Mới đây, Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) thông báo về việc bán đấu giá khoản nợ hơn 800 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị (CUD), chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng sân golf Đầm Vạc (tên thương mại Heron Lake Golf Course) và khu biệt thự nhà vườn Mậu Lâm Đầm Vạc (Times Garden Vĩnh Yên Residences), tỉnh Vĩnh Phúc để thu hồi nợ xấu.
Được biết, khoản nợ xấu của CUD tại OceanBank phát sinh theo hợp đồng tín dụng hạn mức số 01.01/099/HDTD-OJB ngày 7/8/2007. Tổng nghĩa vụ nợ tạm tính đến hết ngày 7/4/2022 là gần 808 tỷ đồng, trong đó nợ gốc chiếm 229,8 tỷ đồng, còn lại là tổng tiền lãi và phạt chậm nộp.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ của CUD là toàn bộ tài sản gắn liền với đất, đã và đang hoặc sẽ hình thành trong tương lai, bao gồm nhưng không giới hạn sân golf, công trình câu lạc bộ, công trình khách sạn 5 sao, hệ thống giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, khu bảo dưỡng sân golf, các công trình phụ trợ khác... gắn liền với diện tích đất 503.200m2 thuộc quyền sử dụng của CUD trong thời hạn đến ngày 3/2/2054 tại xã Thanh Trù, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng số AB 933710, số vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất T00129/QSDĐ/404/QĐ-UB ngày 3/2/2005 do UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp ngày 26/12/2006.
Khu đất nói trên được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp quyết định số 3349/QĐ-UB ngày 22/9/2004 về việc chấp thuận dự án đầu tư xây dựng sân golf Đầm Vạc và khu biệt thự, nhà vườn Mậu Lâm Đầm Vạc, thị xã Vĩnh Yên và quyết định số 499/QĐ-UBND ngày 18/2/2013 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 sân golf và khu biệt thự, nhà vườn Mậu Lâm Đầm Vạc, thành phố Vĩnh Yên (lần 1).
Giá khởi điểm đấu giá tài sản nói trên được OceanBank đưa ra là 807,9 tỷ đồng. Thời gian tổ chức đấu giá vào 10h ngày 7/4/2022 tại trụ sở Trung tâm, số 2 phố Quang Trung, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội.
Liên quan đến dự án đầu tư xây dựng sân golf Đầm Vạc, ngày 26/11/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cố 1946/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch sân golf đến năm 2020, theo đó dự án của CUD thuộc diện phải chia tách hoạt động sân golf độc lập với khu đô thị.
Vì vậy, CUD đã dùng các tài sản là sân golf góp vốn vào pháp nhân mới để vận hành, quản lý khai thác phần sân golf, với danh xưng Công ty Cổ phần Khu nghỉ dưỡng và Sân golf Đầm Vạc.
Sau khi pháp nhân mới thành lập vào cuối năm 2011, các cổ đông cũ và cổ đông mới tại CUD đã hoán đổi cổ phần sang Công ty Đầm Vạc, từ đó phát sinh một khoản công nợ phải thu từ các cổ đông hoán đổi chuyển sang cổ đông Công ty Đầm Vạc với số tiền 276,7 tỷ đồng.
OceanBank nhìn nhận, đây là vi phạm của CUD, do không thực hiện đúng nghĩa vụ của bên thế chấp. Vì thế Oceanbank đã yêu cầu doanh nghiệp trả lại nguyên trạng tài sản thế chấp, nhưng đến nay CUD vẫn chưa thực hiện được.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị thành lập ngày 16/4/2004, trụ sở chính ở thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tính đến cuối năm 2016, vốn điều lệ của CUD đứng ở mức 110 tỷ đồng, trong đó Công ty Cổ phần Tài chính và Đầu tư Gia Phát sở hữu 40,23% cổ phần, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị phố Wall là 13% cổ phần, Công ty Cổ phần Sao Phương Nam là 9,01% cổ phần, ông Lê Kiên Thành là 1,37% cổ phần, ông Nguyễn Bình Khiêm 6,26% cổ phần và 30,13% cổ phần còn lại thuộc về các cổ đông khác.
Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật trước thời điểm 19/8/2016 là ông Đỗ Vũ Diên (1975), sau này nhường ghế cho em trai là Đỗ Vũ Đạt (1984) đảm nhiệm. Được biết, ông Diên là đại gia có tiếng trên thương trường, người đứng sau hệ sinh thái My Way Group, một tập đoàn chuyên hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn.
Hiện ông Diên và ông Đạt đang đứng tên tại một số doanh nghiệp, chẳng hạn Công ty Cổ phần Ô tô Cửu Long Giang, Công ty Cổ phần Phát triển Khu kinh tế Móng Cái, Công ty Cổ phần Dịch vụ và Công nghệ Ô tô Sài Gòn, Công ty TNHH Hợp Nhất, Công ty Cổ phần Thực phẩm và Đồ uống My Way - Chi nhánh TP.HCM...
