San đồi, bạt núi trái phép: Lợi nhuận bạc tỷ, tiền phạt chỉ 5-50 triệu

Từ cuối năm 2021 đến nay, tình trạng “sốt đất” tại tỉnh Đắk Nông vẫn chưa hạ nhiệt khiến hàng loạt quả đồi, ngọn núi dọc QL14… bị san phẳng tạo mặt bằng để buôn bán, sang nhượng trái phép.

San đồi, bạt núi trái phép: Lợi nhuận bạc tỷ, tiền phạt chỉ 5-50 triệu
Toàn cảnh khu vực thác Cá Sấu bị san ủi trái phép.

Rất nhiều vụ việc san đồi, bạt núi xảy ra tại tỉnh Đắk Nông trong những tháng vừa qua, tuy nhiên hầu hết những vụ việc này khi bị phát hiện thì công việc san ủi đã gần như hoàn thành khiến dư luận dấy lên hoài nghi công tác quản lý đất đai của địa phương cấp cơ sở.

Trong thời gian vừa qua, tại khu vực thác Cá Sấu nằm giữa phường Nghĩa Tân và Nghĩa Trung (TP Gia Nghĩa) đang bị một số đối tượng ngang nhiên san đồi, phá núi, kè đá nắn suối, chiếm dòng thác để mở khu du lịch trái phép, gây bức xúc dư luận.

Theo ghi nhận của PV, toàn bộ khuôn viên của khu vực này đều bị tác động bởi bàn tay con người, hàng nghìn mét khối đất đá đã bị san ủi từ phần ta luy dương, đổ xuống ta luy âm để tạo mặt bằng và làm đường nội bộ.

Còn dọc suối Đắk Nông (khu vực thác đổ xuống), các đối tượng cũng đã làm kè bê tông, kè rọ đá kiên cố nhằm phục vụ cho khu du lịch chui này.

Hiện nay dù cơ quan chức năng đã ''tuýt còi'' nhưng các công trình vẫn tồn tại sừng sững như không có chuyện gì xảy ra.

Tại xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút đã và đang có rất nhiều quả đồi, ngọn núi bị san ủi bằng phẳng, thậm chí đã hình thành những khu nghỉ dưỡng trái phép ''ngay trước mắt'' cơ quan chức năng.

Tuy nhiên khi được phát hiện thì sự việc ''đã rồi'', cơ quan chức năng địa phương này cũng chỉ xử lý được một phần vi phạm.

San đồi, bạt núi trái phép: Lợi nhuận bạc tỷ, tiền phạt chỉ 5-50 triệu
Đường dẫn vào khu ''nghỉ dưỡng'' của ông Phạm Hà.

Đáng chú ý nhất là trường hợp của ông Phạm Hà, trú tại xã Cư ÊBur, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Ông Hà đã đổ một con đường thảm nhựa trái phép dài hơn 300m nối từ Quốc lộ 14 vào một quả đồi đã san ủi và phân lô, tách thửa.

Theo quan sát, trong khu vực quả đồi này, nhiều hạng mục như: cây xanh, đường nội bộ, ao hồ, nhà vườn… đang được chủ nhà đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm biến khu đất này thành khu “nghỉ dưỡng” cao cấp.

Trên đây là 2 trong hàng chục trường hợp mà PV đã tận mục sở thị, còn lại các địa phương có vị trí địa lý dọc theo Quốc lộ 14 từ huyện Cư Jút qua huyện Đắk Mil, huyện Đắk Song, Thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk R’Lấp, hoạt động san đồi, bạt núi diễn ra tràn lan. Thậm chí nhiều khu vực đã được cắm cọc phân lô.

 
San đồi, bạt núi trái phép: Lợi nhuận bạc tỷ, tiền phạt chỉ 5-50 triệu
Đất đã được san phẳng đóc cọc chia lô tại huyện Cư Jút.

