Nhiều sản phẩm thiếu tem nhãn phụ, tem chống hàng giả, Hasaki nói gì?

Vừa qua, phóng viên Thương hiệu và Công luận “mục sở thị” tại một số cơ sở của Hasaki tại Hà Nội ghi nhận nhiều sản phẩm mỹ phẩm không có tem nhãn phụ Tiếng Việt, tem chống hàng giả… khiến người tiêu dùng lo lắng về nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá.

“Mục sở thị” nhiều hàng hoá không tem nhãn phụ Tiếng Việt, tem chống hàng giả

Trong bài viết Chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Hasaki: Nhiều sản phẩm thiếu tem nhãn phụ, tem chống hàng giả đăng tải trước đó, Thương hiệu và Công luận đã phản ánh thực trạng bày bán mỹ phẩm tại cửa hàng của Hasaki số 182 Cầu Giấy, P. Quan Hoa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội và số 169 Thái Hà, phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Hà Nội. Theo đó, có nhiều sản phẩm có đủ tem nhãn phụ Tiếng Việt, tem chống hàng giả, nhưng cũng có nhiều sản phẩm không có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định, tem chống hàng giả để người tiêu dùng nhận biết về hàng hoá.

Một số sản phẩm không có tem nhãn phụ phóng viên Thương hiệu và Công luận ghi nhận:

h18-1660712117-1661403229-1661417362.jpg
h20-1660712117-1661403249-1661417362.jpg
h212-1660713623-1661403249-1661417362.jpg
h164-1660712184-1661403249-1661417362.jpg
h24-1660712675-1661403249-1661417362.jpg
h567-1660712685-1661403249-1661417362.jpg
h1444-1660712118-1661403249-1661417362.jpg

Dư luận đặt ra câu hỏi, vậy tại sao có những sản phẩm có tem nhãn phụ đầy đủ, có tem chống hàng giả, nhưng lại có những sản phẩm không có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo đúng quy định, không có tem chống hàng giả? Phải chăng, nguồn gốc hàng hoá có sự khác nhau nên dẫn đến sự khác nhau này?

Theo tìm hiểu, cửa hàng mỹ phẩm Hasaki của Công ty cổ phần HASAKI BEAUTY & CLINIC có trang web là Hasaki.vn là hệ thống cửa hàng mỹ phẩm chính hãng và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp hơn 60 chi nhánh trên toàn quốc; và hiện đang là đối tác phân phối chiến lược tại thị trường Việt Nam của hàng loạt thương hiệu lớn như La Roche-Posay, Eucerin, L'oreal, Bioderma, Klairs, Naris Cosmetics, Maybelline, Vichy, Skin1004, Cocoon, Australis, Cetaphil, Anessa, Paula's Choice, Some By Mi, B.O.M, Vaseline, Sunplay,... Địa chỉ giao dịch của Công ty tại 71 Hoàng Hoa Thám, Phường 13, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, người đại diện là bà Phan Thị Ngọc Quyên.

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ tới hotline của Hasaki theo số 18006310 có trên website hasaki.vn, nhân viên trực hotline cho biết, không biết bộ phận nào để tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí, nên cho phóng viên email để gửi thông tin. Sau đó, phóng viên gửi email và mấy ngày sau không có hồi âm. Cuối cùng, phóng viên đã liên hệ đến facebook của Hasaki là Hasaki Beauty & Clinic thì nhận được phản hồi qua facebook nhưng không cho biết thông tin này phát ngôn từ ai, chức vụ là gì, có đại diện cho Hasaki không? Điều này thể hiện phong cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của Hasaki.

Sau khi Thương hiệu và Công luận đăng tải về thông tin này thì phía Hasaki có thông tin trả lời qua email tới phóng viên, người đại diện là bà Nguyễn Ngọc Trâm – Trưởng bộ phận pháp chế Công ty cổ phần Hasaki Beauty & Clinic.

Hasaki thừa nhận thiếu sót một số sản phẩm

Trong email phản hồi thông tin tới Thương hiệu và Công luận, bà Trâm cho biết: “Về tem nhãn phụ Tiếng Việt trên sản phẩm, Hasaki cam kết 100% các sản phẩm đang kinh doanh trong hệ thống đều là hàng chính hãng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có đầy đủ hồ sơ công bố mỹ phẩm. Đối với mặt hàng mini size thương hiệu Laneige, Mamonde, kích thước nhỏ nên dán tem phụ lên từng sản phẩm sẽ không đảm bảo người tiêu dùng có thể đọc bằng mắt thường. Để đáp ứng đúng quy định và thuận tiện hơn trong việc tra cứu thông tin của người tiêu dùng, tem nhãn phụ tiếng Việt đối với sản phẩm mini size được dán lên vỏ bọc bên ngoài sản phẩm. Khi nhập kho Hasaki có tháo vỏ bọc ra để có thể trưng bày sản phẩm trên kệ”.

