Vào ngày 28/12/2022, HĐQT Novaland đã ban hành Nghị quyết thông qua danh sách ứng viên được cổ đông đề cử vào vị trí thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 với duy nhất một ứng viên là ông Bùi Thành Nhơn. Ông Bùi Thành Nhơn từng là Chủ tịch HĐQT Novaland trước khi rời khỏi HĐQT công ty hồi tháng 4 năm nay (nhưng vẫn là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Novagroup).
Trước đó, hồi cuối tháng 11, trong chiến lược tái cấu trúc toàn diện nhằm ứng phó với tình hình khó khăn hiện tại, Novaland đã có thông tin về sự trở lại của ông Bùi Thành Nhơn với cương vị là Chủ tịch HĐQT.
“Tôi trở lại với vai trò Chủ tịch HĐQT và là đại diện pháp luật của Novaland vì tôi nghĩ rằng, đã là doanh nhân - chúng ta phải chấp nhận đối mặt với khó khăn và thách thức. Vì trở ngại này vừa vượt qua thì khó khăn khác sẽ đến. Tôi mong rằng, với ý thức luôn thượng tôn pháp luật và tập trung vào lõi chuyên môn, khối rubic màu xanh sẽ tiếp tục toả sáng khắp các tỉnh thành, góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho hàng triệu khách hàng, tiếp tục góp phần vào một nước Việt Nam phát triển”, ông Bùi Thành Nhơn chia sẻ.
Hiện tại, ông Bùi Thành Nhơn đang nắm 4,96% vốn cổ phần của Novaland. Vợ và con trai Bùi Cao Nhật Quân – sau đợt giải chấp tháng 11/2022, đang nắm tổng cộng 6,79%. CTCP Diamond Properties nắm 10,41% và CTCP Novagroup nắm 34,4%.
Đây là 2 công ty do gia đình ông Nhơn sở hữu, vừa nhận chuyển nhượng lượng lớn cổ phiếu NVL từ vợ chồng ông Nhơn vào tháng 10/2022.
Cổ phiếu được đẩy trần rồi lại tụt áp
Thông tin ông Bùi Thành Nhơn sẽ quay trở lại “ghế nóng” giúp cổ phiếu NVL của Novaland sáng 29/12 có lúc đã tăng trần lên 15.350 đồng trước khi hạ bớt độ cao. Theo thống kê, mã này đã được giao dịch với mức giá trần lên tới hơn 5 triệu cổ phiếu trong tổng số 14,75 triệu cổ phiếu sau khi có nghị quyết về sự thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo công ty.
Tuy vậy trong phiên cuối năm 30/12, NVL lại rơi sâu về mốc 14.000 đồng/cổ phiếu, vẫn trong hành trình dò đáy, không ai có thể tưởng tượng được mức giảm khủng khiếp này so với mức 95.000 đồng/cổ phiếu của hồi đầu năm.
NVL bắt đầu đổ đèo do nhiều thông tin về tình hình nợ hay khả năng thanh toán của tập đoàn bất động sản này vào đầu tháng 11. Khi đó, Chủ tịch Bùi Xuân Huy đã gửi tâm thư trần tình. Ông Huy khẳng định các hoạt động huy động vốn của Novaland đều tuân thủ các quy định pháp lý tại Việt Nam. Không có trái phiếu nào của doanh nghiệp bị Ngân hàng Nhà nước hay cơ quan có thẩm quyền nào khác yêu cầu thu hồi.
Tiếp theo, Novaland đã và sẽ tiếp tục làm việc để đảm bảo bàn giao các bất động sản cho khách hàng theo đúng tiến độ hợp đồng. Ông Bùi Xuân Huy khẳng định doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì tiến độ xây dựng tại các đại dự án như NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm, Aqua City và một số dự án bất động sản dân cư tại trung tâm TPHCM. Hiện tại, công ty cũng đã vượt tiến độ đối với một số giai đoạn. Cùng lúc đó, doanh nghiệp cũng tiết giảm chi phí nghiêm ngặt, bao gồm việc cắt giảm các hoạt động không phải là cốt lõi.
Cuối cùng, Chủ tịch Novaland cho hay doanh nghiệp sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức để tăng cường sức khỏe tài chính, bàn giao đầy đủ sản phẩm theo cam kết với người mua nhà. Công ty khẳng định sẽ tiếp tục công bố thông tin đầy đủ theo các quy định liên quan đến thị trường chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu.
Đến ngày 28/11, cổ phiếu Novaland (NVL) chấm dứt chuỗi 18 phiên giảm sàn liên tiếp với hàng chục triệu cổ phiếu NVL được hấp thụ chỉ trong vài phút phiên chiều, qua đó đưa NVL về giá tham chiếu 20.450 đồng/cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư thủng túi trong đợt giảm sàn kéo dài này.
Tuy nhiên, áp lực bán tăng trở lại trong tháng 12 và đưa NVL có lúc về ngưỡng 13.100 đồng/cp.
Dòng tiền đổ vào "giải cứu" NVL ngay sau khi NovaGroup - cổ đông lớn nhất của Novaland - thông báo bán thoả thuận 150 triệu cổ phiếu từ ngày 30/11 cho các nhà đầu tư, tổ chức có năng lực tài chính để giảm tỷ lệ sở hữu từ 36,46% xuống 28,76% vốn. Tuy nhiên NovaGroup chỉ bán thành công gần 98 triệu cổ phiếu.
