Tập 8 chương trình Hỏi bác sĩ chuyên khoa vừa lên sóng trên kênh HTV7 với chủ đề “Tìm hiểu về vôi hóa xương”. MC Ngọc Nhi làm nhiệm vụ kết nối với chuyên gia là Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Nam Anh, Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Quốc tế Minh Anh sẽ giúp khán giả có thêm kiến thức về chủ đề này.
Trong tình huống tuần này, người đàn ông thường xuyên bị đau lưng đến nỗi gây khó khăn trong sinh hoạt. Vì vậy, anh ấy đã đề nghị em gái đi chợ mua toàn hải sản ăn liên tục vì cho rằng ăn hải sản nhiều sẽ tốt cho xương khớp nhưng không hiệu quả. Thấy vậy, các em của nhân vật nghi ngờ anh trai bị vôi hóa xương khớp và đề nghị tìm đến bác sĩ để được tư vấn rõ hơn.
Là chuyên gia xuất hiện trong tuần này, bác sĩ Nguyễn Nam Anh cho biết: “99% lượng canxi trong cơ thể nằm trong xương, răng và 1% canxi còn lại nằm trong hệ tuần hoàn, các tế bào hay ở các mô mềm khác. Tình trạng vôi hóa xương xảy ra khi canxi không đến đúng địa chỉ mà nó cần phải đến, không đi vào xương mà được tích tụ lại ở các mô quanh xương. Thoái hóa xương thường gặp nhất ở tình trạng thoái hóa khớp, khi bề mặt sụn bị suy giảm, khả năng chịu lực bị ảnh hưởng làm cho canxi tích tụ lại xung quanh các khớp vùng cột sống, khớp gối,...”. Theo bác sĩ, ở cột sống còn có một dạng vôi hóa đặc biệt khác nữa là vôi hóa và thoái hóa dây chằng bao quanh cột sống, có thể xảy ra ở dây chằng dọc sau, dây chằng vàng hay dây chằng bên.
Bác sĩ Nguyễn Nam Anh cho biết tình trạng này liên quan chủ yếu đến rối loạn chuyển hóa canxi trong cơ thể. Nguyên nhân gây ra tình trạng vôi hóa xương gồm: Quá trình thoái hóa xương theo thời gian; Tình trạng nhiễm trùng và viêm kéo dài khiến cơ thể phản ứng lại bằng cách lắng đọng nhiều canxi tại vùng viêm nhiễm dẫn đến vôi hóa.
Theo chuyên gia, khi tình trạng vôi hóa xảy ra có thể gây chèn ép dây thần kinh, về lâu dài dẫn đến yếu cơ, đau thần kinh tọa và thậm chí mất chức năng vận động. Bác sĩ cho rằng rất khó để phục hồi như cũ vì vậy cần theo dõi và chung sống hòa bình với bệnh. Nên thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng để theo dõi mức độ tiến triển của vôi hóa như thế nào. Một số trường hợp có thể dẫn đến biến chứng nguy cơ cao hoặc khiến bệnh nhân quá khó chịu thì nên can thiệp bằng các biện pháp điều trị như: Tập vật lý trị liệu; Sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau; Sử dụng sóng xung kích,... Trường hợp các biện pháp nêu trên không cải thiện tình trạng vôi hóa thì buộc phải can thiệp bằng phẫu thuật để xử lý khối vôi hóa đã hình thành.
Bác sĩ Nguyễn Nam Anh lưu ý những biện pháp phòng ngừa vôi hóa xương như: Chú ý chế độ ăn uống và tập luyện, điều trị các bệnh lý nền có thể gây hại đến rối loạn chuyển hóa canxi, lưu ý trong việc sử dụng thuốc tránh gây rối loạn chuyển hóa canxi, Bổ sung canxi dạng uống đúng cách cũng có thể làm tăng rối loạn chuyển hóa canxi trong cơ thể chúng ta.
Chương trình Hỏi bác sĩ chuyên khoa được phát vào chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV7. Chương trình do Công ty Truyền thông Bee phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM thực hiện.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/tim-hieu-ve-tinh-trang-voi-hoa-xuong-va-bien-chung-cua-no-a71625.html