Tài sản tỷ đô, hiệu quả sử dụng vốn siêu thấp, lãi tăng nhờ nợ thuế
Công ty cổ phần Him Lam (Him Lam) là một trong những Tập đoàn bất động sản nổi danh nhất cả nước. Trước đây, Him Lam gắn liền với tên tuổi của đại gia Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank và nguyên Chủ tịch HĐQT LienvietPostBank.
Him Lam khuyếch trương quy mô từ Nam ra Bắc, ở những vị trí đắc địa nhất. Thế nhưng, bức tranh tài chính của Tập đoàn lại thể hiện nhiều vấn đề. Một trong số đó là dù tài sản tỷ đô nhưng hiệu quả sử dụng lại lại siêu thấp.
Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản của Tập đoàn Him Lam lên tới 96.599 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD), tăng 27.155 tỷ đồng, tương đương 39,1% so với cuối năm 2020.
Nếu chỉ xét về tổng tài sản, Him Lam chỉ đứng sau Top 3 doanh nghiệp bất động sản có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, bao gồm Tập đoàn Vingroup (428.384 tỷ đồng), Vinhomes (230.516 tỷ đồng) và Novaland (201.834 tỷ đồng).
Còn với Top 10 doanh nghiệp bất động sản có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán, Him Lam vượt trội về tổng tài sản như Becamex IDC Corp (48.952 tỷ đồng), Vincom Retail (37.873 tỷ đồng), Phát Đạt (20.552 tỷ đồng),...
Tài sản lớn nhưng hiệu quả sử dụng vốn tại Tập đoàn Him Lam lại rất thấp.
Năm 2021, doanh thu của Tập đoàn chỉ đạt 2.227 tỷ đồng, giảm 2.267 tỷ đồng, tương đương 50,4% so với năm 2020.
Dù nỗ lực “thắt lương buộc bụng” giảm chi phí, chi phí bán hàng giảm từ 57,3 tỷ đồng xuống 22,8 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 112 tỷ đồng xuống 110 tỷ đồng nhưng lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 175 tỷ đồng, giảm 307 tỷ đồng, tương đương 63,7%.
Tuy nhiên, do chưa nộp hết thuế (chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 chỉ là 6,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với 25,5 tỷ đồng của năm 2020) nên cuối cùng lợi nhuận sau thuế năm 2021 tăng trưởng dương, tăng 18,4 tỷ đồng, tương đương 93,9% lên 38 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của Him Lam vô cùng thấp, chỉ đạt 0,58%. Trong khi đó, những đơn vị có tổng tài sản thấp hơn Him Lam rất nhiều như Becamex IDC Corp, Vincom Retail và Phát Đạt lần lượt đạt 8,5%, 4,3% và 22,8%.
Hai chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2021 và vốn chủ sở hữu tại Becamex IDC Corp, Vincom Retail và Phát Đạt là 1.457 tỷ đồng – 17.145 tỷ đồng; 1.315 tỷ đồng – 30.651 tỷ đồng và 1.861 tỷ đồng – 17.175 tỷ đồng.
Có thể thấy hiệu quả sử dụng vốn tại Tập đoàn Him Lam kém xa các đơn vị có tổng tài sản thấp hơn Him Lam.
93,2% nguồn vốn là nợ
Bên cạnh hiệu quả sử dụng vốn siêu thấp, Tập đoàn Him Lam còn gây chú ý khi nợ quá lớn, tài sản (nguồn vốn) lên tới 3 tỷ đô nhưng có tới 96% là nợ.
Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản tại Tập đoàn Him Lam đạt 96.599 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lên tới 90.027 tỷ đồng, cao gấp... 1.370% vốn chủ sở hữu và chiếm 93,2% tổng nguồn vốn.
Trong đó, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước giảm sâu xuống 17,3 tỷ đồng. Chỉ tiêu này tại thời điểm cuối năm 2020 lên tới 151 tỷ đồng.
Nổi bật nhất là các chỉ tiêu phải trả khác là con số khổng lồ. Phải trả dài hạn tăng mạnh từ 13,4 tỷ đồng lên 39.165 tỷ đồng, phải trả ngắn hạn khác giảm sâu từ 56.023 tỷ đồng xuống 10.652 tỷ đồng.
Nổi bật không kém chính là những khoản nợ vay lên đến giá trị tỷ đô. Tại thời điểm cuối năm 2021, tổng nợ vay của Tập đoàn Him Lam là con số khổng lồ 35.037 tỷ đồng (khoảng 1,52 tỷ USD).
Trong đó, vay và nợ thuê tài chính tăng vọt từ 0 đồng lên 33.885 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính giảm sâu từ 2.416 tỷ đồng xuống 1.152 tỷ đồng.
Nợ tỷ đô nhưng chi phí lãi vay tại Him Lam lại chỉ là 0 đồng trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Him Lam xác định trong năm đã chi 7,6 tỷ đồng cho tiền lãi vay.
Về phía tài sản, phần lớn tài sản của Tập đoàn Him Lam đều nằm ngoài công ty. Cuối năm 2021, các khoản phải thu ngắn hạn của Tập đoàn tăng mạnh từ 46.045 tỷ đồng lên 67.365 tỷ đồng, chiếm 69,7% tổng tài sản.
Theo Hồng Nam/KTCK
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/tap-doan-him-lam-tai-san-ty-do-932-la-no-a70640.html