Việc chỉ định nhà đầu tư Dự án Khu công nghiệp Nam Tân Tập ở Long An, có đảm bảo đúng các quy định của pháp luật?

Có 5 doanh nghiệp xin đầu tư Khu công nghiệp Nam Tân Tập nhưng lấy lý do sợ mất thời gian, tỉnh Long An thay vì lập Hội đồng xét chọn đã chỉ định liên danh Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn và Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng. Trong khi Bộ Xây dựng cho rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư phải tuân thủ quy định về luật đấu thầu, đầu tư, đất đai. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, việc chỉ định nhà thầu của UBND tỉnh Long An có đảm bảo đúng các quy định của pháp luật?

121-1628056457.jpg

Một góc Khu công nghiệp Nam Tân Tập.

Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin tại bài viết trước, liên quan đến việc xét chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Nam Tân Tập, lãnh đạo UBND tỉnh Long An cho rằng, do việc xét chọn nhà đầu tư sẽ mất nhiều thời gian làm chậm trễ trong việc triển khai các dự án, làm mất cơ hội đầu tư phát triển của tỉnh. Vì vậy, UBND tỉnh thống nhất phương án chọn liên danh Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn và Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng tiến hành lập thủ tục đầu tư dự án hàng nghìn tỷ này. Việc chỉ định nhà đầu tư trong khi có 5 doanh nghiệp xin đầu tư dự án, khiến dư luận không khỏi hoài nghi về tính minh bạch, công bằng giữa các nhà đầu tư? Có hay không việc chính quyền “ưu ái” cho doanh nghiệp?

Tiếp tục tìm hiểu được biết, ngay sau khi có Thông báo kết luận chỉ đạo lãnh đạo của tỉnh này về chỉ định nhà đầu tư, ngày 16/12/2020 Công ty Cổ phần Đầu tư An Kiến Phát đã có văn bản số 1612/2020/CV-AKP gửi UBND tỉnh Long An và các sở ngành đề nghị xem xét lại phương án chọn nhà đầu tư Khu công nghiệp Nam Tân Tập. Theo đơn vị này, trong các thông báo của Hội đồng đầu tư tỉnh Long An đã kêu gọi nhà đầu tư hỗ trợ lập quy hoạch, sau đó sẽ lập thủ tục xét chọn hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nếu dự án có nhiều nhà đầu tư… “Đề nghị UBND tỉnh Long An cùng các sở, ngành xem xét lại việc đã chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án Khu công nghiệp Nam Tân Tập. Đồng thời tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc tổ chức xét chọn nhà đầu tư minh bạch, công khai theo đúng quy định của pháp luật để các nhà đầu tư cùng có cơ hội” - văn bản nêu rõ.

Đáng nói, sau khi Công ty Cổ phần Đầu tư An Kiến Phát gửi văn bản đề nghị trên, Ban Quản lý Khu kinh tế Long An đã chủ trì tổ chức cuộc họp về vấn đề này. Tại đây, ông Nguyễn Thành Thanh - Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế kết luận, các sở, ngành, địa phương thống nhất phương án chọn nhà đầu tư và kết quả chọn nhà đầu tư liên danh Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn và Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng của UBND tỉnh Long An. Đồng thời, thống nhất đề xuất Công ty Cổ phần Đầu tư An Kiến Phát có văn bản xem xét lại Văn bản số 1612/2020/CV-AKP (kiến nghị xem xét thu hồi lại phương án lựa chọn nhà đầu tư Khu công nghiệp Nam Tân Tập, diện tích 244,74ha tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc – PV).

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trần Thanh Quyết – Đoàn Luật sư Vĩnh Phúc cho rằng, dự án xây dựng Khu công nghiệp Nam Tân Tập có quy mô trên 244 ha với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng; liên quan đến việc sử dụng đất, nên cơ quan chức năng của Long An cần phải cẩn trọng trong quá trình thực hiện đầu tư. Theo Luật sư Quyết, lấy lý do dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu và Nghị định 25/2020/NĐ-CP để chỉ định nhà đầu vì sợ mất thời gian là chưa hoàn toàn chính xác. Bởi tại Luật Đấu thầu 2013 quy định dự án đầu tư có sử dụng đất thì phải áp dụng Luật Đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Ngay tại Nghị Định 25/2020/NĐ-CP cũng yêu cầu phải đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư nếu có từ 02 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm.

“Lựa chọn nhà đầu tư là công việc thực thi theo quy trình của pháp luật, chứ không phải lý do cảm tính, đặc biệt ở dự án hàng nghìn tỷ này. Nếu chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia thì lý do tỉnh đưa ra chứng minh đang “vận dụng” luật, nhưng ở đây có đến 05 nhà đầu tư đăng ký mà chỉ định vì sợ mất nhiều thời gian, mất cơ hội đầu tư là chưa thuyết phục, bởi đơn giản càng nhiều nhà đầu tư tham gia thì càng có cơ hội lựa chọn, càng phải lựa chọn, xét chọn theo tiêu chí rõ ràng” - Luật sư Quyết phân tích.

Cũng tại Văn bản số 112/BXD-HĐXD cho ý kiến thẩm định quyết định chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Nam Tân Tập gửi tới Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An mới đây, Bộ Xây dựng khẳng định, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án phải tuân thủ các quy định pháp luật về đấu thầu, đầu tư, đất đai và các quy định hiện hành khác của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng yêu cầu hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư của dự án cần bổ sung phương án phát triển nhà ở, công trình xã hội, văn hoá, thể thao, cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp: “Hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án được lập cơ bản phù hợp với quy định tại Khoản 1, Điều 34 Luật Đầu tư năm 2014…” - văn bản Bộ Xây dựng nêu rõ.

