Tình trạng nói trên được phát hiện trong hơn 4 tháng qua tại chung cư Aranya, phường Xuân Phú, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã nhiều cư dân phản ánh đến chủ đầu tư nhưng tình hình không được cải thiện dù Huế đang vào mùa mưa rét.
Sống bất an trong ngôi nhà mới nhận
Trời xứ Huế những ngày cuối năm 2022 mưa lớn, rét buốt xảy ra liên tục. Cứ thấy mưa gió giá rét chị Phan Thị Tâm, một phụ nữ trẻ sống một mình ở căn hộ 9A5, tòa nhà CT3, tầng 9, tầng cao nhất chung cư Aranya, lại hết sức bất an. Chị Tâm mới dọn về ở trong căn hộ của mình được khoảng nửa năm trở lại đây.
Thoạt đầu mùa nắng nên chị không phát hiện tình trạng thấm dột, sau đó vào mùa mưa, nhất là mưa lớn tình trạng thấm dột bắt đầu xảy ra. Nước mưa thấm từ trên mái, nhỏ xuống trần thạch cao mà chị bỏ tiền ra đóng. Từ chỗ vài giọt rỉ rả, việc thấm dột ngày một nặng hạt hơn. Chị kiến nghị lên Ban quản lý chung cư, chủ đầu tư thì nhân viên, đại diện nhà thầu đến khảo sát, kiểm tra. Để xử lý “sự cố”, người ta cắt trần thạch cao nhà chị Tâm ra rất nhiều ô hộc hình vuông, làm 3 - 5 ngày rồi bỏ dở.
Chúng tôi bước vào căn hộ rộng khoảng 70m2 của chị Tâm mà không tin vào mắt mình. Trần nhà thạch cao khắp nơi bị cắt ra lỗ chỗ để xử lý, rồi bỏ dở trong nhiều tháng qua. Nhà bếp, phòng khách, phòng ngủ... khắp căn hộ đâu đâu chị Tâm cũng phải đặt thau chậu hứng nước dột. Chị Tâm kể, đêm nằm không dám ngửa mặt lên trần để... tránh bụi mịn thạch cao rơi vào mắt. Thật cám cảnh cho cuộc sống của một cư dân trẻ đã bỏ ra hơn 1,2 tỷ đồng (chưa tính hàng trăm triệu hoàn thiện) thuê mua một căn hộ tại chung cư Aranya Huế.
Tình trạng nói trên không chỉ xảy ra với chị Tâm mà rất nhiều hộ dân khác ở tầng 9, tòa nhà CT3 chung cư Aranya gặp phải. Theo anh Phan Thanh Phong (33 tuổi), tầng trưởng tầng 9, chủ hộ căn hộ 9A6 toà nhà CT3, qua khảo sát ban đầu có 7 căn có hiện tượng thấm dột, trong đó 5 căn bị nặng và nhà anh Phong cũng là một trong số 5 căn thấm dột nặng đó. Tình cảnh nhà anh Phong còn “bi đát” hơn nhà chị Tâm khi mà hộ anh Phong có 5 người, trong đó có hai trẻ nhỏ và một người bà lớn tuổi. Khi chúng tôi đặt chân vào nhà, mẹ anh Phong đang ru đứa con thơ anh Phong còn nằm nôi và phải luôn chở che cho cháu kẻo sợ bụi mịn trần thạch cao rơi vào mắt, miệng đứa bé. Căn hộ gần 70m2 mà anh Phong thuê mua (hơn 1,2 tỷ đồng, hoàn thiện gần 700 triệu đồng) cũng phải lót thau chậu khắp nơi hứng nước dột.
Cách nhà anh Phong không xa, là các căn hộ nhà ở xã hội khác như 9A7, 9B5, 9B6… thuộc tòa nhà CT3 chung cư Aranya cũng trong tình trạng bị thấm dột tương tự. Có hộ nước mưa thấm theo đường ống kỹ thuật kéo từ trên cao xuống, âm trong tường khiến các mảng tường bong tróc lỗ chỗ. Không chỉ trong nhà, mà ngoài hành lang lối đi lại của tầng 9 nước mưa chảy xuống dột thấm qua trần thạch cao, nếu mưa lớn nhỏ thành dòng xuống lối đi. Khi phóng viên trò chuyện với các hộ dân, một tấm trần thạch cao “no nước” không chịu nổi đã rơi từ trần của hành lang xuống nền, vỡ toang.
