Công ty con bán, Tập đoàn bị vạ lây
Mới đây, một khách hàng tên M.S - chủ nhân của 2 căn hộ tại dự án Opal Skyline (phường Lái Thiêu, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) do Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An làm chủ đầu tư, đã lên tiếng tố cáo Đất Xanh Group có dấu hiệu gian dối trong việc ký kết Hợp đồng mua bán và thu tiền theo tiến độ.
Theo khách hàng, thời gian mà phía Công ty Hà An được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai là ngày 11/8/2021. Tuy nhiên, thời gian này cả TP.HCM đang diễn ra dịch bệnh Covid-19 và áp dụng lệnh giãn cách theo chỉ thị của Chính phủ. Trong khi đó, phía Công ty Hà An cũng trễ hẹn gửi Hợp đồng mua bán đến tay khách hàng. Cụ thể, đến đầu tháng 10 khách hàng tên M.S mới nhận được Hợp đồng mua bán từ phía Công ty Hà An.
Tuy nhiên, trong suốt thời gian từ 11/8, phía chủ đầu tư Opal Skyline liên tục gửi Email thông báo về nội dung các căn hộ của khách hàng tên M.B đã ký hợp đồng mua bán và yêu cầu khách hàng phải đóng tiền các đợt tiếp theo. Liên tiếp sau đó là những Email giục khách hàng đóng tiền, nếu khách hàng chậm trễ sẽ bị phạt thanh toán theo thỏa thuận đã ký.
“Đến đầu tháng 10 tôi mới nhận được hợp đồng mua bán và ký để gửi lại cho chủ đầu tư. Thế nhưng khi hoàn trả lại hợp đồng có mộc đỏ thì công ty lại ký lùi ngày tới 2 tháng (tức 11/8) so với ngày chính xác mà tôi được nhận hợp đồng có mộc đỏ là 20/10/2021. Chưa hết họ còn gửi email yêu cầu tôi thanh toán liên tiếp các đợt sau kể từ ngày 11/8, tức là nếu theo thời gian theo hợp đồng mà họ ký lùi thì tôi phải thanh toán liên tiếp 3 đợt. Như vậy rõ ràng chủ đầu tư có sự gian dối. Trong khi đó tôi bức xúc nhiều lần gọi đến số chăm sóc khách hàng của công ty thì không một ai nhấc máy, nhiều email gửi đi cũng không có phản hồi”, vị khách hàng bức xúc.
Ngoài ra, anh M.S cũng khẳng định đây sẽ là lần cuối cùng mua dự án của Đất Xanh Group. “Một doanh nghiệp lớn tiếng tăm mà làm ăn chụp giật, gian dối, ép khách hàng thì tôi sẽ không bao giờ mua sản phẩm thêm một lần nữa. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều khách hàng khác cũng gặp tình cảnh tương tự như vậy sau khi mua dự án Opal Skyline. Thời gian qua dịch bệnh ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, nếu là chủ đầu tư có tâm thì sẽ nới lỏng tiến độ thanh toán để hỗ trợ khách hàng, nhưng Đất Xanh và Hà An thì bất chấp lệnh giới nghiêm vẫn gửi email liên tục hối khách hàng ký hợp đồng và đóng tiền, trong khi đó hợp đồng gửi trễ tận 2 tháng liền. Hiện tại họ vẫn tiếp tục gửi mail giục khách hàng thanh toán các đợt tiếp theo thì mới cho chuyển nhượng là phi lý hết sức”, vị khách hàng nói thêm.
Liên quan đến lùm xùm nói trên, theo đại diện truyền thông của Đất Xanh Group, dự án này của Công ty Hà An nên mọi vấn đề sẽ làm việc với công ty con. Như vậy phải chăng khách hàng đang trách nhầm Đất Xanh Group, bởi chủ đầu tư thật sự của dự án Opal Skyline là Công ty Hà An.
Hà An và loạt lùm xùm không có hồi kết
Cũng liên quan đến Công ty Hà An, trước đó vào đầu năm 2020, nhiều khách hàng mua dự án Opal Boulevard (khu căn hộ - thương mại dịch vụ cao tầng tại đường Kha Vạn Cân, phường An Bình, TX. Dĩ An, Bình Dương) cũng tố chủ đầu tư Hà An ký sai nhiều điều khoản so với “Hợp đồng mẫu” được duyệt. Trong khi đó, phía Công ty Hà An lại đổ lỗi tại khách hàng.
