Tìm hiểu được biết, Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà vốn là Doanh nghiệp Nhà nước, thành viên của Tổng Công ty Sông Đà, được thành lập theo Quyết định số 17/TCT-VPTH ngày 12/9/2001 của Hội đồng quản trị Tổng Công ty Sông Đà. Năm 2003, được chuyển đổi từ Doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (hay còn gọi là Sudico) theo Quyết định số 946 ngày 08/7/2003. Ngày 08/8/2003, Sudico được Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu số: 0103002731 với vốn điều lệ ban đầu là: 30.000.000.000 (ba mươi tỷ) đồng.
Đi trước một bước nhưng thụt lùi cả thập kỷ
Với lợi thế là thành viên của Tổng Công ty Sông Đà, sẵn các mỗi quan hệ, quỹ đất dồi dào, có năng lực tài chính, nhân sự và được Tổng Công ty Sông Đà “hậu thuẫn” nên Sudico nhanh chóng “nhúng tay” vào thực hiện những dự án bất động sản tầm cỡ. Trong đó phải kể đến Dự án Khu đô thị Tiến Xuân nằm tại địa bàn 2 xã Tiến Xuân (Thạch Thất) và Đông Xuân (Quốc Oai) với quy mô lên đến 1.200 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng từ thời điểm lập dự án năm 2007; hay như dự án Khu đô thị Mỹ Đình – Mễ Trì (Nam Từ Liêm) với quy mô 36ha có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng vào thời điểm năm 2001 hoặc Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh (huyện Hoài Đức) 288ha, vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng; Khu nhà ở Văn La – Văn Khê (quận Hà Đông), diện tích 12 ha, tổng vốn 1.300 tỷ đồng…
Vào thời điểm trước năm 2008, trước khi chuẩn bị có Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính của Quốc Hội theo hướng sáp nhập Hà Tây, một số xã của tỉnh Hòa Bình và huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) vào Hà Nội. Ở thời điểm đó, thị trường bất động sản tại Hà Nội và các khu vực sáp nhập luôn “nóng”. Nắm bắt cơ hội đầu tư, Sudico đã nhanh tay rinh hàng loạt các dự án ở vị trí đắc địa, hứa hẹn cơ hội sinh lời khủng trong nay mai. Cụ thể, các dự án từ nhỏ đến lớn của Sudico đa số đều được quy hoạch, định hướng triển khai, đầu tư, xây dựng từ những năm 2001-2007. Tuy nhiên thực tế, Sudico liên tục để xảy ra tình trạng chậm tiến độ, có dự án lên đến hơn chục năm vẫn chưa có dấu hiệu đầu tư, xây dựng.
Có thể kể đến Dự án Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, đã được Sudico triển khai xây dựng từ năm 2002. Đến nay, phần dự án mới chỉ hoàn thành khu nhà ở thương mại, khu dịch vụ thương mại để bán, cho thuê còn khu đất công cộng phải xây dựng là khu đất CX1 được phê duyệt làm nhà văn hóa thể thao cộng đồng và đất trồng cây xanh giao Sudico làm chủ đầu tư, hoàn thiện bàn giao cho phường Mỹ Đình 1 quản lý. Vậy nhưng, theo người dân, nhiều năm nay tại khu đất CX1 thuộc phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm hiện đang làm sân tập golf, bãi trông giữ, rửa xe và nhiều dịch vụ kinh doanh khác với diện tích hơn 4.500m2.
Hay như dự án Khu nhà ở Văn La - Văn Khê nằm ở vị trí trung tâm của quận Hà Đông. Dự án được giới thiệu có vị trí thuận lợi về giao thông (nằm trên trục đường chính Quang Trung – Quốc lộ 6 – tuyến đường huyết mạch nối liền Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc Thủ đô) nơi có tốc độ đô thị hóa cao với hàng loạt các dự án trọng điểm về hành chính, đô thị, thương mại, tài chính và dịch vụ nhưng đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống?
