"Bí ẩn" Tập đoàn IPA và 3.300 tỷ đồng huy động từ trái phiếu “4 không”

Tập đoàn IPA đã huy động thành công 3.300 tỷ đồng trái phiếu “4 không” chỉ trong 11 tháng, số tiền này được cho là sẽ chấm dứt tình trạng “dở dang” tại một số dự án. Vậy, sự thực ra sao?

Theo đó, chỉ trong hơn 11 tháng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư I.P.A (gọi tắt là Tập đoàn IPA) đã huy động thành công 3.300 tỷ đồng trái phiếu “4 không” - không đảm bảo bằng tài sản, không phải khoản nợ thứ cấp, không kèm chứng quyền, không chuyển đổi.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm tới Tập đoàn này là Dự án Khu đô thị sinh thái Lũng Xuân cùng Dự án bất động sản trên nền đất trụ sở Công ty Ong Trung ương ở Hà Nội đã được cơ cấu mấy phần trong hàng nghìn tỷ này để chấm dứt tình trạng “dở dang”?

tap-doan-ipa-va-3300-ti-dong-huy-dong-tu-trai-phieu-4-khong-1-1653703478.jpg

Khu đất Trụ sở của Công ty Ong Trung ương, vốn là doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa vào năm 2007 với nhiệm vụ nuôi, nghiên cứu, chế biến, thương mại ong… và là công ty con của IPA (có tỷ lệ lợi ích hơn 83%, tỷ lệ quyền biểu quyết hơn 98%) . Ảnh: KN

Chi phí xây dựng dở dang tăng 1 triệu

Cụ thể, Tập đoàn IPA trở thành công ty đại chúng vào tháng 10/2010 (mã chứng khoán: IPA); hoạt động chính là đầu tư tài chính, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, kinh doanh bất động sản. Tập đoàn này có nhiều công ty con hoạt động kinh doanh bất động sản như: Công ty Bất động sản Anvie, Công ty Đầu tư Phát triển Lũng Xuân, Công ty Ong Trung ương, Công ty Đầu tư và Phát triển Nam Cần Thơ… và một số công ty liên kết, nổi bật nhất là Công ty Chứng khoán VNDIRECT.

Tại Công ty Đầu tư Phát triển Lũng Xuân (được giới thiệu có ngành nghề kinh doanh là đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái Lũng Xuân), IPA có tỷ lệ lợi ích là 72,64%, tỷ lệ biểu quyết là 98%. Một tài liệu do IPA phát hành thể hiện, Dự án khu sinh thái Lũng Xuân được tỉnh Hòa Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 29/2/2008 với tổng mức đầu tư hơn 448 tỷ đồng, diện tích quy hoạch 199,08 ha tại xã Tiến Xuân, huyện Lương Sơn. Đúng 3 tháng sau, xã Tiến Xuân chuyển về huyện Thạch Thất, Hà Nội theo Nghị quyết 15 ngày 29/5/2008 của Quốc Hội khóa XII.

Được biết, Báo cáo số 57/BC-HĐND ngày 17/7/2018 của HĐND TP Hà Nội cho biết, UBND huyện Thạch Thất cùng nhiều địa phương đã từng đề nghị UBND TP thu hồi các dự án sử dụng đất vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, không có khả năng thực hiện, chủ đầu tư không khắc phục vi phạm, không phù hợp quy hoạch. Riêng Thạch Thất đã đề nghị thu hồi 14 dự án có quyết định giao đất, cho thuê đất vào năm 2008 với lý do “thiếu năng lực tài chính, chậm giải phóng mặt bằng”. Trong danh sách này, không thấy tên dự án tại xã Tiến Xuân của Tập đoàn IPA.

Đáng chú ý, trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 của Tập đoàn IPA ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại Dự án Khu sinh thái Lũng Xuân vào thời điểm 31/12/2021 là hơn 5,417 tỷ đồng (tăng hơn 1 triệu đồng so với thời điểm 01/01/2021).

Liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại Dự án Tòa nhà văn phòng và trung tâm nghiên cứu giới thiệu sản phẩm ong (diện tích 5.361,4 m2 tại 19 Trúc Khê, Đống Đa, Hà Nội - vốn là trụ sở Công ty Ong Trung ương, tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước, được cổ phần hóa năm 2007) bắt đầu phát sinh số tiền 2,59 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 công bố cuối tháng 3/2022 cho thấy, tại thời điểm 31/12/2021, chi phí xây dựng dở dang tại Dự án Lũng Xuân lại là hơn 8,314 tỷ đồng và không còn xuất hiện thông tin tương tự về Dự án Tòa nhà văn phòng tại khu đất trụ sở Công ty Ong Trung ương?

tap-doan-ipa-va-3300-ti-dong-huy-dong-tu-trai-phieu-4-khong-2-1653703482.jpg

Thông tin "mập mờ" về dự án sinh thái Lũng Xuân trong Báo cáo tài chính hợp nhất. Ảnh: K.N

Hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu đi đâu?