Một chuyên gia pháp lý khác cũng cho rằng: UBND tỉnh Long An đã “vận dụng” để né tránh trực tiếp quy định của pháp luật về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhưng vẫn phải tuân thủ quy định của Luật Đầu tư khi xin chủ trương đầu tư cho dự án. Nếu áp dụng Luật Đầu tư 2014, vẫn có khả năng liên danh Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn và Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng sẽ được giao luôn chủ trương đầu tư.

Theo Điều 31, Luật Đầu tư 2014. Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ: h, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất;

Nhưng nếu áp dụng Luật Đầu tư 2020, chủ trương đầu tư của dự án sẽ không chỉ định nhà đầu tư mà chỉ xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư “đấu thầu”. Sau đó, địa phương căn cứ vào Luật Đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, bởi vì Luật Đầu tư 2020 đã phân định rất rõ ràng 03 hình thức lựa chọn nhà đầu tư, cụ thể:

Điều 29, Luật Đầu tư 2020: Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư

1. Lựa chọn nhà đầu tư được tiến hành thông qua một trong các hình thức sau đây:

a) Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

b) Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

c) Chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

Đối với ý kiến của Bộ Xây dựng tại Văn bản số 112/BXD-HĐXD ngày 13/01/2021 về thẩm định chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Nam Tân Tập, Long An, yêu cầu: “Việc lựa chọn nhà đầu tư cho dự án phải tuân thủ quy định của pháp luật về Đầu tư, Đất đai, Đấu thầu và các quy định hiện hành khác của pháp luật”. Như vậy, có căn cứ để xác định rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư phải theo quy định pháp luật hiện hành, tức Luật Đầu tư 2020, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu 2013 sửa đổi, Nghị định 25/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Thông báo số 695/TB-UBND ngày 15/12/2020 UBND tỉnh Long An không có giá trị lựa chọn nhà đầu tư – chuyên gia khẳng định.

Trước đó, tại Thông báo số 695/TB-UBND ngày 15/12/2020 Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Long An tại cuộc họp triển khai các thủ tục tiếp theo đối với phương án xét chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Nam Tân Tập, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An chọn liên danh Công ty Cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn và Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng là nhà đầu tư lập thủ tục đầu tư dự án. Lý do tỉnh Long An muốn chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án Khu công nghiệp Nam Tân Tập là: “Việc xét chọn nhà đầu tư theo phương án lập Hội đồng sẽ mất nhiều thời gian, làm chậm trễ trong việc triển khai các dự án, mất cơ hội đầu tư phát triển của tỉnh và trên cơ sở ý kiến thống nhất của các sở ngành, thống nhất phương án chọn Liên danh Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn và Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng để tiến hành lập thủ tục đầu tư dự án này”.

Trong khi đó, tính đến thời điểm đề xuất chỉ định nhà đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An đã tiếp nhận văn bản của 5 nhà đầu tư có nguyện vọng tham gia lập thủ tục đầu tư Khu công nghiệp Nam Tân Tập gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư An Kiến Phát; liên danh Công ty Cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn và Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng; Công ty Cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn; Tổng công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc; liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư An Kiến Phát và Công ty TNHH Hải Sơn.

Đồng thời, theo Kết luận số 651/TB-UBND ngày 24/11/2020, Thông báo kết luận của Hội đồng đầu tư tỉnh Long An tại cuộc họp ngày 23/11/2020 thì Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An được giao phải xây dựng tiêu chí phù hợp; Thành lập Hội đồng xét chọn nhà đầu tư theo quy định. Tuy nhiên, Ban Quản lý Khu kinh tế lại cho rằng, việc chọn nhà đầu tư theo phương án này sẽ kéo dài mất nhiều thời gian. Và đơn vị này đề xuất 2 phương án: Thứ nhất, tiếp tục lấy ý kiến góp ý của các sở ngành và thành lập Hội đồng xét chọn nhà đầu tư để chọn chủ đầu tư; Thứ hai, do lãnh đạo tỉnh có khảo sát thực tế và xem xét năng lực của các nhà đầu tư dự định đầu tư vào tỉnh Long An, qua xem xét các hồ sơ năng lực của các công ty nêu trên, đề xuất chọn liên danh Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn và Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng để tiến hành lập thủ tục đầu tư dự án này.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh này cho rằng, đối với dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu và Nghị định 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Nhà đầu tư được chỉ định dự án hàng nghìn tỷ có đủ năng lực?

Việc liên danh Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn và Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng được tỉnh Long An chỉ định để tiến hành lập thủ tục đầu tư dự án KCN Nam Tân Tập với tổng mức đầu tư 2.590,422 tỷ đồng đang được dư luận hoài nghi và đặt câu hỏi về năng lực của nhà đầu tư về dự án hàng nghìn tỷ này.

Được biết, Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn được thành lập năm 2002. Tại thời điểm ngày 31/3/2021, doanh nghiệp này đang vay nợ ngắn hạn 593 tỷ đồng ở hàng loạt ngân hàng và công ty khác nhau. Ở mục nợ dài hạn, Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn đang vay hơn 881 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ hơn 740 tỷ đồng.

 

Theo Khánh An/Xây dựng

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/viec-chi-dinh-nha-dau-tu-du-an-khu-cong-nghiep-nam-tan-tap-o-long-an-co-dam-bao-dung-cac-quy-dinh-cua-phap-luat-a68239.html