Tập đoàn Masan vừa công bố kết quả kinh doanh chưa soát xét của Quý 4/2022 và năm tài chính 2022. Trong đó, đáng chú ý là kết quả kinh doanh của hệ thống Phúc Long sau 1 năm về tay của Masan.
Theo Masan, Phúc Long Heritage (PLH) đã khai trương 44 cửa hàng flagship. Dù là năm đầu tiên mở hàng loạt cửa hàng, 44 cửa hàng flagship mới của PLH đã mang lại biên lợi nhuận (EBITDA) cấp cửa hàng là 26% vào năm 2022.
Tính đến cuối năm 2022, PLH có 132 cửa hàng flagship, tăng gấp đôi về số lượng của mô hình này kể từ khi được Masan mua lại và thu hẹp khoảng cách đáng kể so với các thương hiệu F&B khác. Với vị trí số 2 về doanh thu và đứng đầu về tỷ suất lợi nhuận trong ngành, PLH kỳ vọng sẽ trở thành công ty số 2 về số lượng cửa hàng vào Quý 2/2023.
Năm 2022, Phúc Long đạt doanh thu 1.579 tỷ đồng và 195 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao, chủ yếu nhờ các cửa hàng flagship hoạt động hiệu quả. Song song đó, PLH cũng đã đóng các kiosk hoạt động kém hiệu quả. Việc đóng cửa các kiosk khiến PLH tốn 42 tỷ đồng chi phí.
Trong năm 2023, PLH dự kiến sẽ đạt mức doanh thu thuần từ 2.500 - 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng vững chắc từ 58 - 90% so với năm 2022 từ việc mở 75 - 90 cửa hàng flagship và duy trì hiệu quả doanh thu của cửa hàng mới như cửa hàng hiện có.
Theo báo cáo kết quả tài chính hợp nhất của Masan, về doanh thu thuần, sau khi loại trừ doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi năm 2021 để so sánh tương đương (do đã chuyển giao mảng kinh doanh này), doanh thu thuần của Masan trong năm 2022 đạt 76.189 tỷ đồng, tăng 2,6% so với mức 74.224 tỷ đồng của năm 2021. Trên cơ sở báo cáo, doanh thu giảm 14% trong năm 2022 và 13,4% trong Quý 4/2022.
Về lợi nhuận sau thuế (LNST), trong năm 2022, LNST trước lợi ích cho cổ đông không kiểm soát ở mảng kinh doanh chính đạt 3.852 tỷ đồng năm 2022, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.
Dự theo phân tích Bảng cân đối kế toán, vào cuối năm 2022, tỉ lệ nợ ròng trên EBITDA (trong 12 tháng qua) của Masan là 3,7 lần, tăng so với mức 2,2 lần của cuối năm 2021. Số dư nợ cao hơn và lượng tiền mặt thấp hơn do chi phí vốn và các khoản đầu tư vào các công ty mới.
Trong bối cảnh thị trường vốn đầy biến động hiện nay, các nền tảng của Masan có hoạt động cốt lõi tập trung vào mảng tiêu dùng với khả năng tạo ra dòng tiền vững chắc có nhiều ưu thế để tiếp cận thị trường vốn trong nước và quốc tế với chi phí và điều khoản ưu đãi.
Theo dự báo sơ bộ về kết quả tài chính năm 2023 của Masan, doanh thu thuần hợp nhất của tập đoàn này ước đạt từ 90.000 – 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18% - 31% so với mức 76.189 tỷ đồng trong năm 2022. The CrownX (TCX) nền tảng bán lẻ tiêu dùng hợp nhất của WinCommerce (WCM) và Masan Consumer Holdings (MCH) vẫn sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu, đóng góp hơn 70% vào tổng doanh thu.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan cho biết, doanh nghiệp này đã và đang đổi mới để vượt qua bối cảnh kinh tế vĩ mô và vi mô đầy biến động. Năm 2023 và xa hơn nữa, những đổi mới mang tính quyết định tiếp theo của Masan sẽ là số hóa toàn bộ cơ sở hạ tầng tiêu dùng từ sản xuất đến bán lẻ, đồng thời phát triển nền tảng tích hợp giữa thương mại hiện đại và thương mại truyền thống.
Theo Đại Việt/TCDN
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/he-thong-phuc-long-kinh-doanh-ra-sao-khi-ve-tay-masan-a71640.html