Trước đó, ngày 10/6, Môi trường và Đô thị Việt Nam đăng tải bài viết “Phú Thọ: Ai giúp ‘con voi’ dự án trăm tỷ ‘chui lọt lỗ kim’?”, nội dung phản ánh: Dự án nhà máy gạch Takao Granite do Công ty Cổ phần Takao Granite (sau đây viết tắt là Công ty) được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 2357/QĐ-UBND ngày 25/09/2020. Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 10ha tại xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Tổng số vốn đầu tư dự án là 486 tỷ đồng.
Ngày 31/5/2021, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông Quách Hải Lý ký Quyết định số 2215/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng nhà máy gạch Takao Granite tỷ lệ 1/500.
Theo quyết định trên thì quy mô lao động dự án khoảng 500 lao động; tổng diện tích đất xây dựng nhà xưởng là 48.979m2, mật độ xây dựng 70%; tầng cao tối đa: 01 tầng; trung tâm điều hành được xây trên tổng diện tích đất là 2.666m2 (2.87%); tầng cao tối đa: 04 tầng.
Về hồ sơ pháp lý của dự án, đến nay, ngoài quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Phú Thọ và quyết định quy hoạch chi tiết của UBND huyện Tam Nông (như đã nêu trên) thì những hồ sơ như: Giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án vẫn chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép, phê duyệt.
Thế nhưng, không hiểu bằng cách nào hoặc có “ai” đó đứng sau hỗ trợ nên chủ dự án đã bỏ qua tất cả các quy định pháp luật để ngang nhiên tổ chức san lấp, tạo mặt bằng thi công “chui” hàng ngàn mét nhà xưởng trước sự ngỡ ngàng của người dân và sự thản nhiên của chính quyền sở tại.
Và, sau khi Môi trường và Đô thị Việt Nam phản ánh, ngày 18/06/2021, UBND huyện Tam Nông mới có động thái kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư dự án.
Tiếp đến, ngày 23/06/2021, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, ông Quách Hải Lý ký Quyết định số 2415/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực xây dựng đối với Công ty Cổ phần Takao Granite, do ông Trần Ngọc Hưng làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty.
Theo nội dung quyết định trên thể hiện: Công ty Cổ phần Takao Granite đã có hành vi vi phạm hành chính khi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng. Các hạng mục công trình xây dựng gồm: 01 nhà xưởng sản xuất khung cột thép (diện tích xây dựng 28.936m2); 01 nhà điều hành (diện tích xây dựng 300m2); 01 nhà để xe (diện tích xây dựng 120m2) và một số công trình phụ trợ khác đang xây dựng trong phạm vi nhà máy.
Căn cứ vào Điểm c, Khoản 5, Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng;... UBND huyện Tam Nông ra quyết định xử phạt đối với Công ty Cổ phần Takao Granite số tiền 40 triệu đồng.
Về biện pháp khắc phục hậu quả, UBND huyện Tam Nông yêu cầu: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập Biên bản vi phạm hành chính, Công ty Cổ phần Takao Granite phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Hết thời hạn này, Công ty không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định.
Sau khi được cấp giấy phép xây dựng, tổ chức vi phạm phải tháo dỡ công trình, phần công trình không phù hợp với giấy phép được cấp thì mới được thi công xây dựng.
Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do tổ chức vi phạm có tên tại Điều này chi trả”.
Qua nghiên cứu nội dung quyết định xử phạt trên nhiều ý kiến lo ngại về hậu quả khôn lường đối với chủ đầu tư dự án cũng như phương hại đến uy tín của chính quyền huyện Tam Nông. Bởi lẽ:
Đặt giả thiết trong thời hạn 60 ngày (kể từ ngày 18/06/2021) nếu Công ty Cổ phần Takao Granite không “lo” được giấy phép xây dựng theo yêu cầu của UBND huyện Tam Nông thì doanh nghiệp này buộc phải tháo dỡ hàng ngàn mét vuông nhà xưởng và các công trình xây dựng khác, thì số tiền khổng lồ lên đến hàng chục tỷ đồng đầu tư vào dự án sẽ “không cánh mà bay”.
Trường hợp khác, nếu như Công ty Cổ phần Takao Granite được cơ quan có thẩm quyền tỉnh Phú Thọ cấp phép xây dựng dự án, nhưng các công trình đã xây dựng mà không phù hợp với giấy phép được cấp thì cũng phải tháo dỡ mới được thi công tiếp (yêu cầu của UBND huyện Tam Nông).
Từ phân tích trên có thể thấy rõ, dù trường hợp nào xảy ra thì mọi thiệt hại (nếu có) đều do doanh nghiệp phải gánh chịu. Vậy chính quyền huyện Tam Nông và các ngành chức năng liên quan của tỉnh Phú Thọ có phải liên đới chịu trách nhiệm nếu sự việc xảy ra, đây cũng là vấn đề mà dư luận đặc biệt quan tâm.
Có ý kiến cho rằng, mặc dù chính quyền huyện Tam Nông biết rõ những sai phạm của chủ đầu tư dự án ngay từ khi bắt đầu thực hiện việc san lấp mặt bằng, rồi khởi công xây dựng nhưng đã không đưa ra biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời cũng là một phần nguyên nhân chính để vụ việc trên xảy ra. Vì thế, quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Takao Granite nêu trên của UBND huyện Tam Nông có lẽ chỉ mang tính hình thức nhằm xoa dịu dư luận?
Dư luận đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ vào cuộc làm rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra vi phạm, mà ở đây là ông Quách Hải Lý - Chủ tịch UBND huyện Tam Nông và những tập thể, cá nhân có liên quan tới vụ việc.
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
Theo PV/MT&ĐT
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/phu-tho-ai-giup-con-voi-du-an-tram-ty-chui-lot-lo-kim-bai-2-a67916.html