Với tuổi đời non trẻ trên thị trường bất động sản (BĐS) nhưng Viva Land lại nắm trong tay gần chục dự án lớn ở những vị trí đắc địa tại hai thị trường BĐS sôi động nhất cả nước là TPHCM và Hà Nội, cung cấp hơn 18,000 căn hộ, trên diện tích đất 1,500 ha.
Theo giấy phép đăng ký kinh doanh,Viva Land được thành lập vào tháng 12/2020 với tên gọi là CTCP Quản lý Viva. Vốn điều lệ 80 tỷ đồng do 3 cá nhân người Việt góp gồm ông Tạ Công Trí (nắm 49% vốn), bà Lê Thị Diệu (sinh năm 1981, làm đại diện pháp luật và Tổng Giám đốc, nắm 30%) và bà Dương Hoàng Mỹ Linh (21%).
Đến tháng 7/2022, chức danh Tổng Giám đốc chuyển giao cho ông Lim Boon Hwee (còn được biết đến là Eddie Lim, sinh năm 1968, quốc tịch Singapore), đồng thời Công ty đổi tên thành CTCP Quản lý và Phát triển Viva Land (VN) (gọi tắt là Viva Land), trụ sở chính tại số 69 Đồng Khởi, phường Bến Nghé. Một tháng sau đó, cơ cấu cổ đông Công ty cũng thay đổi khi 49% vốn điều lệ chuyển cho nước ngoài nắm giữ là Viva Land Management Group Pte. Ltd.
Trước khi xuất hiện tại Quản lý Viva, ông Lim Boon Hwee còn là đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Viva Land (trước đây là CTCP Cirius Power, thành lập vào 15/05/2019). Khi mới ra đời Cirius Power có vốn điều lệ 2,000 tỷ đồng do 3 cá nhân quốc tịch Việt Nam góp gồm bà Nguyễn Thị Kim Khánh (sinh năm 1983, làm đại diện pháp luật, nắm 30%, tương đương 600 tỷ đồng), bà Dương Thị Hạnh (25%), bà Nguyễn Thị Ngọc Mai (25%).
Đầu 2020, Cirius Power đổi tên thành CTCP Đầu tư và Phát triển Viva Land như hiện nay. Đến cuối năm 2021, vai trò người đại diện theo pháp luật và Tổng Giám đốc được chuyển cho ông Lim Boon Hwee. Trong khi đó cơ cấu cổ đông có thay đổi hay không thì không được công bố.
Chủ tịch Viva Land hiện nay là ông Chen Lian Pang, được giới thiệu có hơn 40 năm kinh nghiệm đầu tư và phát triển BĐS tại châu Á. Ông đã dẫn dắt đội ngũ phát triển một số dự án tiêu biểu trong khu vực như Capital Tower (Singapore), Raffles City (Thượng Hải, Trung Quốc), Capital Palace (Hà Nội, Việt Nam), d’Edge (TPHCM, Việt Nam), The Vista (TPHCM, Việt Nam).
Tổng Giám đốc Eddie Lim, có 25 năm kinh nghiệm làm việc tại CapitaLand trước khi gia nhập Viva Land, ông từng đảm nhiệm các vị trí cấp cao và có kinh nghiệm điều hành kinh doanh, đầu tư về căn hộ dịch vụ và bán lẻ tại các quốc gia như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia.
Tuy nhiên đội ngũ lãnh đạo cấp cao này lại không có tên trong danh sách cổ đông nắm giữ vốn Viva Land.
Viva Land có hoạt động đăng ký kinh doanh chính là tư vấn quản lý. Còn theo thông tin giới thiệu, Viva Land hoạt động 3 mảng gồm quản lý dự án, quản lý tài quỹ và tài sản, thỏa thuận giao dịch và mua bán.
Tại các dự án, Viva Land giữ vai trò quản lý dự án, thông tin chi tiết về tiến độ thực hiện dự án cũng rất ít được chia sẻ trên website chính thức của Công ty.
IFC One Saigon là dự án đình đám nhất hiện nay của Viva Land khi liên tục được giới BĐS nhắc tới gần đây. Sau thời gian đắp chiếu hơn thập kỷ, Viva Land tiến hành hồi sinh dự án Saigon One Tower với tên mới là IFC One Saigon vào đầu năm nay. Mặc dù gây xôn xao giới BĐS nhưng giá trị thâu tóm thực sự không được công bố, nhưng chắc chắn con số không hề nhỏ.