“Ngoài mưa dột, đêm nằm chúng tôi rất sợ thạch cao bị ẩm rơi trúng đầu, hoặc bụi mịn thạch cao rơi vào mắt, miệng. Quá bất an nên 4 tháng trước, nhiều hộ dân chúng tôi gửi đơn kiến nghị lên Ban quản lý chung cư, chủ đầu tư, Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau đó thì Ban quản lý, chủ đầu tư họp, xử lý qua loa rồi để ngổn ngang từ bấy đến nay. Từ cảm thông, bà con đang rất phẫn nộ”, anh Phong bộc bạch. |
Không chỉ xảy ra thấm dột, mà cư dân tòa nhà CT3 cho biết, thang máy tòa nhà nhiều lần xảy ra “sự cố”. Nguy hiểm nhất là mặt cầu thang máy lúc dừng lại đón người lên cao hơn mặt sàn vài centimet nên cư dân đã bị té ngã khi vào ra cầu thang. Hoặc cầu thang máy bị dừng, không vận hành khi người dân thực hiện các nút điều khiển. Ngay cả hệ thống báo cháy cũng có vấn đề và các hiện tượng này đều được cư dân báo cho Ban quản lý chung cư nhưng theo người dân hiện vẫn chưa được xử lý triệt để.
Bức xúc, bất an với những gì xảy ra ở tòa nhà CT3, chị Tâm nhận ủy thác của bà con cư dân tầng 9, “thân gái dặm trường” mang những tâm tư, bức xúc ra tận Hà Nội để gặp, đối thoại bằng được với lãnh đạo Công ty Cổ phần Aranya Việt Nam - chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Aranya ở TP. Huế. Sau cuộc gặp, chị Tâm vào lại Huế với lời hứa hẹn sẽ sớm xử lý dứt điểm sự cố việc thấm dột, khắc phục việc cắt trần thạch cao để ngổn ngang... Thế nhưng chị Tâm cùng nhiều hộ cư dân ở tòa nhà CT3 vẫn mỏi mòn chờ đợi trong nhiều tháng qua. Giữa tháng 12/2022, chị Tâm, anh Phong cùng nhiều hộ dân khác gửi đơn kiến nghị, khiếu nại lên Sở Xây dựng, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để mong những cơ quan này vào cuộc xử lý, đảm bảo công bằng, an toàn cho người dân.
“Shophouse như căn hầm trú bom”
Tòa nhà CT3 là công trình thuộc giai đoạn 2 Dự án đầu tư Công trình nhà ở xã hội Aranya (dành cho người thu nhập thấp) - chung cư Aranya - do Công ty Cổ phần Aranya Việt Nam làm chủ đầu tư, triển khai xây dựng tại khu A, Khu đô thị mới An Vân Dương, phường Xuân Phú, TP. Huế. Công trình được Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho phép mở bán nhà ở xã hội hình thành trong tương lai vào tháng 6/2020.
Công trình CT3 Dự án đầu tư Công trình nhà ở xã hội Aranya do Công ty Cổ phần vật tư, thiết bị và đầu tư xây dựng M.E.I (Meico, đóng tại Đà Nẵng) thi công. Đáng chú ý, tổng số tòa nhà CT3 có 256 căn hộ, trong đó có 14 căn shophouse. Trong khi những hộ dân có thu nhập thấp hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội ở tầng 9 tòa nhà CT3 gặp tình cảnh thấm dột gây bất an, khốn khó do mưa thấm dột, thì nhiều hộ dân mua căn hộ shophouse ở tầng 1 cũng lâm vào tình cảnh hết sức tréo ngoe, ở không đặng, kinh doanh cũng chả yên. Căn shophouse của anh Võ Trọng Quốc là 1 trong 14 căn shophouse của toàn bộ toà nhà CT3, đang được anh dùng bán cà phê và cư trú. Khi chúng tôi vào, quán không vắng hẳn khách. “Anh ngồi một tí, sẽ nhận ra lý do ngay”, anh Quốc nói. Quả nhiên sau chừng 15 phút chuyện trò với anh Quốc, chúng tôi đành phải đi ra ngoài căn hộ để... thở do ngột ngạt.