Trong một diễn biến khác, về cuối năm, Novaland vẫn bị tự doanh và khối ngoại bán ra.
Gấp rút trả nợ và mua lại trái phiếu trước hạn
Trong công cuộc tăng cường sức khoẻ của doanh nghiệp, Novaland đột ngột trả nợ và gấp rút mua lại trái phiếu trước hạn trong lúc tỷ lệ nợ của Novaland khá cao.
Tỷ lệ nợ thuần/vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối quý 3/2022 là 1,11 lần, gần như đi ngang so với quý trước và tăng so với mức 1,03 lần vào cuối quý 4/2022. Chứng khoán HSC cho rằng, tỷ lệ nợ của Novaland cao hơn đáng kể so với mức bình quân của các doanh nghiệp bất động sản, từ 0,2 – 04%, hiện vẫn đang ở mức không lành mạnh.
Nợ vay đạt 71.742 tỷ đồng bao gồm 11.346 tỷ đồng nợ vay ngân hàng, 50.489 tỷ đồng nợ trái phiếu và nhiều khoản vay khác.
Chủ nợ cho các khoản vay tín dụng lớn nhất của Novaland là ngân hàng Credit Suisse AG – Chi nhánh Singapore với khoản vay 1.918,2 tỷ đồng, xếp sau là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam với khoản vay trị giá 1.500 tỷ đồng, vay 1.350 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam, 1.250 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Bắc Sài Gòn,…
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Novaland đã phát sinh thêm tổng cộng 13.599 tỷ đồng trái phiếu, tương đương chiếm 19% tổng tài sản và gấp 4,4 lần nợ vay ngân hàng.
Sự tăng trưởng rõ rệt đến từ trái phiếu đến hạn trả khi đầu năm 2022 tập đoàn địa ốc này chỉ ghi nợ hơn 7.595 tỷ đồng nhưng đến cuối quý 3 con số này đã tăng gấp 3 lần lên hơn 22.702 tỷ đồng.
Ngoài ra, dư nợ trái phiếu dài hạn lại có xu hướng giảm so với đầu năm, đạt 27.787 tỷ đồng, giảm nhẹ 5%.
Novaland đang đẩy mạnh thanh toán các khoản trái phiếu trước hạn trong thời gian gần đây. Tính từ đầu tháng 12 đến nay, đã 4 lần doanh nghiệp tiến hành mua lại trái phiếu trước hạn.
Theo đó, doanh nghiệp tiến hành mua lại 86,14 tỷ đồng trong số 344,56 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của lô NVLH2123013 vào ngày 20/12, dựa theo thỏa thuận với người sở hữu. Tổ chức tham gia đợt mua lại lần này là Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam.
Lô trái phiếu được phát hành riêng lẻ thông qua đại lý phát hành vào ngày 28/9/2021 và dự kiến đáo hạn vào ngày 28/3/2023 tới đây, với tổng giá trị theo mệnh giá là 430,7 tỷ đồng. Trước đó vào ngày 28/9, Novaland cũng đã tiến hành mua lại 86,14 tỷ đồng, qua đó hạ khối lượng còn lại xuống 344,56 tỷ đồng như hiện nay.
Vào ngày 8/12, Novaland đã hoàn tất mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu NVL2019.200 với tổng mệnh giá phát hành 200 tỷ đồng. Lô trái phiếu được phát hành ngày vào 11/12/2021 và và dự kiến đáo hạn ngày 11/12/2022.
Trước đó, ngày 2/12, Novaland vừa thực hiện mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu NVLH2122015 với tổng mệnh giá 1.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu được phát hành vào ngày 24/12/2021 với kỳ hạn 12 tháng.
Các công ty con của Novaland cũng có nhiều lần mua lại trái phiếu trước hạn. Vào ngày 8/12 vừa qua CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Thuận Phát đã mua lại toàn bộ 350 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của lô THUANPHAT1922001. Lô trái phiếu được phát hành với tổng mệnh giá 600 tỷ đồng vào ngày 20/8/2019 và dự kiến đáo hạn vào ngày 20/12 tới đây.
Có thể thấy, Novaland đang từng bước cấu trúc toàn diện để đưa doanh nghiệp về bức tranh tươi sáng hơn khi giảm bớt nợ vay, đảm bảo an toàn để kênh thu hút vốn từ thị trường chứng khoán hiệu quả.
Tuy nhiên nhiều người lo ngại, quá trình tái cấu trúc nợ của Novaland còn kéo dài. Vấn đề trái phiếu đáo hạn có thể mới chỉ được giải quyết trong năm 2022 và còn một lượng lớn trong năm 2023. Bên cạnh đó, doanh nghiệp gặp vướng mắc pháp lý ở một số dự án trong khi thị trường bất động sản vẫn trầm lắng.
Và sự trở lại của ông Bùi Thành Nhơn có thể làm hồi sinh doanh nghiệp bất động sản nổi tiếng phía Nam này?
Theo Anh Nhi/TTCS
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/novaland-co-hoi-sinh-voi-su-tro-lai-cua-chu-tich-bui-thanh-nhon-a71498.html