Xử lý đối tượng gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường bất động sản

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, minh bạch về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lộ trình triển khai các dự án; phát hiện và xử lý triệt để các đối tượng đưa tin sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về định hướng công tác quản lý, điều hành giá trong các tháng còn lại của năm 2021 và dự kiến cho năm 2022.

Phó Thủ tướng yêu cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá tiếp tục giữ ổn định giá để bảo đảm công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, cần chủ động các phương án để có thể điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ khi điều kiện cho phép (xây dựng các quy định, định mức kinh tế - kỹ thuật, các phương án thực hiện...). Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các dịch vụ công theo đúng Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021.

1-1635902492.jpg

(Ảnh minh họa)

Mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới; đồng thời tính toán mức trích lập và chi sử dụng quỹ BOG phù hợp để tạo dư địa cho công tác điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán và tạo đà kiểm soát giá năm 2022; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và công khai minh bạch trong điều hành giá.

Mặt hàng điện, Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra giá mặt hàng sản xuất điện để thực hiện công khai minh bạch về giá điện, bên cạnh đó tiếp tục đánh giá kỹ các chi phí đầu vào, kế hoạch cung cấp điện, chi phí dự kiến và các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện để xây dựng phương án điều chỉnh giá điện theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTG ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bản lẻ điện bình quân, nhất là dự kiến cho năm 2022; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về giảm giá điện, tiền sử dụng điện, nắm bắt và xử lý kịp thời những vướng mắc trong khâu thực hiện.

Đối với giá thịt lợn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương tiếp tục theo dõi sát, chặt chẽ diễn biến tình hình thị trường, cung, cầu và giá mặt hàng thịt lợn, đặc biệt là trong các thời điểm cuối năm, cận Tết Nguyên đán để tránh tình trạng giá có biến động đột biến khi nguồn cung gián đoạn từ việc tái đàn; nghiên cứu có giải pháp quản lý theo chuỗi từ khâu giết mổ, trong khâu lưu thông, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ chăn nuôi, tính toán nguồn cung lâu dài, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm pháp luật về giá.

Đối với các mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trong hoạt động kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có các giải pháp để dần thay thế nhập khẩu bằng nguyên liệu sản xuất trong nước; chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động đàm phán với các nước mà Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón để có chính sách ưu đãi về giá, ưu tiên đáp ứng đủ số lượng và bảo đảm chất lượng; theo dõi, nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa để không ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước và kim ngạch xuất nhập khẩu.

Về vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương chủ động nghiên cứu một số giải pháp nhằm giám sát hoạt động khai thác, sản xuất, đẩy mạnh kiểm tra xử lý các trường hợp lợi dùng đầu cơ tăng giá bất hợp lý. Trường hợp cần thiết nghiên cứu báo cáo Chính phủ sửa đổi bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để tạo thuận lợi cho hoạt động này, kiểm soát giá để không ảnh hưởng đến các dự án đầu tư xây dựng tại địa phương.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh thực hiện công tác giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công (giá nước sạch...). Tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động có kế hoạch hoặc lồng ghép vào các kế hoạch, nhiệm vụ chuyên môn để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng đất, đá, cát, sỏi và các vật liệu xây dựng khác. Hỗ trợ sản xuất và lưu thông tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của người dân trong địa bàn. Cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, minh bạch về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lộ trình triển khai các dự án; phát hiện và xử lý triệt để các đối tượng đưa tin sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trên địa bàn đặc biệt là tại các địa bàn xảy ra thiên tai, bão lũ, sạt lở đất.

Theo An Nhiên/TCDN

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/xu-ly-doi-tuong-gay-anh-huong-tieu-cuc-toi-thi-truong-bat-dong-san-a68542.html