IFC One Saigon tọa lạ vị trí đất “kim cương” của TP, có 2 mặt sông và 3 mặt tiền đường Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Võ Văn Kiệt, quận 1. Dự án rộng hơn 6,672 m2 được khởi công vào năm 2007 do CTCP Địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư, khi đó tổng vốn là 256 triệu USD (khoảng 5,000 tỷ đồng).
Theo thiết kế ban đầu, dự án sau khi hoàn thành sẽ là tòa nhà cao thứ 4 tại TPHCM với 195 m, gồm 180 căn hộ, khu văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại. Sau 4 năm thực hiện được khoảng 80% thì dự án bất ngờ ngưng thi công và đắp chiếu từ năm 2011. Dự án từng được VAMC thu giữ để xử lý khoản nợ xấu của Địa ốc Sài Gòn M&C. Năm 2018, VAMC công bố đấu giá dự án này với mức khởi điểm 6,110 tỷ đồng nhưng không ai mua.
Từ đầu năm nay, sau khi về tay Viva Land, IFC One Saigon đang tích cực được tân trang lớp kính ngoài để kịp dón dịp lễ 2/9. Mặc dù giới nhà đất cho rằng dự án đang được hồi sinh và giá bán có thể lên tới 1 tỷ đồng/m2 nhưng hồi cuối tháng 8, đại diện Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM cho biết chỉ cho phép chủ đầu tư lắp kính mới để chỉnh trang đô thị, các hạng mục khác không được làm vì đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Thương vụ thâu tóm Capital Place của Viva Land cũng đình đám không kém. Dự án ở trung tâm quận Ba Đình, Hà Nội, trên trục đường huyết mạch Liễu Gai – Kim Mã – Nguyễn Chí Thanh; cung cấp 100,000 m2 mặt sàn văn phòng và thương mại, 32 thanh máy tốc độ cao, sàn văn phòng không cột lớn nhất Việt Nam, là tòa nhà văn phòng đầu tiên ở Hà Nội đạt chứng chỉ LEED Gold (chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế cho công trình kiến trúc xanh).
Capital Place từng do CapitaLand Development (CLD) quản lý. Đầu năm nay, CLD thông báo thoái vốn dự án với giá 751 triệu đô la Singapore (550 triệu USD) cho người mua không tiết lộ danh tính. Ngày 24/1, Viva Land bất ngờ công bố chính thức sở hữu tòa nhà Capital Place.
Capital Place từng được CapitaLand Vietnam Commercial Value-Added Fund (CVCVF) mua lại vào năm 2018 và khai trương năm 2020. CLD nắm giữ 50% cổ phần của CVCVF, còn lại do MEA Commercial Holdings nắm giữ.
Quỹ CVCVF được thành lập vào năm 2017 với quy mô 177 triệu đô la Singapore (130 triệu đô la Mỹ), được quản lý bởi CapitaLand Investment Limited (CLI), chi nhánh đầu tư bất động sản của Tập đoàn CapitaLand. Sau khi hoàn tất giao dịch, CVCVF sẽ được thoái vốn hoàn toàn và đóng quỹ. Các nhà đầu tư nhận được tỷ suất hoàn vốn nội bộ IRR vào khoảng 34%, qua đó mang về cho CLI khoản lãi 17 triệu USD.
Dự án Pearl tọa lạc tại “siêu tứ giác” 4 đường lớn Phạm Ngũ Lão – Phó Đức Chính – Lê Thị Hồng Gấm – Calmette, đối diện chợ Bến Thành, ngay nhà ga metro số 1.
Trước đây dự án có tên gọi The Spirit of Saigon thuộc sở hữu của Tập đoàn Bitexco, vốn đầu tư 500 triệu USD. Đến 2013, dự án ngừng thi công trong nhiều năm trước khi về tay Masterise Homes theo tên gọi là One Central HCM. Đến đầu năm nay hàng rào thi công bên ngoài dự án được đổi tên chủ đầu tư thành Viva Land, cùng tên gọi mới là Pearl.
Theo thiết kế, dự án cao 224 m, gồm 2 tòa tháp được kết nối bởi khối đế bán lẻ. Tòa tháp 55 tầng West Tower gồm 37,400 m2 sàn khách sạn Ritz Carlton 250 phòng, 17,800 m2 sàn văn phòng hạng A; tòa tháp 48 tầng East Tower gồm 58,400 m2 sàn, chia thành 350 căn hộ hạng sang.
Nếu hoàn thành Saigon Peninsula sẽ được xem là siêu đô thị tại quận 7 với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ USD. Tuy nhiên, dự án đã nằm bất động hơn 15 năm qua.