Quay lại với CUD, đến ngày 12/4/2021, chủ dự án sân golf Đầm Vạc tiếp tục có tổng giám đốc mới, là ông Lương Thành Bình (1969), quê gốc Vĩnh Phúc.
Theo số liệu VietnamFinance nắm được, những năm trở lại đây, tình hình làm ăn của CUD gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ chồng chất khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh âm vốn chủ sở hữu. Cụ thể, doanh nghiệp mới chỉ phát sinh doanh thu từ năm 2018 với 53,5 tỷ đồng nhưng khoản lỗ sau thuế nặng nề 14,7 tỷ đồng; sang năm 2019, doanh thu giảm mạnh chỉ còn 17,7 tỷ đồng và cũng vì thế, số lỗ nhẹ gánh hơn với 2,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý ở năm kế tiếp, doanh thu của CUD chứng kiến cú nhảy vọt lên 530 tỷ đồng, thế nhưng bởi kinh doanh dưới giá vốn, doanh nghiệp vẫn chưa thể có lãi, mà còn lỗ sâu nhất lịch sử hoạt động với hơn 28,4 tỷ đồng.
Sau khoảng thời gian làm ăn bết bát, vốn chủ sở hữu của CUD iên tục "bốc hơi". Thời điểm kết thúc năm 2020, các cổ đông tại đây chính thức mất sạch vốn góp, thậm chí còn âm thêm 30,2 tỷ đồng.
Điểm đáng lưu tâm, đó là nợ tài chính của CUD ở mức rất lớn, liên tục "phình to" suốt cả giai đoạn này, cụ thể là 1.071 tỷ đồng (năm 2017), 1.635 tỷ đồng (năm 2018), 1.652 tỷ đồng (năm 2019) và 2.196 tỷ đồng (năm 2020). Trong đó, khoản nợ xấu tại Oceanbank được xếp vào mục vay dài hạn, duy trì ở mức xấp xỉ 230 tỷ đồng các năm 2017-2020.
Một điểm kém khả quan nữa thể hiện chất lượng tài chính của CUD đang có vấn đề, đó là tại thời điểm 31/12/2020, nợ ngắn hạn đã bỏ xa tài sản ngắn hạn (1.708 tỷ đồng và 1.075 tỷ đồng) với chênh lệch trên 630 tỷ đồng, phản ánh khả năng thanh toán ngắn hạn của doanh nghiệp là rất kém. Tình trạng âm vốn chủ sở hữu, làm ăn bi đát kết hợp với diễn biến nợ xấu tại Oceanbank, có thể nói chủ dự án sân golf Đầm Vạc đang gặp vấn đề nghiêm trọng về khả năng hoạt động liên tục.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Khu nghỉ dưỡng và Sân golf Đầm Vạc (Công ty Đầm Vạc) cũng chẳng khá khẩm hơn, kết quả kinh doanh èo uột, chưa từng có lãi suốt giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, các khoản lỗ ròng lần lượt ở mức 18,6 tỷ đồng, 2,2 tỷ đồng, 2 tỷ đồng, 1,8 tỷ đồng, 28,2 tỷ đồng, tương ứng các năm.
Trong khi đó, doanh thu của Công ty Đầm Vạc duy trì ở ngưỡng 50 tỷ đồng hồi 2016-2018, tăng lên trên dưới 70 tỷ đồng ở hai năm kế tiếp. Tính đến hết năm 2020, doanh nghiệp có vốn điều lệ gần 392 tỷ đồng, song vốn chủ sở hữu chỉ đạt 206,6 tỷ đồng, nguyên nhân vẫn là bị các khoản thua lỗ "ăn mòn".
Nhóm cổ đông tại Công ty Đầm Vạc lên tới 17 thành viên, trong đó Công ty Cổ phần Tài chính và Đầu tư Gia Phát nắm giữ 42,19% vốn điều lệ, là cổ đông lớn nhất. Kế đó là ông Nguyễn Ngọc Toàn (sinh năm 1970), với tỷ lệ sở hữu 33,18% vốn, tương đương hơn 130 tỷ đồng. Còn lại phần lớn là các cổ đông cá nhân sinh sống tại Hà Nội, tỷ trọng lác đác chưa đầy 1% mỗi người. Ông Đỗ Vũ Diên vẫn tiếp tục góp mặt trong danh sách này.
Người đứng tên cho Công ty Đầm Vạc là Tổng giám đốc Vũ Duy Thành (1965). Ông thành cũng là cổ đông của Công ty Cổ phần Tài chính và Đầu tư Gia Phát và là một trong số nhân sự quan trọng của hệ sinh thái My Way Group, sẽ được VietnamFinance phác họa ở bài viết tiếp theo.
Theo Việt Anh/Vietnamfinance
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/thua-lo-den-trang-von-chu-du-an-san-golf-dam-vac-no-xau-hon-800-ty-dong-o-oceanbank-a69194.html