Anh Quốc cho biết, anh đã bỏ ra chi phí cho căn shophouse khoảng 2,4 tỷ đồng (khoảng 1,8 tỷ đồng tiền mua căn hộ thô, phần còn lại tiền hoàn thiện). Anh là khách hàng thuộc diện “F0” của dự án, nhưng do khi tiếp cận dự án thông tin “chỉ nhìn qua hình ảnh 3D nên cái gì cũng đẹp, cũng ảo”, đến khi sử dụng là vô cùng thất vọng, bây giờ muốn bán lại cũng khó có người mua. Khốn khổ nhất là ngoài cửa chính, 3 mặt chung quanh căn hộ bịt bùng không cửa thông gió, không hệ thống hút khí. Căn hộ được anh Quốc phân làm 2, tầng trên để ở, tầng dưới bán cà phê giải khát. Do không thoáng khí nên anh Quốc không dám làm nhà vệ sinh ở tầng 1, dù mở bán cà phê. Thay vào đó anh chỉ làm một phòng vệ sinh khiêm tốn ở tầng 2 cho gia đình.
"Do thiếu hệ thống thoát khí, thông gió nên vào mùa hè căn nhà nóng như lò nung, mùa đông hơi ẩm tụ lại ngột ngạt, bí bách. Ngay cả việc nấu ăn cũng rất hạn chế các món dầu mỡ, nướng để tránh bốc mùi. Do nóng nực, ẩm mốc, hai đứa con thơ ho hen, ngứa ngáy suốt", anh Quốc, bức xúc. |
Gần đây, anh Quốc lắp cái điều hòa, nhưng phải khoan tường làm đường dây, ống dẫn ra bên ngoài khu công viên của khu chung cư đến 30m. Ở đấy mới có thể lắp được “cục nóng”, khiến tiền dây dẫn, thi công mắc gấp đôi mái máy điều hòa nhiệt độ nhưng hiệu quả sử dụng lại không cao.
Cùng cảnh ngộ với anh Quốc, chị Thu Phương người dân mua căn hộ shophouse nằm mặt tiền đường Dương Khuê tòa nhà CT3 dự án nhà ở xã hội Aranya cũng rất hụt hẫng, thất vọng. Chị Phương cho biết, chị mua căn shophouse diện tích 115m2 với tổng chi phí đầu tư khoảng 3 tỷ đồng. Thế nhưng khi nhận nhà, hoàn thiện và sử dụng mới lộ bất cập khi 3 mặt bịt bùng, thiếu hệ thống thoát khí thông gió đối lưu.
Căn shophouse của chị Phương, anh Quốc hay nhiều căn shophouse khác đều chỉ có một hướng mở duy nhất là cửa chính. “Đêm ngủ mà mình đóng cửa thì thiếu không khí... để thở. Mới đây mình làm lén ở cửa chính một khe cửa để có gió thoáng, chứ không không tài nào ngủ được. Riêng nấu nướng thì rất hạn chế vì không thể thoát mùi ra ngoài”, chị Phương nói. Không chỉ vậy, căn shophouse tiền tỷ của chị Phương mỗi khi mưa lớn nước theo đường ống chảy xuống nền “ròng ròng” nhưng chủ đầu tư vẫn không xử lý dứt điểm.
Anh Quốc và chị Phương cho biết họ kiến nghị với Ban quản lý chung cư để được cải tạo sửa chữa, làm cửa thông gió, cửa hậu đối lưu từ phía sau nhưng bị từ chối với lý do là việc này ảnh hưởng đến khu nhà cộng đồng và khu để xe phía sau tường căn hộ của anh Quốc. Mặt khác, các thiết kế đã được Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt nên không thể tùy tiện thay đổi.
“Mua căn shophouse tiền tỷ ai ngờ nó không khác gì cái hầm trú bom. Đã vậy chủ đầu tư lại thiếu thiện chí trong việc cùng chúng tôi tìm hướng giải quyết, sao cho khu chung cư là nơi an toàn, đáng sống, đáng tin cậy”, anh Quốc nói.
Liên quan đến bức xúc của những chủ hộ mua shophouse, trao đổi với PV Reatimes, ông Tạ Đức Thịnh, nhân viên kỹ thuật Công ty Cổ phần Aranya Việt Nam, đại diện chủ đầu tư và Ban quản lý chung cư tại TP. Huế, nói rằng: “Mục tiêu của shophouse thì tính thương mại là chính. Nhà vệ sinh chủ đầu tư đã có đường ống chờ, có vị trí phương án thiết kế, thu gom sạch sẽ, an toàn cho các căn hộ”.
