Lập lờ để doanh nghiệp chuyển nhượng dự án?
Theo hồ sơ chúng tôi có được, năm 2005, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Đặng Trần (Công ty Đặng Trần) nộp hồ sơ xin đầu tư xã hội hóa dự án xây dựng bệnh viện chăm sóc sức khỏe cho người dân thành phố trên khu đất có diện tích gần 30.000m2 ở phường Thạnh Mỹ Lợi và được UBND TPHCM chấp thuận.
Ngày 4/12/2006 Hội đồng thẩm định bồi thường thành phố đã có công văn gửi UBND TPHCM khẳng định rõ giá trị khu đất được tính là hơn 34 tỉ đồng. Tuy nhiên, trường hợp này được miễn tiền sử dụng đất theo Nghị định 198/2004 nên được trừ số tiền sử dụng đất hơn 9,2 tỉ đồng. Tổng số tiền mà công ty phải nộp vào ngân sách nhà nước chỉ khoảng 22,2 tỉ đồng. Ngày 18/12/2006, UBND TPHCM có Công văn số 9418/UBND chấp thuận theo ý kiến của Hội đồng thẩm định bồi thường thành phố.
Theo Sở Tài chính TPHCM, tiền công ty nộp cho ngân sách là một phần nghĩa vụ tài chính công ty phải thực hiện khi được giao khu đất đã giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật để thực hiện dự án, không phải là tiền sử dụng đất.
Như vậy, có thể thấy khu đất giao cho Công ty Đặng Trần làm bệnh viện là đất do Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất. Lẽ ra khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Đặng Trần, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thời kỳ đó phải ghi rõ trong giấy nguồn gốc đất là “Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, nhưng được miễn”. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, năm 2007, khi giải quyết cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Đặng Trần, Phòng Quản lý sử dụng đất (nay là phòng Quản lý đất thuộc Sở TN&MT TPHCM) đã tham mưu cấp giấy chứng nhận cho Công ty Đặng Trần chỉ ghi là “Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất”, không thực hiện đúng theo Công văn số 9418/UBND của UBND TPHCM.
Chính sự lập lờ này đã tạo điều kiện cho Công ty Việt Tín (đổi tên từ Công ty Đặng Trần) lợi dụng sơ hở lập Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất trị giá 105 tỷ đồng, thời hạn 47 năm với Công ty cổ phần Bệnh viện Ngọc Tâm. Đến tháng 7/2012, Công ty Việt Tín chuyển nhượng luôn quyền sử dụng khu đất trên cho Công ty Ngọc Tâm với số tiền 65 tỉ đồng.
Trong khi đó, theo điều 173 Luật Đất đai quy định: “Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất”.
Ngân hàng “bắt tay” với chủ đầu tư?
Sau khi được cấp sổ đỏ, Công ty Ngọc Tâm do ông Đặng Phước Dừa làm đại diện pháp luật thay vì xây dựng bệnh viện 500 giường như đề án trình các cơ quan chức năng thì mang dự án đi thế chấp ngân hàng.
Cụ thể, ngày 10/4/2014, Công ty Ngọc Tâm đã thế chấp quyền sử dụng đất dự án cho Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) – Chi nhánh Bình Thạnh với số tiền 150 tỉ đồng (hợp đồng thế chấp này còn dư nợ 100 tỉ đồng).
Đến ngày 1/11/2014, Công ty Ngọc Tâm tiếp tục thế chấp phần sử dụng đất dự án trên cho Ngân hàng Sacombank – Chi nhánh Bình Thạnh với số tiền 55 tỉ đồng.
Vẫn chưa dừng lại, ngày 9/5/2016, Công ty Ngọc Tâm tiếp tục thế chấp quyền sử dụng đất dự án cho Ngân hàng Sacombank – Chi nhánh Bình Thạnh với số tiền 68 tỉ đồng.
Như vậy, sau hơn 15 năm được Nhà nước giao khu đất sạch và được miễn tiền sử dụng đất, các đơn vị trên gần như không làm gì cả chỉ mang dự án đi “xào chẻ”, sang nhượng với giá trị hàng trăm tỉ đồng. Riêng Công ty Ngọc Tâm sau khi sang nhượng dự án thì cũng không cần làm gì cả, chỉ mang dự án đi thế chấp ngân hàng 3 lần đã bỏ túi 223 tỉ đồng.
Điều lạ là đơn vị duyệt cho vay – Ngân hàng Sacombank – Chi nhánh Bình Thạnh đã duyệt cho vay với tổng số tiền vượt cả vốn điều lệ của công ty. Theo tìm hiểu của chúng tôi, vốn điều lệ của Công ty Ngọc Tâm chỉ có 210 tỉ đồng. Hậu quả dẫn đến nợ xấu.