Đặc biệt, Dự án Khu đô thị Tiến Xuân đóng tại địa bàn 2 xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) và Đông Xuân (huyện Quốc Oai), dự án quy mô diện tích hơn 1.200ha với tổng mức đầu tư dự kiến tại thời điểm năm 2007 là gần 2.000 tỷ đồng, được hứa hẹn khởi công từ năm 2007, đến nay đã gần 15 năm trôi qua, nhưng siêu dự án vẫn nằm bất động trên giấy để lại hàng loạt hệ lụy cho người dân sinh sống trong vùng dự án.
Dự án “khủng” của Sudico ảnh hưởng thế nào đến người dân?
Một người dân sinh sống tại xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) ngao ngán chia sẻ: Từ hơn chục năm trước, khi mới nghe tin quy hoạch Dự án Khu đô thị Tiến Xuân, nhiều người bàn ra, tán vào, vui có, buồn có, lo âu cũng có nhưng chủ yếu xoay quanh câu chuyện đền bù thế nào, tái định cư ra sao, người dân sẽ ở đâu, làm gì sau khi bị thu hồi nhà cửa, ruộng vườn rồi bộ mặt địa phương sẽ thay đổi ra sao sau khi triển khai dự án…Thế nhưng những râm ran đó chưa kịp nóng lên thì đã nguội lạnh bởi hơn 10 năm qua, sống trong dự án treo chẳng khác nào như “sao quả tạ” chiếu lên đầu người dân chúng tôi.
Trong gần 15 năm sống trong vùng quy hoạch treo, người dân không thể mua bán, sang tên nhà cửa, đất đai, chia thừa kế, thế chấp, thậm chí nhà cửa xuống cấp muốn xây dựng cũng rất khó khăn. Từ đó, tạo ra tâm lý bất ổn, cuộc sống người dân bị đảo lộn, kinh tế không phát triển gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Người dân kiến nghị thành phố phải có chính sách rõ ràng, cho dù tiếp tục hay thu hồi dự án cũng phải khẩn trương thực hiện để sớm ổn định cuộc người dân trong vùng lõi của dự án.
Liên quan đến Dự án Khu đô thị Tiến Xuân, ông Bùi Văn Sâm – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân cho biết: Có khoảng hơn 900ha của xã Đông Xuân nằm trong dự án này, theo quy hoạch sẽ có khoảng 1.000 trong tổng số 1.300 hộ dân nằm trong vùng dự án. Sau thời gian dài “đắp chiếu”, đến nay dự án này vẫn chưa có động thái nào triển khai xây dựng. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri từ xã, đến huyện, tới thành phố và đại biểu Quốc hội, nhiều năm qua người dân đều kiến nghị. Song đến nay, xã vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào liên quan đến việc tiếp tục triển khai hay thu hồi dự án. Thêm nữa, hiện nay địa phương nằm trong vùng quy hoạch khu đô thị vệ tinh Thành phố Hà Nội, theo đề án thì toàn bộ Dự án Khu đô thị Tiến Xuân sẽ nằm trọn trong quy hoạch, như vậy là quy hoạch chồng quy hoạch, chưa biết sắp tới sẽ như thế nào?
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng cũng nhận được câu trả lời tương tự từ đại diện UBND xã Tiến Xuân, ông Quách Đình Thắng – Phó Chủ tịch xã. Theo ông Thắng, xã Tiến Xuân có khoảng gần 400ha nằm trong dự án, việc để 1 dự án lớn, chậm triển khai quá lâu ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế của địa phương, gây mất công bằng cho các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Phạm Quang Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai thông tin thêm: Thẩm quyển thu hồi dự án là của UBND Thành phố Hà Nội, từ ngày được quy hoạch đến nay chủ đầu tư vẫn chưa triển khai gì, huyện cũng đã có đề xuất lên trên. Đề nghị cơ quan báo chí tiếp tục thông tin, nếu cần huyện sẽ phối hợp.
