Do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lan rộng tới nhiều tỉnh thành trong cả nước, hoạt động kinh doanh thương mại của doanh nghiệp, người dân ảnh hưởng nghiêm trọng, dòng tiền lưu động cũng bị hạn chế, từ đó có xu hướng người dân dịch chuyển dòng vốn từ lưu động sang bất động sản để hạn chế rủi ro. Đó cũng là lý do thời gian qua mặc dù dịch bệnh phức tạp nhưng dòng tiền đổ vào bất động sản không vì thế mà bị đóng băng, thậm chí còn sôi động hơn cả.
Trong khi nhu cầu đất ở ngày càng lớn, số lượng nhà đầu tư ngày càng tăng cao thì quỹ đất ngày càng cạn kiệt. Mặc dù vậy, vẫn có rất nhiều các dự án được chủ đầu tư “xí phần, nhận chỗ” từ hàng chục năm trước rồi bỏ hoang cả chục năm trời với diện tích thuộc hàng “siêu khủng”.
Liên kết với nhà đầu tư ngoại nhưng không làm thay đổi cục diện
Vừa qua, ngày 17/3/2021, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 75-BC/UBND đề nghị thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư của 29 dự án tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Ví dụ như Dự án Khu đô Thị Tiến Xuân tại 2 huyện Thạch Thất, Quốc Oai với diện tích lên đến 1.200 ha; hay như Khu biệt thự nhà vườn của Công ty cổ phần đầu tư An Lạc và Công ty Xây dựng Trường Giang (Thạch Thất); Dự án Biệt thự nhà vườn của Công ty Cổ phần Thương mại quốc tế Thành Như (Thạch Thất)…
Có những dự án được quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư từ hơn chục năm về trước đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng. Thực tế, trong khuôn viên dự án vẫn chỉ là “đồng không, mông quạnh”, vắng bóng chủ đầu tư, không có bất kỳ phương tiện, máy móc thi công nào. Cụ thể như, Dự án Khu đô thị và dịch vụ phía Tây Quốc Oai (Hà Nội Westgate) có mặt tiền chạy dài hàng trăm mét cạnh Đại lộ Thăng Long, tọa lạc tại thị trấn Quốc Oai và xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai với tổng diện tích lên đến 52,5ha do Công ty Cổ phần Tài chính và Phát triển doanh nghiệp làm chủ đầu tư.
Ngày 01/8/2008, Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính của Quốc Hội theo hướng sáp nhập Hà Tây, một số xã của tỉnh Hòa Bình và huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) vào Hà Nội chính thức có hiệu lực. Trước và sau thời điểm đó, thị trường bất động sản tại Hà Nội và các khu vực sáp nhập luôn “nóng bỏng tay”. Tìm hiểu được biết, trước đó chưa đầy 1 tháng, vào ngày 3/7/2008, UBND tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) ban hành Quyết định số 2006/QĐ-UBND giao Công ty Cổ phần Tài chính và Phát triển doanh nghiệp, thành viên của Công ty Cổ phần Gami bất động sản (Gami Land), làm chủ đầu tư Dự án Khu đô thị và dịch vụ phía Tây Quốc Oai. Trong đó, Gami Land là thành viên trong hệ sinh thái của Công ty Cổ phần Tập Đoàn Gami (Gami Group).
Ngay sau đó, UBND tỉnh Hà Tây đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, cho phép đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Hà Nội Westgate và có Quyết định số 2431/QĐ-UBND ngày 15/7/2008 về việc chính thức giao đất cho doanh nghiệp. Đến ngày 14/12/2011, UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận cho Công ty Cổ phần tài chính và phát triển doanh nghiệp tiếp tục triển khai đầu tư dự án theo Văn bản số 10881/UBND-GT.
Tuy nhiên sau đó, chủ đầu tư không tự đầu tư mà liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài là Công ty Keppel land Investment (Hanoi) Pte.Ltd, Singapore để thực hiện dự án. Đến tháng 10/2013, UBND Thành phố Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Liên doanh Hà Nội Westgate (liên doanh giữa Công ty Cổ phần Tài chính và Phát triển doanh nghiệp và Công ty Keppel Land Investment Hà Nội Pte.Lte) đầu tư dự án Hà Nội Westgate. Chủ đầu tư tự đăng ký vốn điều lệ của dự án là 35 triệu USD chiếm 25% tổng vốn đầu tư 140 triệu USD. Bên phía Việt Nam góp 40% vốn điều lệ bằng chi phí bỏ trước (kinh phí giải toả, đền bù, tái định cư), phía nước ngoài góp 60% vốn điều lệ bằng tiền mặt. Theo giấy chứng nhận đầu tư, tiến độ thực hiện dự án là 5 năm, nhưng đến thời điểm giấy chứng nhận đầu tư trên hết hạn, chủ đầu tư này vẫn không thể thực hiện dự án.
Hé lộ nguyên nhân chậm triển khai
Dự án này tiếp tục “đóng băng” cho đến năm 2018, UBND Thành phố Hà Nội có Thông báo số 948/TB-UBND về việc chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hà Nội Westgate. Theo đó, tiến độ thực hiện dự án được điều chỉnh, kéo dài thêm 5 năm. Cụ thể, tiến độ thi công xây dựng từ quý IV/2018 và đưa công trình vào khai thác trong quý IV/2023.