Bảng cân đối kế toán hợp nhất thể hiện vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này tại ngày 31/12/2021 là hơn 3.733 tỷ đồng, trong khi đó nợ phải trả là hơn 4.668 tỷ đồng, riêng vay và nợ thuê tài chính dài hạn là hơn 3.588 tỷ đồng.

Cũng theo Báo cáo tài chính, trong năm 2021, IPA đã mua và bán lại trước hạn 10 triệu trái phiếu của Công ty Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam; mua và chuyển nhượng cho công ty liên kết là Công ty Chứng khoán VNDIRECT 10 triệu trái phiếu của Công ty Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1.

Đáng chú ý, IPA cũng đã mua và chuyển nhượng cho Công ty Dịch vụ và Đầu tư Trustlink các trái phiếu của Công ty Đầu tư phát triển bất động sản Thế kỷ (1,5 triệu trái phiếu), Công ty Tập đoàn Cienco 4 (2,5 triệu trái phiếu), Công ty Crystal Bay (1,5 triệu trái phiếu) và hơn 2 triệu trái phiếu của Công ty Năng lượng Bắc Hà (một công ty con của IPA)…

Cũng phải nhấn mạnh rằng, Trustlink chính là một “con nợ” lớn, lâu năm của IPA; một đối tác có nhiều hợp đồng vay vốn từ công ty mẹ, công ty con của IPA với số dư khoản cho vay tại thời điểm 31/12/2021 lên tới hơn 3 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty Năng lượng Bắc Hà cũng đã chuyển nhượng hơn 979.000 trái phiếu của Công ty Bất động sản Thế kỷ cho Công ty Dịch vụ và Đầu tư Trustlink.

Để phục vụ nhu cầu đầu tư, kinh doanh của mình, Trustlink đã vay của Bắc Hà số tiền rất lớn, số dư khoản vay tại thời điểm 31/12/2021 là hơn 1,3 nghìn tỷ đồng.

Theo thông tin phóng viên có được, trong năm 2021, Tập đoàn IPA đã 3 lần phát hành trái phiếu (vào các ngày 30/3, 15/11, 20/12) để thu về 2,3 nghìn tỷ đồng. Ngày 25/2/2022, tiếp tục huy động thành công 1 nghìn tỷ đồng trái phiếu không đảm bảo bằng tài sản với mục đích “bổ sung nguồn vốn để thực hiện các dự án đầu tư” như Nghị quyết của Hội đồng quản trị IPA ngày 24/2/2022 đã nêu với mức lãi suất phát hành là 9,5%/năm.

Đại lý đăng ký, lưu ký trái phiếu ban đầu; tổ chức tư vấn phát hành; đại lý phát hành và đại diện người sở hữu trái phiếu tiếp tục là Công ty Chứng khoán VNDIRECT - công ty con được Tập đoàn IPA đánh giá là “khoản đầu tư lớn nhất, hiệu quả nhất của IPA trong mảng dịch vụ tài chính” và đã “thu xếp vốn thành công cho IPA và các công ty con, công ty liên kết để triển khai các dự án năng lượng, bất động sản”.

Được biết, năm 2019, VNDIRECT đã từng mua lại toàn bộ 150 tỷ đồng trái phiếu do Tập đoàn IPA phát hành để phân phối cho khách hàng.

Không lâu sau đợt phát hành 1 nghìn tỷ trái phiếu của IPA, vào 7/3/2022, VNDIRECT cũng phát hành thành công 10 triệu trái phiếu không có tài sản đảm bảo, tương ứng tổng thu ròng gần 1 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số nợ sau đợt chào bán lên hơn 30,072 nghìn tỷ (riêng trái phiếu chưa đáo hạn là 2,25 nghìn tỷ đồng), trong khi đó, vốn chủ sở hữu là hơn 9,918 nghìn tỷ đồng (tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là hơn 3 lần).

Đáng chú ý, khi mời chào các nhà đầu tư, VNDIRECT khẳng định “tất cả trái phiếu Vbond đều có tài sản đảm bảo, tài sản đảm bảo này có giá trị cao hơn trái phiếu”.

Theo Nguyễn Giang/DĐDN

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/bi-an-tap-doan-ipa-va-3300-ty-dong-huy-dong-tu-trai-phieu-4-khong-a69548.html