Liên quan hệ thống thông gió, thoát khí cho các căn shphosue, ông Thịnh giải thích: “Đây là mẫu chung rồi nên rất khó thay đổi. Toàn bộ giữ ẩm hay thông khí toàn bộ dựa vào mở cửa, lắp điều hòa, còn nếu muốn trổ cửa ra khu chung, phía đằng sau thì rất là khó. Về phía cửa chính chủ đầu tư có thể hỗ trợ các hộ dân để làm cửa sổ dạng đẩy, để căn shophouse của mình khô hơn, thông thoáng hơn”. Cũng theo ông Thịnh, chủ đầu tư cũng lắng nghe ý kiến người dân, khách hàng để “tư vấn lại” cùng tìm giải pháp phù hợp.
Đặc biệt, nói vấn đề thấm, dột của các hộ dân ở tầng 9 tòa nhà CT3, chung cư Aranya, ông Thịnh nhìn nhận đúng là có 5 căn hộ bị thấm dột nặng cùng với việc thấm dột trên hệ thống hành lang. Ông Thịnh nói rằng ngay khi bà con cư dân phát hiện, có ý kiến chủ đầu tư đã vào cuộc nhanh chóng, qua đó yêu cầu nhà thầu (Meico) khảo sát xử lý, thực hiện bảo hành công trình để đảm bảo trách nhiệm của nhà thầu, quyền lợi của chủ đầu tư cũng như của người dân.
“Vừa rồi chủ đầu tư đã làm việc với nhà thầu đề ra phương án xử lý. Chủ đầu tư đang nhờ đơn vị tư vấn và phòng kỹ thuật kết hợp cùng với nhà thầu xét duyệt phương án. Hiện tại anh em phòng kỹ thuật đang xem xét. Theo quan điểm của cá nhân tôi, cũng như lãnh đạo công ty cố gắng xử lý sớm, hy vọng thời tiết tốt để xử lý, chủ đầu tư cũng đã làm việc với người dân và có biên bản ghi nhận, xem xét các vấn đề hỏng hóc, tài sản của người dân như trần thạch cao, khối lượng bị hỏng để đền bù thỏa đáng cho người dân và tiến hành sửa chữa trên mái cũng như trên trần, việc sửa chữa sẽ hoàn thiện trước Tết Nguyên đán Quý Mão”, ông Thịnh phân bua.
Về nguyên nhân vì sao suốt 4 tháng qua kể từ khi các hộ cư dân phát hiện thấm dột, kiến nghị đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm, có dấu hiệu chậm trễ, “bỏ mặc khách hàng”, ông Thịnh nói rằng, phía chủ đầu tư đã vào cuộc ngay khi phát hiện, đã xử lý bước đầu nhưng “xử lý như thế chưa triệt để nên chủ đầu tư muốn tính đến phương án khác để xử lý triệt để hơn, lãnh đạo công ty cũng rất trăn trở chứ chủ đầu tư không bỏ mặc khách hàng, bà con…
Dự án Nhà ở xã hội được Công ty Cổ phần Aranya Việt Nam đầu tư tại Khu đô thị mới An Vân Dương từ năm 2013; dự án được lập có quy mô 4 khối nhà với 576 căn hộ. Trong đó, khối CT1 và CT2 (256 căn dành cho đối tượng thu nhập thấp) kế hoạch đưa vào sử dụng vào quý IV/2016, khối CT3 và CT4 hoàn thành vào quý IV/2017. Tuy nhiên, ngay giai đoạn 1 triển khai chủ đầu tư đã vấp phải sự phản ứng, bức xúc của khách hàng khi chậm bàn giao nhà. Đầu năm 2018, rất nhiều cơ quan báo chí đồng loạt đăng tin, bài hàng chục khách hàng đã ký hợp đồng mua nhà căng băng rôn trên công trình xây dựng tòa nhà CT1 đòi chủ đầu tư bàn giao nhà do công ty này trễ hẹn 1 năm (Reatimes đã thông tin). Tiếp đó năm 2019, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã có kết luận thanh tra về dự án này, chỉ ra các thiếu sót, sai phạm liên quan các vấn đề như: Phương án lập giá bán; về việc ứng trước tiền của người mua khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa phù hợp; cách tính hệ số K trong giá bán; việc chủ đầu tư chưa đóng kinh phí bảo trì... Thanh tra tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu thu hồi nộp Ngân sách Nhà nước hàng trăm triệu đồng và chấn chỉnh sai phạm đối với Công ty Cổ phần Aranya Việt Nam. |
Reatimes sẽ tiếp tục tìm hiểu, cập nhật, thông tin về vụ việc.
Theo Mai Đình Toàn/Reatimes
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/can-ho-chung-cu-aranya-o-tp-hue-kem-chat-luong-khien-cu-dan-buc-xuc-a71379.html