năm ngoái là 481,5 tỷ, thấp hơn nhiều so với số tiền thu được từ lãi gửi ngân hàng và lãi cho vay.
Khoản lỗ luỹ kế 3.904 tỷ khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn 29.174 tỷ đồng cuối quý 4/2022. Trong đó, vốn điều lệ của Viettel Global là 30.438 tỷ và Tập đoàn Viettel đang nắm 99,03% vốn tại đây.
Về khoản trích lập dự phòng của Viettel Global, theo bảng cân đối kế toán, khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản (50.259 tỷ) là khoản phải thu với tổng giá trị 17.734 tỷ cuối năm 2022. Riêng khoản phải thu ngắn hạn lên tới 14.624 tỷ đã bao gồm trích lập dự phòng 9.397 tỷ. Tại thời điểm đầu năm 2022, doanh nghiệp chỉ trích lập dự phòng 5.365 tỷ đồng.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy trong trong tổng 14.165 tỷ phải thu ngắn hạn thì Viettel Global chỉ có thể thu hồi được chưa tới 34% giá trị.
Các khoản nợ xấu của doanh nghiệp chủ yếu đến từ Công ty Viettel Cameroon S.A.R.L, Công ty TNHH Telecom International Myanmar. Trong đó, Công ty TNHH Telecom International Myanmar đang là công ty liên kết do Viettel Global nắm 49%, chuyên đầu tư mạng viễn thông ở thị trường Myanmar.
Trong năm 2022, về cơ cấu doanh thu theo khu vực, thị trường châu Phi tăng 27,9% lên 10.808 tỷ đồng, thị trường Đông Nam Á tăng 25,2% lên 10.651 tỷ đồng và thị trường Mỹ La-tinh đạt 2.279 tỷ đồng.
Tính tới hết năm 2022, Viettel Global có tổng cộng 11 công ty con và ba công ty liên kết, đều hoạt động ở nước ngoài như Đông Timor, Campuchia, Lào, Myanmar, Mozambique, Haiti, Burundi, Tanzania.
Theo An Tú (T/h)/TCDN
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/viettel-global-ghi-nhan-muc-lo-rong-ky-luc-2700-ty-trong-quy-42022-a71645.html