Năm 2007, TPHCM chấp thuận cho CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (SP Group) làm chủ đầu tư dự án. Năm 2011, TP có văn bản giao đất thực hiện san lấp mặt bằng dự án. Năm 2016, nhà đầu tư hoàn tất bồi thường giải tỏa 93% diện tích đất dự án. Giữa năm 2016 khởi công khu công viên Mũi Đèn Đỏ trong dự án và nhà ở đô thị với tên thương mại là Saigon Peninsula. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa triển khai xây dựng do vướng các thủ tục đầu tư.
SP Group thành lập vào năm 2003 với vốn điều lệ 18,000 tỷ đồng. Tháng 8/2016, một đối tác của Tập đoàn Sài Gòn Peninsula là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã công bố việc ký kết với các nhà đầu tư nước ngoài gồm Pavilion Group và Genting Group để phát triển dự án.
Một điểm đáng chú ý là thành phần ban lãnh đạo SP Group từng có ông Lâm Khắc Vinh (hay Truong Vincent Kinh, quốc tịch Mỹ) đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT và đại diện pháp luật. Ông này là lãnh đạo chủ chốt của nhiều công ty BĐS như CTCP Đầu tư và Phát triển Sunny World, CTCP Phát triển Sunny World Homes, CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS Sunny World, CTCP Sunny World Holdings, CTCP Vietnam Land Group, CTCP Đầu tư Trade Wind, CTCP VN Unique, CTCP Tập đoàn Diamond Capital, CTCP Phát triển và Quản lý Diamont Capital… các pháp nhân này ít nhiều có mối liên hệ với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ngoài ra, ông Truong Vincent Kinh cũng là đại diện pháp luật CTCP Đầu tư & Phát triển Uniprime, đối tác cùng Bitexco thực hiện dự án ở khu tứ giác Bến Thành The Spirit of Saigon (Pearl nêu trên) vào năm 2019.
Nằm ở khu đất vàng của TP Hải Phòng, Landmark từng do Tập đoàn FLC triển khai tòa tháp 72 tầng nhưng thất bại. Cụ thể, vào tháng 11/2019, Hải phòng quyết định chủ trương đầu tư dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê với quy mô 72 tầng (tên thương mại là Tòa tháp FLC Diamond 72 Tower) cao 290 m, tổng mức đầu tư gần 4,000 tỷ đồng. Tháng 5/2020, FLC động thổ. Tuy nhiên, sau lễ động thổ, FLC đã không thực hiện các thủ tục như ký quỹ đầu tư, thuê đất, thẩm định thiết kế, xin cấp phép xây dựng. Đến tháng 11/2020, UBND TP Hải Phòng có quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định chủ trương đầu tư dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê. Khu đất sau đó được Hải Phòng đưa vào kế hoạch bán đấu giá quyền sử dụng đất để tìm nhà đầu tư thực hiện.
Tháng 6/2021, dự án được đấu giá thành công với số tiền 1,305 tỷ đồng (gần gấp đôi mức khởi điểm) với đơn vị trúng giá là Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh BĐS An Phát. Tuy nhiên 2 tháng sau đó, lô đất lại được đấu giá lần nữa với mức khởi điểm hơn 1,100 tỷ đồng. Mặc dù Viva Land chưa công bố chính thức về dự án nhưng hình ảnh Viva Land đã xuất hiện trên hàng rào bên ngoài dự án.
Vivian Le Jardin được lãnh đạo Viva Land giới thiệu là khu biệt thực khép kín, riêng tư chỉ có 15 biệt thự theo kiến trúc Đông Dương Đương Đại (Modern French Indochina). Dự kiến, dự án sẽ được giới thiệu chính thức vào tháng 10/2022.
Dự án do Tập đoàn Tuần Châu làm chủ đầu tư, thực hiện từ năm 1997 trên tổng diện tích 618 ha, chia làm nhiều dự án thành phần. Cuối năm 2019, dự án được ubnd tỉnh Quảng Ninh cho phép mở rộng khu du lịch giải trí thêm hơn 1,000 ha, quy mô dân số 50,000 – 70,000 người, chia làm 7 tiểu khu, bổ sung các công trình dịch vụ hỗn hợp, khách sạn – căn hộ cao cấp, nhà hát Opera…
Tại dự án này, Viva Land thực hiện các sản phẩm biệt thự, biệt thự nghỉ dưỡng, shophouses, căn hộ, khách sạn – condotel…
Thông tin về dự án D4 BVD hiện chưa được Viva Land tiết lộ.
Theo Thu Minh/Fili
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/chan-dung-viva-land-dai-gia-moi-noi-trong-lang-thau-tom-dat-vang-a70262.html