Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) vừa có văn bản đồng ý với đề xuất của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về việc tạm thời dùng nguồn tiền của DN để trả nợ cho nhà thầu dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.
VEC chịu trách nhiệm về sử dụng tiền nhàn rỗi
tại công văn này, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, cho rằng: Việc VEC đề xuất tạm sử dụng khoản tiền 492 tỉ đồng từ nguồn thu phí bốn tuyến cao tốc do VEC làm chủ đầu tư (chưa đến hạn trả nợ các khoản vay) để thanh toán cho các nhà thầu Nhật Bản tại dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là cần thiết và phù hợp. Bốn dự án này gồm các tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Phương án trên của VEC cũng đáp ứng được việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả, không phát sinh khiếu kiện, tránh tăng tổng mức đầu tư của dự án, gây thiệt hại cho VEC và nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đặc biệt, việc trả nợ này sẽ không ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ Việt Nam đối với nhà tài trợ.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cũng yêu cầu Hội đồng thành viên VEC tiếp thu ý kiến của Bộ GTVT, Bộ Tài chính và kiểm soát viên VEC, nghiên cứu thực hiện ban hành Quy chế quản lý tài chính của VEC. Quy chế này dựa trên nguyên tắc DN tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật; quyết định việc tạm sử dụng khoản tiền nhàn rỗi của VEC để thanh toán cho các nhà thầu Nhật Bản đối với khối lượng đã nghiệm thu.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cũng đề nghị các đơn vị liên quan giám sát VEC rà soát, đánh giá phương án tài chính để đảm bảo khả năng trả nợ, trong đó có các khoản nợ vay lại vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
Thoát cảnh bị khởi kiện
Từ giữa năm 2020 đến nay, các nhà thầu Nhật Bản yêu cầu VEC thanh toán khối lượng hoàn thành và chi phí phát sinh của cao tốc Bến Lức - Long Thành. Theo đó, tính đến tháng 4-2021, khoản tiền VEC phải thanh toán là khoảng 33 triệu USD. Tuy nhiên, do những vướng mắc về cơ chế vốn vay nước ngoài nên VEC không có tiền để thanh toán cho nhà thầu.
Ba gói thầu xây lắp của dự án này sử dụng vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vướng mắc lớn nhất tập trung vào gói thầu J3. Đây là gói thầu xây lắp có giá trị rất lớn với số vốn 3.558 tỉ đồng, do liên danh Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) - Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO 4 (Việt Nam) thi công. Hạng mục chính của gói thầu là cầu dây văng Phước Khánh.
Theo kế hoạch, gói thầu J3 có thời gian thực hiện là 42 tháng, bắt đầu từ ngày 4-2-2016. Đến tháng 9-2019, nhà thầu dừng thi công do không được thanh toán tiền. Đồng thời, nhà thầu có thư yêu cầu chấm dứt hợp đồng và dự kiến khởi kiện VEC ra Trung tâm Trọng tài quốc tế (SIAC).
Lo ngại sự việc trên làm kéo dài thời gian hoàn thành, VEC kiến nghị Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN sử dụng nguồn thu phí, các khoản tiền nhàn rỗi để thanh toán ngay cho các nhà thầu Nhật Bản. Đây là phương án trước mắt trong lúc chờ Bộ Chính trị thông qua chủ trương chuyển đổi vốn vay để cho vay lại, bảo lãnh chính phủ cấp phát ngân sách nhà nước đối với các dự án đang vướng mắc của VEC.
Trong văn bản gửi đi ngày 7-10, Bộ GTVT đánh giá việc các gói thầu nêu trên không tiếp tục thực hiện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thời điểm hoàn thành của dự án (Thủ tướng gia hạn đến cuối năm 2023). Đồng thời tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến quyết tâm hoàn thành dự án của các nhà thầu khác… Do đó, VEC kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN xem xét đề xuất của đơn vị.
Còn Bộ Tài chính cho rằng nếu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN chấp thuận phương án của VEC phải yêu cầu DN này rà soát phương án tài chính. VEC phải đảm bảo khi trả nợ cho nhà thầu, đơn vị này vẫn hoàn thành các khoản nợ khác đang vay.
Về vấn đề này, đại diện VEC khẳng định việc tạm sử dụng nguồn tiền trên không ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngắn hạn của VEC.•
|
Theo Viết Long/Pháp Luật
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/muon-tien-4-du-an-tra-no-cho-cao-toc-ben-luc-long-thanh-a68638.html