Cho đến nay, thời gian thực hiện dự án chỉ còn lại vẻn vẹn có hơn 2 năm, song tại dự án này, vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa san lấp xong và vẫn còn vướng một số thủ tục chưa thể hoàn thiện. Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đến nay dự án vẫn chỉ là bãi đất bỏ hoang, được quây rào bằng tôn nhưng bên trong như một cánh đồng bỏ hoang.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ thông tin: Dự án này hiện nay vẫn còn vướng khâu giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục còn lại nhưng vẫn chưa xong. Về công tác giải phóng mặt bằng phía xã Ngọc Mỹ hiện nay đã xong, không còn vướng gì nữa, chính bên chủ đầu tư cũng đang nóng lòng muốn triển khai sớm. Theo thông tin xã nắm được thì dự án này trước đây được phê duyệt với mật độ xây dựng thấp, hiện nay chủ đầu tư muốn tăng mật độ xây dựng lên nên phải điều chỉnh (?).
Còn về phía thị trấn Quốc Oai, ông Nguyễn Đức Phương – Chủ tịch UBND thị trấn chia sẻ: Công tác giải phóng mặt bằng của dự án mới chỉ đạt khoảng 90%. Có một số trường hợp trước đây đã nhận tiền đền bù rồi, sau đó lại đem bán đất cho người khác, đến bây giờ chủ mới cứ đòi được đền bù như chủ cũ, do vậy các bên cứ nhùng nhằng mãi không tìm được tiếng nói chung. Mặt khác, trong khu dự án này có một số ngôi mộ chưa thể di dời do người dân không đồng tính với phương án di dời, đền bù nên cứ kéo dài mãi. Hiện nay, chủ đầu tư đã quây tôn một số ngôi mộ này lại.
Thông tin thêm từ ông Nguyễn Trung Thành – Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ Đất huyện Quốc Oai: Nhà đầu tư đang tiến hành thủ tục xin thành phố giao đất vì theo quy định, sau khi giải phóng mặt bằng xong nhà đầu tư trình cấp có thẩm quyền giao đất, còn lộ trình thế nào thì phải nhà đầu tư mới nắm được. Huyện đã giải phóng mặt bằng trên 90%. Tại khu đất của dự án này hiện còn vướng khoảng 20-30 ngôi mộ vẫn chưa di dời được, chủ đầu tư quy hoạch 2 nghĩa trang đặt tại khu đất của dự án rồi tập hợp các mộ về đó chứ không di chuyển về nghĩa trang tập trung (nghĩa trang của xã, huyện – PV). Dự án này chủ yếu là cây xanh, chỉ có mấy phần trăm là đất ở. Huyện sẽ tiếp tục triển khai tuyên truyền, vận động để người dân đồng ý phương án đền bù, giải phóng mặt bằng.
Như vậy, sau hơn 10 năm chưa thể triển khai xây dựng, Dự án Hà Nội Westgate liệu có đi vào “ngõ cụt” như các dự án khác mà mới đây UBND Thành phố Hà Nội đề nghị thu hồi? Với sự hậu thuẫn của Gami Land và Gami Group, “ông lớn” trong lĩnh vực kinh doanh, phân phối xe hơi hạng sang tại Việt Nam, thêm vào đó, việc liên doanh với nhà đầu tư ngoại liệu có làm thay đổi “cuộc chơi”? Người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri song đến nay dự án vẫn đang ở “vạch xuất phát”. Thời hạn triển khai xây dựng chỉ còn hơn 2 năm nữa, vậy nhà đầu tư sẽ làm gì để đảm bảo tiến độ thi công theo giấy phép hay lại tiếp tục tìm kế “hoãn binh”?
Công ty Cổ phần Tài chính và phát triển doanh nghiệp là chi nhánh của Gami Group. Gami Group hoạt động đa lĩnh vực, từ thương mại, thực phẩm tới bất động sản. Nhưng vai trò nổi bật nhất là nhà phân phối và cho thuê ô tô tại Việt Nam. Trong đó, các công ty con của Tập đoàn này như An Du, An Dân phân phối ô tô của các thương hiệu nổi tiếng như Mercedes Benz, Mitsubishi, Ford, Kia. Bên cạnh đó, Gami Group còn tham gia lĩnh vực ngân hàng và bất động sản. Với lĩnh vực bất động sản, ngoài dự án Hà Nội Westgate, Gami được biết đến với các dự án như: Khu đô thị Ecoriver Park Đà Nẵng gần 60ha, tổng vốn đầu tư 250 triệu USD; Dự án Resort Phú Quốc, 34,9 ha ta tại Bãi Trường; Dự án khu phố mới Hoa Lư, TP. Pleiku, Gia Lai với quy mô 15,6 ha; Dự án đô thị mới Hùng Vương, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên với quy mô 10,4 ha; Dự án Tuần Châu (Quảng Ninh). |
Theo Theo Đỗ Quang/ Báo Xây Dựng
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/quoc-oai-vi-sao-du-an-ha-noi-westgate-dap-chieu-hon-10-nam-a68112.html