‘Công ty con’ của TH true Milk mua sữa nguyên liệu dưới chuẩn?

Trong khi TH true milk luôn quảng cáo sản phẩm sữa tươi của mình là sữa “sạch” thì Công ty sữa Đà Lạt (Dalatmilk), một “công ty con” của TH True Milk lại dính nghi vấn đưa ra những tiêu chuẩn thu mua sữa tươi nguyên liệu không đạt chuẩn theo quy định.

Trong khi TH true milk luôn quảng cáo sản phẩm sữa tươi của mình là sữa “sạch” thì Công ty sữa Đà Lạt (Dalatmilk), một “công ty con” của TH True Milk lại dính nghi vấn đưa ra những tiêu chuẩn thu mua sữa tươi nguyên liệu không đạt chuẩn theo quy định.

“Nới rộng” và không đạt chuẩn

Thời gian qua rộ lên thông tin, hợp đồng thu mua sữa giữa Công ty cổ phần sữa Đà Lạt (Dalatmilk) và hộ chăn nuôi bò sữa có những nội dung quy định liên quan đến chất lượng nguyên liệu sữa tươi mà Dalatmilk thu mua dưới tiêu chuẩn quy định.

Tại phần “Tạm ngưng việc giao nhận sữa có thời hạn” trong hợp đồng, Dalatmilk và các hộ chăn nuôi bò sữa thỏa thuận về những giới hạn thấp về chất lượng, trái với quy định hiện hành. Cụ thể, mẫu sữa kiểm tra tại phòng thí nghiệm của Dalatmilk không đạt các tiêu chuẩn chất lượng về: Tế bào thân (soma) cao hơn 1.500.000tb/ml; tỷ lệ chất khô không béo nhỏ hơn hoặc bằng 8,1%; tỷ lệ chất béo nhỏ hơn hoặc bằng 3%. Điều này có thể hiểu, trong trường hợp các chỉ số soma, chất khô không béo, tỷ lệ chất béo vượt quá giới hạn trên thì doanh nghiệp có quyền từ chối không mua sữa.

Ở chiều hướng ngược lại, nếu các tiêu chuẩn chất lượng về: Tế bào thân nhỏ hơn 1.500.000tb/ml; tỷ lệ chất khô không béo lớn hơn 8,1%; tỷ lệ chất béo lớn hơn 3% thì ai cũng hiểu doanh nghiệp thu mua sữa cho hộ chăn nuôi.

Thế nhưng, đối chiếu với những quy định tại Thông tư 29 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa tươi nguyên liệu, quy chuẩn Việt Nam 01-186:2017/BNNPTNT thì có thể thấy Dalatmilk đã đưa ra mức “tiêu chuẩn chất lượng” thấp để thu mua sữa nguyên liệu. Cụ thể,  quy chuẩn Việt Nam 01-186:2017/BNNPTNT quy định: Chất béo phải lớn hơn hoặc bằng 3,2%; Khô không béo lớn hơn hoặc bằng 8,3%; Số lượng tế bào soma trong một ml sữa nhỏ hơn hoặc bằng 1.000.000 tế bào/ml.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Nhà máy chế biến sữa và trang trại chăn nuôi bò sữa của Dalatmilk nằm ở xã Tura, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, có diện tích 548ha. Năm 2009, nhà máy chế biến sữa được khởi công, sản phẩm sữa đầu tiên của Dalatmilk ra đời với mục tiêu sản xuất các sản phẩm sữa chất lượng cao hoàn toàn từ sữa tươi cao nguyên. Ngày 28/10/2014, Tập đoàn TH đã mua lại Dalatmilk. Tại thời điểm đó, thương vụ này gây sự chú ý đặc biệt tại thị trường sữa Việt Nam.

Khi Dalatmilk về chung một nhà với TH true Milk, ai cũng cho rằng doanh nghiệp này sẽ thực hiện sản xuất sữa tươi chất lượng, “sữa tươi sạch” mà bấy lâu nay TH true Milk luôn quảng cáo sản phẩm sữa tươi của mình là sữa “sạch”.

