Hàng loạt web bán nước hoa Charme "chui”, cơ quan quản lý Bộ Công Thương nói gì?

Bất chấp các quy định phải đăng ký thông báo với Bộ Công Thương, hàng loạt web bán “chui” các sản phẩm nước hoa Charme là của ai và sẽ bị xử phạt như thế nào?

Báo Công Thương đang có loạt bài về nước hoa Charme. Tìm hiểu được biết, hiện các sản phẩm nước hoa Charme của Công ty Cổ phần Charme Perfume được quảng bá và bán rầm rộ trên các trang web và nhiều nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok, Shopee. Đặc biệt, hiện có đến hơn 10 website đang rao bán sản phẩm của Charme, tuy nhiên hầu hết các trang web này lại chưa đăng ký thông báo hoạt động thương mại điện tử với Bộ Công Thương theo quy định của pháp luật.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Công Thương đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương.

Thưa bà, qua tìm hiểu của phóng viên, hiện nhiều trang web như: charmeperfume.com, charmevietnam.com, charmeperfume.vn, charmevn.com, dailynuochoacharme.vn, charme.com.vn, nuochoacharme.info, charmeshop.vn, nuochoacharmeperfume.vn, nuochoacharmeperfumedanang.com, goodcharmevietnam.com, charmeruby.com, perfumevn.net… mang tên miền và đang bán các sản phẩm nước hoa thương hiệu Charme Perfume. Tuy nhiên, hiện hầu hết các web này đều chưa được cấp dấu xanh thể hiện "Đã thông báo với Bộ Công Thương". Vậy những website bán các sản phẩm của Charme đã làm thủ tục đăng ký thông báo với Bộ Công Thương hay chưa?

nguyen-thi-minh-huyen220221004220852-1664938098.jpg

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương.

Qua rà soát của Cục cho thấy, tình trạng thực hiện thủ tục thông báo website thương mại điện tử bán hàng của các website trên như sau:

Hiện có 2 website đã được Bộ Công Thương xác nhận thông báo, cụ thể là charmevietnam.com (ngày 28/9/2022) và charmeperfume.com (13/02/2019).

Còn lại các web như charmeperfume.vn, charmevn.com, dailynuochoacharme.vn, charme.com.vn, nuochoacharme.info, charmeshop.vn, nuochoacharmeperfume.vn, goodcharmevietnam.com, charmeruby.com, perfumevn.net… có đặt hàng trực tuyến nhưng chưa thực hiện thủ tục thông báo website thương mại điện tử với Bộ Công Thương.

Theo quảng bá của các doanh nghiệp, hiện có hàng vạn thành viên chủ yếu bán các sản phẩm này qua mạng, doanh thu mỗi năm theo bà Hường - đại diện công ty cho biết trên Clip là hàng trăm tỷ đồng. Trong khi theo công bố của Cục, hiện có khoảng 10 website rao bán sản phẩm nước hoa Charme hoạt động trái phép. Vậy, bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về các quy định xử phạt đối với những trường hợp này?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 52/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP), thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử bán hàng có trách nhiệm thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng nếu website có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Do đó, hành vi không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng được xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 62 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi tại điểm d khoản 33 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP).

Cụ thể, hành vi này sẽ bị xử phạt với mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, áp dụng cho cá nhân và từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, áp dụng cho tổ chức vi phạm.

Qua rà soát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, các website trên được nhiều thương nhân/cá nhân khác nhau vận hành, do vậy, việc xử phạt sẽ được áp dụng cho từng đối tượng theo quy định nói trên.

nuoc-hoa-charme-chinh-hang-220221004221709-1664938137.png

Một trong những website rao bán sản phẩm nước hoa mang thương hiệu Charme Perfume chưa thực hiện thông báo đăng ký với Bộ Công Thương

Trong trường hợp các đơn vị chưa thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng thì phía Cục sẽ có những biện pháp cụ thể như thế nào, đặc biệt là những website có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật nhằm "móc túi" người tiêu dùng?

Bên cạnh việc thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin về các hành vi vi phạm trên website thương mại điện tử, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số còn phối hợp với các đơn vị chức năng trong việc ngăn chặn và xử lý vi phạm.

Cụ thể, ngoài việc cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thực hiện chuyển thông tin về các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để xử lý vi phạm theo Quy chế phối hợp công tác giữa hai đơn vị.

Ngoài ra, để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm của một số website có dấu hiệu giả mạo, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có quy mô lớn, phức tạp, có dấu hiệu vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ, không xác định được đối tượng sở hữu website,… Cục chuyển thông tin đề nghị Cục Phát thanh truyền hình và trang thông tin điện tử, Cục An toàn thông tin và Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) phối hợp, có biện pháp ngăn chặn không cho người dùng từ Việt Nam truy cập vào website.

Để lành mạnh hoá môi trường thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã triển khai những biện pháp nào, thưa bà?

Về quản lý hoạt động thương mại điện tử, ngày 25/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, trong đó đã bổ sung một số các quy định mới về thông tin hàng hóa phải công khai trên website thương mại điện tử; tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch thương mại điện tử trong quản lý hoạt động thương mại điện tử trên sàn; Quản lý người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam. Điều này giúp công tác chống hàng giả có căn cứ và hiệu quả, minh bạch.

Ngoài ra, ngày 31/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2022/NĐ-CP, trong đó bổ sung nhiều chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm liên quan tới hoạt động thương mại điện tử.

nuoc-hoa-charme-chinh-hang-320221004221711-1664938137.png

Nước hoa Charme cũng được bày bán rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã xây dựng và vận hành Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử tại địa chỉ online.gov.vn. Đây là Cổng dịch vụ công mức độ 4 hỗ trợ tiếp nhận và xử lý các phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng hoàn toàn trực tuyến, đồng thời kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu với đơn vị chức năng trong và ngoài Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, Cục đã tổ chức 2 lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” với các sàn thương mại điện tử và các website thương mại điện tử bán hàng lớn hàng đầu Việt Nam như: Tiki.vn, Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn, Thegioididong.com,... Việc ký cam kết đã mang lại rất nhiều chuyển biến tích cực, giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp sở hữu các website thương mại điện tử trong việc bảo vệ người tiêu dùng; hỗ trợ giải quyết tranh chấp, rà soát và giảm thiểu hàng giả, hàng nhái bày bán trên các sàn.

Đặc biệt, hiện nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng “Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025” thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 và trình Chính phủ trong năm 2022 với nhiều nội dung và giải pháp đồng bộ, có sự vào cuộc của các đơn vị liên quan như: Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (lực lượng biên phòng), Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính (hải quan, thuế)... trong đó hướng đến các giải pháp tổng thể, toàn diện.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Năm 2021, Bộ Công Thương đã thực hiện kiểm tra gần 3.000 vụ việc (bao gồm hành vi vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả), xử phạt trên 20 tỷ đồng.

Phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông yêu cầu các sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ 7.561 gian hàng với 18.725 sản phẩm vi phạm.

Theo Nhóm PV/CT

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/hang-loat-web-ban-nuoc-hoa-charme-chui-co-quan-quan-ly-bo-cong-thuong-noi-gi-a70563.html