Bài 2: Cần làm rõ việc thu hồi đất giao cho Doanh nghiệp làm dự án tại Phú Quốc
Trong đơn gửi các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí, bà Trần Hoa Sen, sinh năm 1967, trú tại: ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh (Phú Quốc – Kiên Giang) phản ánh:
Ngày 25/6/2004, bà Sen nhận chuyển nhượng thửa đất nông nghiệp của ông Tăng Minh Khởi, sinh năm 1965, trú tại ấp 7, thị trấn An Thới, Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đất có diện tích khoảng 40.000m2 (sau này đo thực tế là 36.679,5m2), trên đất có hoa màu. Đất có nguồn gốc là do ông Khởi khai phá từ năm 1997. Từ khi nhận đất xong, bà Sen tiếp tục trồng hoa màu.
Quá trình canh tác, bà Sen nhận chuyển nhượng tiếp phần đất gồm 02 thửa của bà Nguyễn Thị Hồng Nhung liền kề, thửa thứ nhất có diện tích 9.499,5m2 và thửa thứ 2 có diện tích 15.000m2. Trong thời gian canh tác, bà Sen đã thực hiện nghĩa vụ thuế cho nhà nước và hiện còn lưu giữ biên lai. Đồng thời, trên sơ đồ trích đo đất của chính quyền địa phương đều thể hiện “chủ đất” là bà Trần Hoa Sen.
Năm 2007-2008, bà Sen làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất nhận chuyển nhượng của ông Khởi, lúc đó UBND xã có nêu lý do chờ “cấp đại trà”, nên đến nay (mặc dù thủ tục đã nộp đầy đủ) bà Sen vẫn chưa nhận được sổ theo quy định.
Do sợ trâu bò phá và các hộ bên lấn đất nên năm 2016, bà Sen đã thuê người làm bờ rào bằng cọc bê tông, giăng dây thép gai. Toàn bộ chi phí hơn 100.000.000 đồng.
Năm 2018-2019, bà Sen tiếp tục làm thủ tục để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sừ dụng đất 2 thửa đất còn lại.
Tháng 4/2021, do dịch COVID-19 bùng phát, bà Sen lên TP.HCM ở với con để giúp con học hành, khi trở về thì “bất ngờ” thấy đất của mình bị doanh nghiệp cho người đập phá toàn bộ bờ rào cũ, tự tiện quây hàng rào mới và không cho người dân vào khu đất nhà mình.
Khi hỏi nhân viên và bảo vệ của doanh nghiệp thì họ cho biết chính quyền địa phương đã thu hồi đất của người dân và giao cho họ thực hiện Dự án Khu dân cư và đô thị cao cấp.
Một hộ dân khác cũng có hoàn cảnh tương tự như bà Sen là ông Trần Đào Huy Duy, sinh năm: 1983, trú tại: ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh, TP. Phú Quốc (Kiên Giang).
Trong đơn trình bày, ông Duy cho biết, ngày 15/5/2003, gia đình ông (nhờ ông Đào Hữu Lịch đứng tên) có nhận chuyển nhượng một lô đất tại tổ 2, ấp 7, An Thới (Phú Quốc) với diện tích khoảng hơn 11.000m2 của bà Trần Kim Hiếu. Đến ngày 20/4/2004, gia đình ông Duy tiếp tục mua thêm lô đất có diện tích 50.532m2 của bà Ngô Thị Yên (đất do bà Yên khai phá từ năm 1991).
Tuy nhiên, đến tháng 12/2020, Tập đoàn HUD Kiên Giang và Công ty BĐS Hưng Phát ngang nhiên cho người vào bao chiếm và chặt phá toàn bộ cây cối của gia đình mà không có bất cứ một thủ tục kiểm kê, thu hồi, bồi thường nào.
Trước thực trạng trên, bà Trần Hoa Sen, ông Trần Đào Huy Duy và nhiều hộ dân có đất bị doanh nghiệp chiếm dụng đã gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến nay, ngoài những văn bản “chuyển đơn”, hiện chưa có bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào ra văn bản kết luận giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại – Tố cáo.