Thế nhưng, với việc Dalatmilk “nới rộng” các tiêu chuẩn chất lượng đã dấy lên những nghi vấn “công ty con” của TH true Milk tự cho mình quyền mua sữa nguyên liệu không đạt chuẩn theo quy định của pháp luật.

Cần câu trả lời với người tiêu dùng

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sữa, ở đây chính là nguyên nhân xuất hiện vấn nạn sữa tươi nguyên liệu các loại 1-2-3. Loại 1 là đúng với yêu cầu mà Dalatmilk đặt ra, loại 2 – 3 là thấp hơn yêu cầu của Dalatmilk lẫn Quy chuẩn Việt Nam 01-186:2017 nhưng vẫn được thu mua với giá thấp hơn nhiều so với sữa đạt chuẩn.

Theo quy định chính Dalatmilk đưa ra là nhỏ hơn hoặc bằng 700.000tb/ml sữa và Quy chuẩn Việt Nam 01 -186:2017 là 1.000.000tb/ml sữa thì Dalatmilk lại vẫn thu mua khi tỷ lệ soma ở mức nhỏ hơn 1.500.000tb/ml sữa. Nghĩa là, dù ở mức 1.499.000tb/ml sữa Dalatmilk vẫn thu mua.

Tiếp nữa, Quy chuẩn Việt Nam 01 -186:2017 quy định chất béo phải lớn hơn hoặc bằng 3,2% thì Dlatmilk lại vẫn thu mua khi tỷ lệ này lớn hơn 3%. Nghĩa là, chất béo ở mức 3,1% thì doanh nghiệp này vẫn thu mua.

Đặc biệt, với việc thu mua số lượng tế bào soma trong sữa tươi nguyên liệu vượt quy định là 500.000 tế bào/ml sữa sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực cho người tiêu dùng, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Số lượng tế bào soma trong sữa đã được hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam áp dụng để đánh giá chất lượng của sữa tươi nguyên liệu. Nếu số lượng tế bào soma trong sữa tăng có nghĩa là cơ thể của con bò cho sữa đang gặp vấn đề lớn về sức khỏe, phải huy động tế bào bạch cầu để bảo vệ cơ thể, chống lại bệnh tật…

Được biết, hiện Dalatmilk đang thu mua khoảng 25% sữa tươi nguyên liệu của các hộ nông dân ở Lâm Đồng, tập trung tại các huyện Bảo Lộc, Đơn Dương, Đức Trọng.

Việc đưa ra những tiêu chuẩn chất lượng trong hợp đồng thu mua sữa với các hộ nông dân dưới chuẩn quy định của pháp luật, Dalatmilk sẽ trả lời như thế nào với người tiêu dùng? Để có câu trả lời, chúng tôi đã liên hệ với ông Ngô Minh Hải, Tổng giám đốc Dalatmilk, nhưng không liên hệ được với ông Hải.

Tiếp tục liên hệ với TH true Milk, phóng viên được một nhân viên truyền thông tiếp chuyện và nắm bắt thông tin. Phóng viên nêu nội dung: Liên quan đến hợp đồng thu mua bán sữa tươi nguyên liệu giữa Dalatmilk và các hộ chăn nuôi thì Dalatmilk có “nới rộng” những tiêu chuẩn chất lượng: Tế bào thân (soma); tỷ lệ chất khô không béo; tỷ lệ chất béo, không phù hợp và trái với Thông tư 29 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa tươi nguyên liệu, quy chuẩn Việt Nam 01-186:2017/BNNPTNT. Quan điểm của TH true Milk như thế nào về sự việc này?

Sau khi tiếp thu thông tin phản ánh, nhân viên này đề nghị phóng viên gửi nội dung câu hỏi và sẽ có phản hồi sớm nhất./.

Nhóm phóng viên - Theo Báo Tiếng nói Việt Nam

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/cong-ty-con-cua-th-true-milk-mua-sua-nguyen-lieu-duoi-chuan-a7116.html