Đất công thành đất “ông”
Kết luận thanh tra số 757/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ mới đây về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TPHCM có chỉ ra nhiều sai phạm của dự án tổ hợp Le Meridien Saigon.
Thực chất, tổ hợp Le Meridien Saigon là dự án khu cao ốc văn phòng và khách sạn, địa chỉ tại số 3C đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TPHCM do liên doanh Công ty CP Tiến Phước và Công ty 990 làm chủ đầu tư với diện tích 3.604m2.
Theo Thanh tra Chính phủ, tổ hợp Le Meridien Saigon có nguồn gốc là đất quốc phòng an ninh do Công an TPHCM quản lý. Từ năm 1996, Công ty TNHH Hoa Hồng (đơn vị thành viên của Công an TPHCM) dùng quyền sử dụng đất để góp vốn liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài (Công ty Liên doanh TNHH Trans-Rose) theo quyết định số 4643/QĐ-UB-QLĐT ngày 1/10/1996 của UBND TPHCM.
Ngày 20/5/1997, Công an TPHCM quyết định chấp thuận cho Công ty Sản xuất Kinh doanh và Dịch vụ 990 (là doanh nghiệp nhà nước thuộc Công an TPHCM) thay thế Công ty TNHH Hoa Hồng nhận làm đối tác trong Liên doanh Trans-Rose. Đến năm 2005, Liên doanh Trans-Rose chấm dứt hoạt động theo quyết định số 88/QĐ-BKH của Bộ Kế hoạch Đầu tư và chuyển thành doanh nghiệp trong nước.
Theo quy định tại Điều 89 và Điều 93 Luật Đất đai năm 2003, do nhà đất đã được góp vốn liên doanh với nước ngoài, nên sau khi chấm dứt hoạt động liên doanh thì nguồn gốc khu đất trên không thuộc đất quốc phòng an ninh mà thuộc đất xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh.
Ngày 6/5/2009, Sở Tài chính có văn bản trình UBND TPHCM về việc thẩm định giá trị quyền sử dụng đất tại số 3C đường Tôn Đức Thắng, quận 1 theo giá thị trường với mục đích sử dụng đất đầu tư xây dựng khách sạn kết hợp văn phòng. Ngày 15/5/2009, UBND TPHCM ban hành quyết định duyệt giá trị quyền sử dụng đất tại mặt bằng 3C đường Tôn Đức Thắng với số tiền gần 447 tỷ đồng.
Sau đó, tổ hợp Le Meridien Saigon đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2015. Đây là cao ốc phức hợp gồm khách sạn 5 sao tiêu chuẩn quốc tế và cao ốc văn phòng hạng A được xây dựng trên diện tích 3.604m2. Dự án có tổng diện tích sàn 243.625m2, bao gồm 3 tầng hầm, 24 tầng lầu, 350 phòng, 13.972m2 sàn văn phòng hạng A.
Rơi hết vào tay tư nhân
Kết quả thanh tra cho thấy, UBND TPHCM có quyết định giao đất cho Công ty Tiến Phước và 990 (trong đó công ty 990 chiếm 30% vốn điều lệ) không qua đấu giá quyền sử dụng đất là không đúng quy định của pháp luật nêu tại Khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai 2003. Ngoài ra, UBND TPHCM ban hành quyết định số 2412/QĐ-UBND phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất khi chưa có quyết định giao đất là không đúng quy định tại Khoản 1, Điều 4 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an, UBND TPHCM rà soát việc góp vốn, việc chuyển nhượng cổ phần từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp khác, việc giao đất và xác định tiến sử dụng đất, có biện pháp xử lý theo thẩm quyền, theo đúng Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội và quy định của pháp luật có liên quan.
Công ty CP Tiến Phước và 990 được thành lập vào ngày 20/7/2007, là liên doanh giữa Tập đoàn Tiến Phước (dưới pháp nhân Công ty CP Bất động sản Tiến Phước) và Công ty Sản xuất Kinh doanh và Dịch vụ 990.
Những năm gần đây, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ rất nhanh. Hồi tháng 5/2015, Công ty CP Tiến Phước và 990 có vốn điều lệ 350 tỷ đồng. Trong đó Công ty CP Bất động sản Tiến Phước sở hữu 73% vốn, còn lại 23% cổ phần do Công ty Sản xuất Kinh doanh và Dịch vụ 990 nắm giữ.
Tuy nhiên đến cuối tháng 7/2019, vốn điều lệ doanh nghiệp đã nâng lên 1.438 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông cũng có sự xáo trộn lớn, với sự rút lui của Công ty Sản xuất Kinh doanh và Dịch vụ 990 hồi tháng 3/2016. Thay vào đó là sự xuất hiện của bà Nguyễn Thị Mỹ Phương, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Công ty TNHH MTV Đầu tư TPI.
Được biết, bà Phương, bà Hạnh là hai người con gái của ông Nguyễn Thành Lập, Chủ tịch Tập đoàn Tiến Phước; còn Công ty TNHH MTV Đầu tư TPI là một trong những doanh nghiệp thành viên nằm trong hệ sinh thái của tập đoàn này. Tại Tiến Phước và 990, ông Lập giữ vị trí tổng giám đốc và người đại diện pháp luật xuyên suốt kể từ khi thành lập.
Tổ hợp Le Meridien Saigon được khởi công vào cuối năm 2010 với tổng vốn đầu tư khoảng 120 triệu USD và được đưa vào hoạt động từ năm 2015. Là chủ đầu tư của tổ hợp Le Meridien Saigon với toàn bộ mặt tiền hướng ra sông Sài Gòn, thế nhưng kết quả kinh doanh của Công ty Tiến Phước và 990 giai đoạn 2016-2019 chưa từng một lần có lãi. Đáng nói, doanh thu từ năm 2016-2019 tăng từ 327,2 tỷ đồng lên 475,9 tỷ đồng nhưng lại bị gánh nặng chi phí cao ngất ngưởng.
Theo Duy Quang/Tiền phong
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/tphcm-to-hop-du-an-le-meridien-saigon-tu-dat-cong-ve-tay-tu-nhan-ra-sao-a68043.html