Bên cạnh đó, theo hồ sơ chúng tôi có được, cả 3 lần duyệt cho vay của Ngân hàng Sacombank đều có vấn đề.
Thứ nhất, việc duyệt cho vay của Ngân hàng Sacombank – Chi nhánh Bình Thạnh chưa căn cứ vào tình hình hoạt động kinh doanh và tài chính của đơn vị góp vốn khi đánh giá, tính để toán nguồn trả nợ và hoàn trả vốn góp cho cả 3 lần thế chấp dù dự án có hiệu quả hay không.
Thứ 2, không thu thập báo cáo tài chính, thẩm định tình hình tài chính mà chỉ căn cứ vào hợp đồng hợp tác kinh doanh hưởng lợi tức để xem xét và quyết định cho vay khi khách hàng không có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết là chưa thực hiện đúng Quyết định số 1627/2001 của Ngân hàng Nhà nước.
Thứ 3, thời điểm thẩm định cho Công ty Ngọc Tâm vay theo phương án góp vốn đầu tư dự án. Trong khi giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty Ngọc Tâm không đăng ký hoạt động góp vốn đầu tư dự án.
Thứ 4, Thẩm định nguồn trả nợ căn cứ lợi tức và hoàn trả vốn góp được thỏa thuận tại hợp đồng hợp tác, nhưng việc đánh giá chưa căn cứ vào tình hình hoạt động kinh doanh và tài chính của đơn vị góp vốn và chưa căn cứ vào hiệu quả hoạt động cụ thể của phương án hợp tác là chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ.
Thứ 5, Ngân hàng Sacombank – Chi nhánh Bình Thạnh có kiểm tra, giám sát vốn vay định kỳ đối với các khoản vay của Công ty Ngọc Tâm, nhưng việc kiểm tra chỉ nhằm hợp thức hóa công tác kiểm tra.
Từ những sai sót trên, Thanh tra TP kiến nghị Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TPHCM có biện pháp kiểm tra, xử lý đối với những dấu hiệu sai phạm của Ngân hàng Sacombank – Chi nhánh Bình Thạnh.
Có tiền góp vốn vào dự án bất động sản, không có tiền xây bệnh viện? Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi vay của Ngân hàng Sacombank – Chi nhánh Bình Thạnh được 150 tỉ đồng vào ngày 10/4/2014 thì ông Đặng Phước Dừa – Chủ tịch HĐQT Công ty Ngọc Tâm thay vì mang số tiền trên đi xây bệnh viện thì đã mang số tiền góp vốn vào Công ty TNHH Đầu tư Phú Việt Tín để đầu tư dự án A1-C1-Khu đô thị Dầu Giây tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Đồng thời đề cử bà Đặng Phước Thủy Tiên làm người đại diện góp vốn của công ty, thay mặt công ty ký kết các hợp đồng liên quan đến góp vốn, nhận lợi tức và rút vốn góp. Việc này đã được ông Dừa thông tin cho Ngân hàng Sacombank – Chi nhánh Bình Thạnh biết. Và sau này khi thị trường bất động sản Đồng Nai đã tăng giá cao gấp nhiều lần nhưng không hiểu sao phía Công ty Ngọc Tâm vẫn “ngâm” gói tín dụng thành nợ xấu. |
Lãnh đạo Sacombank bị tố lợi dụng chức vụ quyền hạn trục lợi Bên cạnh những bất thường trong việc cho vay giữa Công ty Ngọc Tâm và Ngân hàng Sacombank – Chi nhánh Bình Thạnh, ông L. (ở quận 8) đã tố cáo lãnh đạo Ngân hàng Sacombank lợi dụng quyền hạn miễn giảm lãi trong công tác xử lý nợ cho khoản vay quá hạn trên là 50 tỉ đồng với điều kiện Công ty Ngọc Tâm ủy quyền cho Sacombank làm đại diện bán cổ phần của công ty ra bên ngoài với giá 650 tỉ đồng nhưng thực chất Tổng Giám đốc Sacombank sẽ thu xếp bán cho khách hàng với giá 750 tỉ đồng. Người tố cáo cho rằng phần chênh 100 tỉ đồng này lãnh đạo ngân hàng đã hưởng lợi. Vụ việc tố cáo hiện vẫn chưa rõ đúng sai và đã được Công an TPHCM chuyển đến Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM xem xét xử lý. |
Theo Hùng Phan/PN
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/vu-lay-dat-benh-vien-ban-the-chap-ngan-hang-co-cau-ket-truc-loi-a69169.html