Đáng chú ý, trong kết luật của Thanh tra Chính phủ nêu ra rất nhiều sai phạm trong đó có “điểm mặt” những sai phạm Dự án điện gió Ea Nam, huyện Ea H’leo và trách nhiệm của Tổng Công ty điện lực Miền Trung, mà trực tiếp là Giám đốc Công ty điện lực Đắk Lắk.
Cụ thể, trong Kết luận Thanh tra Chính phủ nêu rõ Dự án nhà máy điện gió Ea Nam, huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) chủ đầu tư là Công ty Cổ phần xây dựng Trung Nam, chưa có quyết định thu hồi và bàn giao ký hợp đồng thuê đất, hoàn thiện các thủ tục đất đai, xây dựng nhưng chủ đầu tư đã tiến hành thi công xây dựng trụ móng Tuabine, nhà điều hành, trạm biến áp vi phạm khoản 2 Điều 7 thông tư 02/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương; điểm c khoản 6 Điều 33 và Điều 42 Luật Đầu tư 2014; điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai 2013. Làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động canh tác nông nghiệp và người dân địa phương.
Trong Kết luận nêu rõ dù để xảy ra nhiều sai phạm nói trên nhưng theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, tỉnh này chỉ xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần xây dựng Trung Nam và yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện trình tự, thủ tục của dự án để đưa dự án vào vận hành, phát điện theo quy định nhưng những sai phạm, tồn tại chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Ngoài ra, Kết luận Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra những sai phạm đối với các công trình điện mặt trời áp mái nhà “núp bóng” đặt trái phép trên các trang trại và trên đất nông nghiệp. Về những sai phạm về điện năng lượng mặt trời Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk và các cấp chính quyền địa phương đã buông lỏng trong công tác quản lý, dẫn đến việc người dân lách luật xây dựng công trình điện mặt trời lắp đặt trên trang trại đất nông nghiệp tràn lan vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng và đây là nguyên nhân dẫn đến quá tải cho hệ thống điện quốc qia, hiện phải giảm áp, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Theo số liệu của UBND tỉnh Đắk Lắk, đến nay toàn tỉnh có tổng cộng 5.379 hệ thống điện mặt trời mái nhà (tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng) đã được đấu nối vào hệ thống điện, đưa vào vận hành, với tổng công suất lắp đặt 650.170 MWp.
Theo Công ty Điện lực Đắk Lắk, đến hết ngày 31/12/2020, tỉnh Đắk Lắk có tới hơn 400 công trình, với tổng công suất khoảng 50MW “chậm chân” không kịp đấu nối. Các công trình phải nằm phơi nắng phơi sương, chủ đầu tư phải ngậm “quả đắng”chịu trận.
Ngoài dự án không kịp đối nối, nhiều dự án tại Đắk Lắk vi phạm quy định đất đai, xây dựng vẫn được đấu nối, có công trình sau đó phải giảm phát gây lãng phí. Cụ thể, toàn tỉnh có tới 411 công trình đã đấu nối, bán điện nhưng chưa bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để đảm bảo đầy đủ thủ tục theo quy định. Trong số này, có 20 công trình chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 195 công trình chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất; có 94 công trình thiếu Giấy phép xây dựng hoặc văn bản kiểm tra, xác nhận về kết cấu an toàn chịu lực của công trình. Đáng nói, có tới 102 công trình không có biên bản kiểm tra hoặc văn bản thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy.
Trong Kết luận Thanh tra Chính phủ nêu rõ trách nhiệm chính để xảy ra các sai phạm, vi phạm về quản lý sử dụng đất đai và các dự án đầu tư ngoài ngân sách thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực; Giám đốc các Sở (Sở kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục trưởng Cục Thuế, Chủ tịch các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư…).
Theo Ngọc Giang – Phi Long/XD