Ở các dự án khác, bức tranh cũng không sáng láng hơn, khi mà hàng loạt các căn biệt thự, liền kề trị giá hàng chục tỷ bị bỏ không, cỏ mọc um tùm, không có người ở hoặc nếu có cũng chỉ lác đác. Đó chính là Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh có diện tích lên đến 288ha. Tuy nhiên, được biết tại dự án này Sudico đã bán một phần cho các nhà đầu tư thứ cấp. Nhưng đến nay, việc thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất của các chủ đầu tư thứ cấp còn chậm. Trong đó có 6 chủ đầu tư đã hoàn thành chuyển quyền sử dụng đất, 9 nhà đầu tư còn lại đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục theo quy định. Thực tế tại các dự án này, hàng trăm căn biệt thự, liền kề xây thô rồi bỏ không và tất nhiên là không có người ở.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo điện tử Xây dựng tại các dự án của Sudico thì bên cạnh số ít dự án đã hoàn thiện, bán cho nhà đầu tư, người dân vào ở thì phần lớn các dự án đều có vấn đề, chỗ thì biệt thự triệu đô bỏ không, cỏ mọc cao hàng mét, chắn lỗi vào công trình, cổng sắt hoen gì, xuống cấp, chỗ thì cả dự án lớn vắng bóng chủ đầu tư, không hề có bất kỳ động thái thi công, xây dựng nào, nơi thì chỉ xây dựng phần thương mại để bán còn hạng mục công ích thì “lờ” đi, sử dụng đất sai mục đích...
Không chỉ dừng lại hoạt động đầu tư, xây dựng có phần “bết bát”, bức tranh tài chính của Sudico gần đây cũng không mấy khá khẩm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, tại thời điểm ngày 31/12/2020. Nợ phải trả của Sudico lên đến 4.894 tỷ đồng, tăng 447 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nợ ngắn hạn là 4.461 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 91% tổng nợ phải trả, nợ dài hạn là 432 tỷ.
Trong năm 2020, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ Sudico đạt 1.135 tỷ đồng, tăng 412 tỷ đồng với năm 2019. Nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 41 tỷ đồng trong khi năm 2019 là 107 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu chỉ đạt 3.6% và lợi nhuận 2020 chỉ đạt 40% so với cùng kỳ năm trước. Lý do nằm ở các khoản chi phí khác và lỗ khác tăng mạnh. Khoản chi phí khác là khoản lãi phạt chậm nộp tiền thuế sử dụng đất 217,6 tỷ đồng của Dự án Khu Đô Thị mới Nam An Khánh giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2009 theo thông báo của Chi cục Thuế huyện Hoài Đức và khoản chậm nộp tiền sử dụng đất 18,6 tỷ đồng theo Thông báo của Chi cục Thuế tỉnh Hoà Bình ngày 20/10/2020.
Vừa qua, ngày 17/3/2021, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 75-BC/UBND đề nghị thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư của 29 dự án tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong đó có Dự án Khu đô thị Tiến Xuân do Công ty TNHH MTV Sudico Tiến Xuân (Công ty thành viên của Sudico) làm Chủ đầu tư.
Qua đó để thấy rằng, Sudico mặc dù được đánh giá là đơn vị có “thế lực”, là ông lớn trong làng bất động sản, nhưng những gì Sudico đã thể hiện chưa tương xứng với vị thế của mình, nhất là khi được sự trợ giúp đắc lực của “người cha” là Tổng Công ty Sông Đà. Hầu hết các dự án Sudico triển khai đều có ít nhiều những tồn tại, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, cuộc sống hàng nghìn người dân bị “chôn chân” trong cái “mớ bòng bong” dự án treo, góp phần kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội ở 1 số khu vực nhất định.
Có thể thấy, dù Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà đã nhanh chân đi trước một bước, giành lấy cho mình những mảnh đất màu mỡ, nhưng những gì mà Sudico đang thể hiện, lại đang thụt lùi cả thập kỷ.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin./.
Theo Đỗ Quang/Xây dựng
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/diem-mat-hang-loat-cac-du-an-bat-dong-san-tai-tieng-cua-sudico-a68096.html