Phản hồi về vấn đề này đến Reatimes, Công ty Hà An cho biết, khi nhận được yêu cầu ký hợp đồng theo "HĐMB mẫu" do Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã duyệt, công ty Hà An chấp nhận yêu cầu mà không cần thay đổi bất cứ nội dung nào. Tuy nhiên, khi phía Công ty Hà An hẹn những khách hàng trên đến ký hợp đồng thì lại không nhận được sự hợp tác.
“Với yêu cầu này, công ty Hà An đồng thuận mà cũng không cần đàm phán bất cứ nội dung nào với khách hàng, vì mẫu hợp đồng này cũng nằm trong ý chí mà chủ đầu tư muốn thể hiện khi đăng ký với các cơ quan chức năng. Công ty Hà An khẳng định việc khách hàng có ký hợp đồng với chủ đầu tư Hà An hay không, đó thuộc quyền quyết định của khách hàng.
Tuy nhiên, một vài khách hàng yêu cầu theo nguyên mẫu hợp đồng đã đăng ký thì lại từ chối ký hợp đồng với chủ đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau: Không đến theo lịch hẹn ký hợp đồng; đến sau vài lần gửi thư mời hoặc ủy quyền cho luật sư nhân danh khách hàng đến chỉ để tranh chấp về tiền cọc chứ không phải xem xét, ký kết hợp đồng…”, phía chủ đầu tư Hà An cho biết.
Được biết, Hà An cũng là chủ đầu tư dự án Gem Sky World, từng nổi lên với vụ môi giới "biếu khách" 400 triệu, được Reatimes thông tin trong bài Giá trị thực Gem Sky World ở đâu khi môi giới sẵn sàng "biếu khách" 400 triệu?. Câu chuyện xoay quanh việc môi giới thuộc sàn A bị một môi giới sàn B (cùng bán tại dự án Gem Sky World) cướp ngang khách hàng. Theo nội dung được kể lại, một vị khách khó tính tại TP.HCM có nhu cầu mua các sản phẩm Shophouse và nhà phố tại dự án Gem Sky World (tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) do Tập đoàn Đất Xanh làm đơn vị phát triển dự án. Sau thời gian dài nói chuyện và tư vấn, môi giới sàn A đã chốt được với vị khách tổng cộng 3 căn Shophouse và 12 căn nhà phố, với tổng khoản tiền cọc đã nhận là 900 triệu đồng.
Tuy nhiên, vào một buổi trưa, vị khách hàng gấp gáp muốn đến thẳng dự án để tham quan. Do khách báo gấp, môi giới sàn A không kịp trở tay nên đã chia sẻ thông tin trên nhóm chat của sales bán dự án với hơn 800 thành viên nhằm tìm sự giúp đỡ. Lúc này, một môi giới của sàn B đã đứng ra nhận dắt khách đi tham quan thay môi giới sàn A bằng thái độ rất thiện chí.
Thế nhưng, sau 2 tiếng tham quan dự án trở về, vị khách khó tính bất ngờ nhắn tin cho môi giới sàn A xin hủy cọc 2 căn Shophouse. Sau đó, qua tìm hiểu môi giới sàn A được biết hiện vị khách trên đã cọc 2 căn Shophouse khác thuộc vị trí đường lớn do sàn B bán với lời hứa sẽ được môi giới sàn B đền cọc 400 triệu đồng.
Như vậy, tuy chỉ được môi giới sàn A nhờ dẫn khách đi tham quan dự án, thế nhưng môi giới của sàn B đã chấp nhận “cắt máu” tới 400 triệu để đền cọc cho khách với mục đích bán được 2 căn Shophouse cho vị khách này.
Theo giới đầu tư bất động sản, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát như hiện nay, môi giới bất động sản gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng. Đặc biệt là đối với những dự án có giá cao như dự án Gem Sky World. Việc môi giới giành giật khách hàng, chấp nhận “cắt máu” để đền cọc là rất khó chấp nhận. Đây cũng là bài học cho các môi giới khi nhờ người không tin tưởng đứng ra giúp mình dẫn khách đi tham quan dự án sau khi đã chốt cọc.
Theo Quang Bình/Reatimes
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/buc-xuc-sau-khi-mua-can-ho-opal-skyline-khach-hang-trach-nham-dat-xanh-gian-doi-a68525.html