Sau một thời gian tạm lắng, việc phân lô làm đường trên đất nông nghiệp kiểu Alibaba lại tái xuất ở thành phố đảo Phú Quốc, mới đây, Thành uỷ TP Phú Quốc đã có thông báo ý kiến kết luận của Ban Thường vụ Thành uỷ về việc xin chủ trương thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn thành phố Phú Quốc.
Cụ thể, trong phiên họp ngày 21/2/2022 của Ban Thường vụ Thành uỷ đã cho ý kiến tờ trính số 02/TTr-UBND ngày 5/1/2022 về việc xin chủ trương thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình và cá nhân trên địa bạn thành phố Phú Quốc. Theo đó, Ban Thường vụ Thành uỷ thống nhất cho chủ trương về hạn mức diện tích chuyển mục đích sử dụng sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân: đối với đất ở tại nông thôn mỗi hộ gia đình không quá 400m2; đối với đất ở tại đô thị mỗi hộ gia đình không quá 300m2.
Riêng đối với trường hợp các thửa đất không thể hiện đường đi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì không cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở.
Như vậy, việc phân lô tách thửa trên địa bàn thành phố Phú Quốc sẽ được siết chặt hơn. Tuy nhiên, câu chuyện phân lô, bán nền, làm đường trên đất nông nghiệp kiểu Alibaba ở Phú Quốc dù đã cảnh báo nhiều lần, nhưng vẫn có nhiều khách hàng dính "bẫy".
Như Reatimes đã thông tin cảnh báo trong bài Phú Quốc tái xuất dự án ma kiểu Alibaba, trên một số diễn đàn, website về bất động sản, nhiều khu đất gắn mác dự án tại Phú Quốc được rao bán rầm rộ, công khai. Khi hỏi về pháp lý của những lô đất này, môi giới nói rằng, dự án đều có sổ riêng từng nền, đất trên sổ là đất trồng cây lâu năm. Tuy nhiên, Phú Quốc đang tạm ngưng cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp lên thổ cư. Do vậy, nếu muốn chuyển lên thổ cư, người mua phải chờ đến khi Phú Quốc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Theo Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, đất do cá nhân, hộ gia đình được cấp sổ, chỉ được chuyển mục đích sử dụng đất (từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở) khi UBND huyện chấp thuận và phải nộp tiền sử dụng đất. Những lô đất này chỉ được giao dịch hợp pháp khi được cấp sổ cho từng thửa và phải được công chứng hoặc chứng thực tại đơn vị công chứng, UBND huyện.
Điều hết sức lưu ý là có nhiều thửa đất nông nghiệp hiện nay được hứa hẹn sẽ chuyển mục đích được sang thổ cư, nhưng trên sổ đỏ không có mặt tiền đường, nên không đáp ứng điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Những khu đất này được "xây lụi" đường bê tông trái phép, trên đất nông nghiệp, nếu không xem xét kỹ, người mua sẽ bị lừa.
“Nếu vì lợi nhuận trong việc lướt sóng mà bất chấp giao dịch không đúng pháp luật, thì khách hàng có nhiều nguy cơ bị mất trắng tiền như vụ việc Công ty Địa ốc Alibaba và nhiều vụ khởi tố cá nhân lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian gần đây”, Luật sư Phượng nói.
Đáng chú ý, trước tình hình vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai diễn biến phức tạp, UBND TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã nhiều lần phát đi khuyến cáo các tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn.
Theo UBND TP Phú Quốc, việc chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người sử dụng đất như điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở; điều kiện phát triển hạ tầng, quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của khu vực.
TP Phú Quốc còn có nguy cơ hình thành các khu dân cư tự phát không được cấp thẩm quyền phê duyệt, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái quy định pháp luật gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, kể từ khi Phú Quốc trở thành thành phố, tình hình giao dịch biến động về quyền sử dụng đất có chiều hướng tăng cao.
Lãnh đạo TP Phú Quốc cho biết, để xảy ra tình trạng này, bên cạnh các nguyên nhân khách quan, có một số nguyên nhân chủ quan làm cho tình hình vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng ở đây gia tăng, diễn biến phức tạp. Đó là công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng của chính quyền địa phương từng lúc, từng nơi còn thiếu kiên quyết, thiếu kiểm tra, chưa chủ động trong việc phát hiện, xử lý, ngăn chặn vi phạm. Điều này dẫn đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định, xây dựng nhà ở, công trình trái phép nhưng không được kiểm tra, xử lý kịp thời.
Thời gian qua, UBND TP Phú Quốc đã liên tục chỉ đạo các cấp, các ngành như Thanh tra, Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng với Công an huyện và các ngành chức năng, các xã, thị trấn, Vườn Quốc gia Phú Quốc tăng cường kiểm tra xử lý, nhưng làm không xuể. Công tác này có những lúc, những nơi chưa được đẩy lùi, ngăn chặn triệt để, vẫn còn tình trạng bao chiếm, lấn chiếm đất xây dựng, mua bán, sang nhượng trái phép trên địa bàn đảo.
Do vậy, lãnh đạo UBND TP Phú Quốc nói rằng, sẽ mở những đợt cao điểm và chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành chức năng quản lý tốt đất đai, đặc biệt là đất Nhà nước quản lý, vấn đề xây dựng, quản lý quy hoạch.
Trong khi đó, Sở Xây dựng Kiên Giang cũng cho biết, sẽ kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm triệt để các hành vi vi phạm, kiên quyết phá dỡ đối với các công trình phân lô, tách thửa, san lấp cát để xây dựng các khu dân cư tự phát, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên đất nông nghiệp và việc xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, đồng thời xử lý nghiêm việc vi phạm các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Theo Hiếu CT/Reatimes
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/co-quan-ngon-luan-cua-hiep-hoi-bds-viet-nam-a69020.html