“Đối với hàng thử (tester), tất cả sản phẩm đều có tem phụ dán trên vỏ bọc hoặc hộp sản phẩm. Khi Hasaki trưng bày mẫu thử cho khách thì buộc phải tháo sản phẩm ra khỏi bao bì. Khi tháo sản phẩm thử ra khỏi vỏ bọc hoặc hộp, Hasaki đều dán nhãn “tester” để phân biệt đây là hàng thử, không bán. Khi khách hàng thử sản phẩm và có nhu cầu mua hàng, khách hàng hoàn toàn có thể kiểm tra thông tin về nhãn phụ tiếng Việt sản phẩm được in đầy đủ và chi tiết trên sản phẩm full size. Nhưng để dễ dàng và thuận tiện hơn cho người tiêu dùng, Hasaki cũng sẽ yêu cầu nhà cung cấp in thêm nhãn phụ dán trên sản phẩm tester”, bà Trâm cho biết.

Đối với các sản phẩm của nhãn hàng Fixderma, bà Trâm phản hồi: “Trong bài viết có đề cập đến các sản phẩm gồm: Fixderma Shadow SPF 50+ Cream, Fixderma Non Drying Cleanser, Fixderma Cleovera Cream, Fixderma Salyzap, Fixderma Moisturizing Cream. Qua rà soát thực tế, tất cả các sản phẩm kể trên đều được dán tem phụ tiếng Việt dưới đáy hộp sản phẩm”.

Đối với sản phẩm mặt nạ giấy Naruko, đại diện Hasaki cho biết: “Quy cách đóng gói của sản phẩm là 01 hộp bao gồm 10 miếng mặt nạ và tem nhãn phụ tiếng Việt cũng được dán lên hộp sản phẩm, không dán riêng cho từng sản phẩm. Tương tự như đối với sản phẩm minisize, người tiêu dùng thông thường ít có nhu cầu mua cả một hộp bao gồm 10 mặt nạ. Do đó, Hasaki cũng tách riêng từng sản phẩm để khách hàng thuận tiện lựa chọn. Vỏ hộp sản phẩm với tem nhãn phụ tiếng Việt cũng được lưu giữ lại để tiện cho khách hàng tham khảo khi cần. Tuy nhiên, trên cơ sở tiếp thu ý kiến phản ánh từ Quý Tạp chí, chúng tôi cũng đang liên hệ với Nhà cung cấp để yêu cầu dán tem nhãn phụ tiếng Việt lên từng sản phẩm riêng lẻ”.

“Đối với sản phẩm miếng dán mụn Nexcare, Hasaki ghi nhận thông tin phản ánh về việc thiếu sót tem phụ trên một vài sản phẩm. Tuy nhiên, toàn bộ sản phẩm Nexcare đều được nhập khẩu và phân phối chính hãng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có đầy đủ hồ sơ công bố theo quy định pháp luật. Chúng tôi rất cảm ơn Quý Tạp chí đã thông tin kịp thời. Hasaki đã làm việc với Nhà cung cấp gửi tem phụ thiếu để dán lên sản phẩm”, đại diện Hasaki cho hay.

Về tem chống hàng giả, Hasaki phản hồi rằng: “Tem chống hàng giả do Trung tâm Kỹ thuật Tài liệu Nghiệp vụ - Bộ Công an cung cấp. Tem chống hàng giả chỉ là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp chống lại nạn hàng giả, hàng nhái. Hiện nay, không có bất kì cơ sở pháp lý nào quy định tem chống hàng giả là bắt buộc đối với sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu. Nhà nước khuyến khích nhưng không bắt buộc doanh nghiệp phải dán tem chống hàng giả lên tất cả các sản phẩm. Qua thông tin của báo chí, Hasaki cũng sẽ ra thông báo khuyến khích các nhà cung cấp nếu có thể được nên làm tem chống hàng giả để khách hàng yên tâm hơn”.

Về niêm yết giá sản phẩm, phía Hasaki cho biết, theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật Giá 2012: “Niêm yết giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Như vậy, ngoài cách niêm yết giá theo hình thức truyền thống bằng cách in, dán, ghi giá lên bao bì sản phẩm, pháp luật cho phép doanh nghiệp được niêm yết giá bằng hình thức khác.

