Toạ đàm Quốc tế: “Trà Việt và văn hoá Trà Việt: Bản sắc & Hội nhập”

Tọa đàm Quốc tế: “Trà Việt và Văn hóa Trà Việt Nam: Bản sắc & Hội nhập” vào chiều ngày 22/12 tại Kỳ Trà Quán (TPHCM) mang đến cho hơn 30 đại biểu khách mời là Tổng lãnh sự, Doanh nghiệp trong và ngoài nước cái nhìn đầy đủ và toàn diện về bản sắc Trà Việt Nam trong cộng đồng ASEAN.

Hoạt động này do Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN (CAHRRT), Trường ĐH KHXH & NV - ĐHQG HCM (USSH-HCM) phối hợp cùng Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á,  Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị TP HCM  tổ chức; với sự tham dự của hơn 30 đại biểu là đại diện các Lãnh sự quán các nước ASEAn, các cơ quan và ban ngành tại TPHCM và Việt Nam.

3-1640321527.jpg
Bà. Tina Christina Medina Dela Cruz - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Philippines tại Việt Nam đã chia sẻ góc nhìn về Trà qua bài tham luận “Trà Việt với cộng đồng Philippines tại TP.HCM”

Theo PGS. TS Phan Thị Hồng Xuân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực ASEAN kiêm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á TP đã nhấn mạnh về ý nghĩa buổi Tọa đàm Quốc tế “Trà Việt và Văn hóa Trà Việt Nam: Bản sắc & Hội nhập” như là dịp nhằm quảng bá giới thiệu Trà Việt và văn hóa trà Việt đến các Tổng lãnh sự và những người bạn ASEAN đang sinh sống và làm việc tại TPHCM.

4-1640321528.jpg
Bà Đoàn Thị Hiếu Thảo - Giám đốc Cty Trà Cổ Thụ Tây Bắc trình diễn cách thức pha trà

PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân cho rằng: “Tọa đàm Quốc tế về Trà Việt & Văn hóa Trà Việt Nam còn để định vị về bản sắc văn hóa Trà Việt Nam trong cộng đồng các nước ASEAN. Từ đó giúp bạn bè các nước Đông Nam Á hiểu hơn về một góc nhìn trong bản sắc văn hóa Việt Nam – Trà. Chính Trà & văn hóa Trà Việt đã từ lâu mặc nhiên trở thành một bản sắc văn hóa của người Việt Nam. Và Trà là bản sắc văn hóa Việt trong cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á”.

5-1640321528.jpg
Trích đoạn cải lương “Vị trà Hồn nước” của Tác giả Hồ Nhựt Quang

Cùng quan điểm với PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân, Nhà nghiên cứu Hồ Nhựt Quang, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghiên cứu và Vinh danh văn hóa Nam bộ cũng khẳng định được đã định vị được giá trị Trà Việt trong văn hóa Việt Nam với những câu chuyện về Trà khá hữu ích. Từ đó cho thấy bức tranh tổng thể về nguồn gốc cũng như những bài học đúc kết thể hiện qua văn hóa thưởng Trà.

Theo Nhà nghiên cứu Hồ Nhựt Quang, từ xa xưa, Trà đã trở thành nguồn cảm hứng cho thi ca, hội họa và đi vào phong tục, tập quán, lễ nghi ở nhiều quốc gia với cách ứng dụng và hiển thị đa chiều. Nhiều nguồn lịch sử đã chứng minh nguồn gốc của trà được các thầy thuốc Đông Y tìm ra đầu tiên nhằm mục đích chữa bệnh, sau đó đã được các nhà sư dùng làm thức uống phổ biến trong chùa, tu viện và dần dần lan tỏa đến mọi người từ cung đình đến bình dân. Và tại Việt Nam, văn hóa trà trở thành triết lý về nhân cách, là cầu nối thắt chặt tình cảm con người với con người, là yếu tố tâm linh của quá khứ- hiện tại- tương lai, là hương vị kết giao cảm xúc giữa con người với thiên nhiên, đánh thức ký ức nguồn cội.

6-1640321526.jpg
Các vị đại biểu khách mời tham dự Tọa đàm Quốc tế về Trà

Bà Tina Christina Medina Dela Cruz - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Philippines tại Việt Nam đã mang đến một chia sẻ góc nhìn khác về về Trà Việt Nam trong mắt người Philippines qua bài tham luận “Trà Việt với cộng đồng Philippines tại TP HCM”. Qua đó có thể thấy nét đẹp Văn hóa Trà Việt không chỉ dành cho người Việt mà ngày nay với bối cảnh hội nhập quốc tế thì Văn hóa truyền thống Việt Nam, cụ thể là văn hóa uống trà đã lan tỏa trong cộng đồng Philippines nói riêng, cộng đồng ASEAN nói chung. Bà Tina cũng thể hiện mong muốn: “Tôi đang mong chờ ngày mà tất cả chúng ta có thể chiến thắng đại dịch để chúng ta có thể tăng cường sự hợp tác giữa nông dân, các nhà lãnh đạo và các doanh nghiệp hai nước để nâng cao vai trò và vị trí của ngành Chè….”.

7-1640321526.jpg
TS. Phan Thanh Định, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH và NVĐHQG – HCMBà Trần Hoàng Khánh Vân – Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM

“Tọa đàm lần này dù chỉ được tổ chức trong không gian khiêm tốn tại Kỳ Trà Quán nhưng ấm áp và thắm tình hữu nghị. Ở đó và qua đó, bạn bè quốc tế sẽ hiểu thêm về Việt Nam có một nên văn hóa Trà. Đây có thể là bước đệm để định vị Trà Việt ra thế giới. Và với nhiều tâm huyết và ấm ủ, nhiều hoạt động về Trà không chỉ dừng lại ở Tọa đàm, Hội thảo mà nhân rộng bằng những Hội chợ, giao thương, quảng bá, xúc tiến,.... cho Trà Việt”, PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân nói thêm.

Bên cạnh những chia sẻ từ các diễn giả, khách mời tham dự chương trình còn được nghe chia sẻ về nguồn gốc của trà cổ thụ vùng Tây Bắc và xem biểu diễn cách thức pha trà từ Bà Đoàn Thị Hiếu Thảo- Giám đốc Công ty Trà Cổ Thụ Tây Bắc.

Cũng tại không gian của Kỳ Trà Quán, khách mời được tiếp cận với rất nhiều vật dụng pha trà, tư liệu sách báo viết về trà, tìm hiểu nghệ thuật viết thư pháp tiếng Anh- Việt mang nội dung văn hóa trà sâu sắc,… được thưởng thức các tiết mục biểu diễn Đờn ca tài tử và cải lương truyền thống với chặp cải lương về Hải Thượng Lãn Ông mang tên Vị trà hồn nước do các nghệ sỹ đến từ CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn Hóa Nam bộ biểu diễn.

Trần Phượng

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/toa-dam-quoc-te-tra-viet-va-van-hoa-tra-viet-ban-sac-hoi-nhap-a68788.html