Nói về tình trạng san đồi bạt núi đang diễn biến phức tạp trên địa bàn, ông Lê Trọng Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tình trạng san đồi, bạt núi, san lấp mặt bằng trái phép trên địa bàn đã nằm ở mức đáng báo động.

Ông Yên cũng cho rằng tình trạng trên có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm ở một số khu vực, vị trí sai phạm trải dài trên một số địa phương. Ngoài ra còn có hoạt động kinh doanh bất động sản, phân lô, tách thửa ở một số nơi còn thiếu minh bạch, chưa lành mạnh. Điều này dẫn tới việc nhà nước bị thất thu thuế, quy hoạch bị phá vỡ, làm cho thị trường bất động sản trở nên bất ổn và khó kiểm soát.

“UBND tỉnh Đắk Nông đang chỉ đạo xây dựng nghị quyết về thực thi công vụ từ lãnh đạo tỉnh cho tới tận cấp xã, phường, tổ dân phố. Đối với những địa bàn nóng về vi phạm, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đang chỉ đạo các sở ngành tham mưu để UBND tỉnh ra văn bản chấn chỉnh các họat động liên quan đến kinh doanh bất động sản, phân lô, tách thửa”, ông Yên khẳng định.

Còn ông Lê Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cho hay, hiện rất khó khăn và bất cập trong khâu xử lý vi phạm đối với hoạt động san đồi, bạt núi trái phép. Thứ nhất là mức phạt hiện nay đang còn rất thấp, tối đa ở cấp xã là 5 triệu đồng và ở cấp huyện chỉ là 50 triệu đồng. Trong khi đó, giá trị các thửa đất sau khi san lấp có thể đến hàng tỷ đồng, người vi phạm sẵn sàng vi phạm và nộp phạt.

“Việc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với việc san đồi, bạt núi là gần như không thể. Cơ quan chức năng cần nghiên cứu, sửa đổi để luật pháp áp dụng vào thực tiễn có hiệu quả, có tính răn đe”, ông Hoàng cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tú - Chủ tịch UBND huyện Cư Jút khẳng định, để xảy ra tình trạng san đồi, bạt núi, san lấp mặt bằng trái phép có trách nhiệm rất lớn của chính quyền cơ sở, huyện đang tập trung chấn chỉnh chính các địa phương để xảy ra vi phạm.

“Ngoài vấn đề xử lý đối với người vi phạm thì phải xem xét trách nhiệm ở dưới cấp xã, phường, thị trấn. Nếu như vi phạm xảy ra nhiều, phải xem trách nhiệm của cán bộ địa chính và kể cả lãnh đạo xã...”, ông Tú nói.

Theo tìm hiểu của PV, từ cuối năm ngoái đến nay, việc sốt đất ở Đắk Nông dù đã thúc phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tuy nhiên nó cũng kéo theo nhiều hệ luỵ đáng lo ngại.

Với việc giá đất tăng vùn vụt, nhiều đối tượng đã trục lợi bằng cách san đồi, bạt núi trái phép để phân lô, tách thửa làm phá vỡ quy hoạch, cảnh quan cũng như phá vỡ kết cấu tự nhiên của địa hình.

Để tình trạng này kéo dài, không thể phủ nhận sự yếu kém hoặc buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền địa phương, thậm chí có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm. Nếu chỉ trông vào trách nhiệm cấp xã thì tình hình không mấy lạc quan.

Đắk Nông: Phóng viên báo Tuổi trẻ bị đe dọa 'xin 1 cánh tay'Đắk Nông: Phóng viên báo Tuổi trẻ bị đe dọa 'xin 1 cánh tay'

Trong lúc đi tác nghiệp tại một khu du lịch xây dựng trái phép trên địa bàn TP Gia Nghĩa (Đắk Nông), phóng viên của báo Tuổi trẻ thường trú tại địa bàn đã bị đe dọa "xin 1 cánh tay".

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/san-doi-bat-nui-trai-phep-loi-nhuan-bac-ty-tien-phat-chi-5-50-trieu-a69291.html