Bà Trâm cho biết: “Tại hệ thống Hasaki, chúng tôi có thực hiện việc niêm yết giá bằng hình thức máy check giá sản phẩm. Máy check giá được đặt tại vị trí trung tâm của cửa hàng, có treo bảng hướng dẫn và có nhân viên hỗ trợ khách quét mã vạch để kiểm tra giá của tất cả sản phẩm bày bán tại cửa hàng”.

Về việc xuất hóa đơn Giá trị gia tăng, Hasaki luôn tuân thủ quy định pháp luật về thuế, 100% hàng hóa bán ra ở Hasaki đều được xuất hóa đơn giá trị gia tăng. Hiện Hasaki đã áp dụng quy định về hóa đơn điện tử và hạch toán toàn bộ hoạt động kinh doanh tại trụ sở chính. Hasaki cũng đã trình bày vấn đề này bằng Công văn gửi đến Chi cục thuế quận Bình Thạnh và được hướng dẫn thực hiện theo quy định tại điểm g khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP như sau:

“Đối với cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình hệ thống cửa hàng bán trực tiếp đến người tiêu dùng nhưng việc hạch toán toàn bộ hoạt động kinh doanh được thực hiện tại trụ sở chính (trụ sở chính trực tiếp ký hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ; hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ từng cửa hàng xuất cho khách hàng xuất qua hệ thống máy tính tiền của từng cửa hàng đứng tên trụ sở chính), hệ thống máy tính tiền kết nối với máy tính chưa đáp ứng điều kiện kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế, từng giao dịch bán hàng hóa, cung cấp đồ ăn uống có in Phiếu tính tiền cho khách hàng, dữ liệu Phiếu tính tiền có lưu trên hệ thống và khách hàng không có nhu cầu nhận hóa đơn điện tử thì cuối ngày cơ sở kinh doanh căn cứ thông tin từ Phiếu tính tiền để tổng hợp lập hóa đơn điện tử cho các giao dịch bán hàng hóa, cung cấp đồ ăn uống trong ngày, trường hợp khách hàng yêu cầu lập hóa đơn điện tử thì cơ sở kinh doanh lập hóa đơn điện tử giao cho khách hàng.”

Theo hướng dẫn trên, khi khách hàng thanh toán đơn hàng, Hasaki có cung cấp cho quý khách hàng đường link nhập thông tin để xuất hóa đơn như sau: Thông tin xuất hóa đơn VAT (hasaki.vn). Đường link này được cung cấp công khai ở ngay bên dưới mỗi hóa đơn bán lẻ, khi khách hàng có nhu cầu xuất hóa đơn, chỉ cần nhập đủ thông tin là có thể nhận được hóa đơn điện tử thông qua địa chỉ email mà khách hàng cung cấp. Đối với các khách hàng lẻ không có nhu cầu xuất hóa đơn, dựa trên dữ liệu Phiếu tính tiền, hóa đơn bán lẻ đã được lưu trên hệ thống, cuối ngày Hasaki sẽ tổng lập hóa đơn điện tử cho các giao dịch bán hàng trong ngày. Như vậy, 100% hàng hóa bán ra đều được xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không phân biệt khách hàng có nhu cầu xuất hóa đơn hay không, Hasaki đều đảm bảo xuất hóa đơn và nộp thuế theo đúng quy định pháp luật.

Với những phản hồi của Hasaki, có thể thấy thực tế có một số sản phẩm Hasaki thiếu sót chưa có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo như quy định và sau phản ánh của báo chí, Hasaki đang yêu cầu nhà cung cấp bổ sung cho đúng với quy định.  Cùng với đó là tem chống hàng giả trên các sản phẩm tại cửa hàng để khách hàng yên tâm hơn khi mua sắm.

Rõ ràng, việc sản phẩm không có tem nhãn phụ Tiếng Việt và tem chống hàng giả khiến người mua hàng hoài nghi về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng, bởi theo quy định là phải có tem nhãn phụ Tiếng Việt. Việc không tuân thủ quy định về nhãn hàng hoá một mặt khiến các cơ sở bị xử phạt theo quy định của pháp luật, mặt khác khiến khách hàng mất niềm tin vào thương hiệu của công ty đó.

Theo Trúc Mai – Hồng Nhung/THCL

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/nhieu-san-pham-thieu-tem-nhan-phu-tem-chong-hang-gia-hasaki-noi-gi-a70172.html