Vì người dân không được nhận được bất cứ quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường nào, cũng như quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo… nên Tòa án sẽ không có cơ sở để thụ lý giải quyết.
Trả lời cơ quan báo chí tại Văn bản số 806 đề ngày 13/6/2022, Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết: Về thu hồi đất dự án Khu dân cư và đô thị cao cấp Hưng Phát (Meyhomes Capital Phú Quốc) có các Quyết định số 887/QĐ-UB ngày 19/5/2005; Quyết định số 626/QĐ-UBND ngày 03/5/2006; Quyết định số 758/QĐ-UBND ngày 17/4/2015; Quyết định số 2757/QĐ-UBND ngày 11/11/2015 của UBND tỉnh Kiêng Giang về việc thu hồi dất, giao Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc tại ấp Suối Lớn, thị trấn An Thới.
Về Quy hoạch: Quyết định số 235/QĐ-BQLKKTPQ ngày 23/10/2019 về việc phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu dân cư và đô thị cao cấp Hưng Phát quy mô 560.928,8m2.
Về bồi thường: Theo khoản 1, Điều 15 tại Quyết định số 2394/QĐ-UBND ngày 06/10/2008 của UBND tỉnh Kiên Giang có nội dung: UBND huyện Phú Quốc “chủ trì phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, Ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc lập phương án và tổ chức việc bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất, mặt nước đã được UBND tỉnh thu hồi giao cho Ban Quản lý để giao lại đất, cho thuê đất theo thẩm quyền”.
Theo Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc: Tại Quyết định số 2394/QĐ-UBND ngày 06/10/2008, Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc nhận đất đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng xong từ UBND TP. Phú Quốc. Sau đó, thực hiện chức năng giao đất đất, cho thuê đất để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án theo quy định.
Trong văn của Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc không hề nêu bất cứ một quyết định, văn bản nào liên quan đến quy trình thu hồi, kiểm kê, thông báo, triển khai công tác bồi thường… liên quan đến khu đất thuộc quyền sử dụng của bà Trần Hoa Sen, ông Trần Đào Huy Duy và các hộ dân có đất bị thu hồi.
Các hộ dân khẳng định rằng, đến nay, mặc dù trên thực tế các lô đất đã bị doanh nghiệp quây lại và chiếm dụng nhưng họ chưa nhận được bất cứ quyết định, thông báo… nào về thu hồi đất theo quy định tại Luật Đất Đai.
Điều bất thường nữa là bà Sen, ông Duy và một số hộ dân khác đã nhiều lần có đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến các cấp chính quyền tỉnh Kiên Giang nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ quyết định giải quyết nào theo trình tự của Luật Khiếu nại, Tố cáo.
Liên quan đến sự việc trên, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: Điều 69, Luật Đất đai 2013 quy định trình tự, thủ tục thu hồi đất: Thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; Người sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Ngoài ra, muốn thu hồi đất để làm dự án thương mại, đô thị, phục vụ lợi ích của doanh nghiệp thì phải trực tiếp thỏa thuận bồi thường với người dân. Cụ thể, tại khoản 1, Điều 73, Luật Đất đai 2013 quy định: Việc sử dụng đất để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật này (vì mục đích quốc phòng, an ninh và để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng) mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Tức là, doanh nghiệp muốn thực hiện dự án phải trực tiếp làm việc với người dân, người dân có quyền thỏa thuận về giá chuyển nhượng, giá thuê đất với doanh nghiệp…
Về việc người dân nhiều lần gửi đơn khiếu nại nhưng chính quyền không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tại Điều 204, Luật Đất đai 2013 quy định giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai như sau:
"Điều 204. Giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai
1. Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.
2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính."
Về, thời hạn giải quyết khiếu nại được quy định như sau:
Điều 27. Thụ lý giải quyết khiếu nại
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.
Luật sư Hoàng Tùng khẳng định, quá trình thu hồi đất đối với hộ dân Trần Hoa Sen, Trần Đào Huy Duy và một số hộ dân khác… để thực hiện dự án là chưa đúng trình tự thủ tục theo quy định của Luật Đất Đai năm 2013.
Theo Lê Duy/DNKTX