Dự án vướng thanh tra, loạt biệt thự chục tỉ lâm cảnh “vườn không nhà trống”

Được bàn giao từ năm 2015, nhưng mới chỉ có một số ít hộ chuyển về ở tại dự án Louis City Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) do hạ tầng vẫn ngổn ngang, thiếu thốn tiện ích. Dự án thuộc đối tượng thanh tra của Thanh tra Chính phủ nên vẫn “chưa hẹn ngày về”.

131-1625809391.jpg

Dự án được bàn giao từ 2015, nhưng chỉ có một số hộ chuyển về sinh sống.

Vướng thủ tục vì bị thanh tra

Dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nhà ở tại khu chức năng đô thị Tây Nam đường 70, phường Đại Mỗ, (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) có tên thương mại là Louis City Đại Mỗ do Công ty cổ phần thương mại Ngôi Nhà Mới làm chủ đầu tư.

Đây là dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt giao đối ứng hợp đồng BT Dự án hệ thống cống nối hồ Vục – hồ Đầu Băng – hồ Tư Đình.

Dự án có tổng mức đầu tư lên tới hơn 1.303 tỉ đồng (không bao gồm phần giá trị xây dựng 2 con đường diện tích 0,67ha để kết nối giao thông khu đô thị).

Thời gian dự án hoàn thành từ quý 3/2015 đến quý 4/2020.

Louis City Đại Mỗ nằm ở vị trí được xem là “đất vàng” của quận Nam Từ Liêm, với quy mô gần 600 căn nhà liền kề, 28 căn biệt thự, 2.000 căn chung cư cao cấp.

132-1625809391.jpg

Hàng loạt biệt thự có giá hơn chục tỉ đồng/căn trong tình trạng cửa đóng then cài.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng cũng như các hạng mục đảm bảo cuộc sống cơ bản của người dân.

Từ năm 2015 đến nay, chủ đầu tư đã tiến hành bàn giao nhiều căn biệt thự, nhà liền kề cho cư dân. Nhưng trên thực tế, số người về sinh sống tại dự án chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hàng loạt căn biệt thự, nhà liền kề còn lại ở trong tình trạng “cửa đóng then cài’, cỏ dại bao quanh, nhiều căn đã được chuyển nhượng và tiếp tục “đóng cửa”.

133-1625809390.jpg

Một căn biệt thự được bàn giao từ năm 2015. Bên phải là căn được chuyển nhượng từ năm 2019.

Cư dân tại dự án cho biết, mặc dù được bàn giao từ năm 2015 nhưng nhiều người không dám về ở do hạ tầng tại dự án còn dở dang, an ninh không đảm bảo do một số công trình vẫn đang thi công, công nhân ra vào khó kiểm soát, không có tiện ích.

Những hạng mục như trường mầm non, khu thể thao, khu liên cấp đến phổ thông cơ sở… chưa hề được xây dựng.

Đặc biệt, chỉ 1/3 các khách hàng tại đây có sổ đỏ. Ba toà chung cư cũng chưa có dấu hiệu triển khai; khu vực công viên cỏ mọc hoang hoá…

Theo quan sát của CafeLand, trong khuôn viên dự án, đa số các căn biệt thự đã hoàn thiện mặt ngoài, một số công trình vẫn đang thi công dang dở; chỉ có một vài hộ chuyển về ở, còn lại trong tình trạng khoá trái cửa.

Phía trong các căn biệt thự không có người ở chỉ toàn vôi vữa, phế thải xây dựng. Hệ thống hạ tầng trong dự án chưa được xây dựng; không có siêu thị, cửa hàng phục vụ cho những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.

Khảo sát trên một số trang rao vặt thấy nhiều cư dân tại dự án đang rao bán, chuyển nhượng gấp biệt thự với giá dao động từ 100-150 triệu đồng/m2 tuỳ diện tích mỗi căn.

134-1625809390.jpg

Theo chủ đầu tư, khu vui chơi, thể dục thể thao đã hoàn thiện và được cư dân đánh giá cao.

Trao đổi với CafeLand, đại diện chủ đầu tư cho biết, đã hoàn thiện khu vui chơi, thể dục thể thao và được cư dân đánh giá cao. Một số khu vực được quây tôn kín để... đảo bảo mỹ quan.

Về việc cấp sổ đỏ, chủ đầu tư thừa nhận, dự án thuộc đối tượng thanh tra của Thanh tra Chính phủ trong gần 2 năm (7/2018 – 1/2020) nên trong thời gian này nhiều thủ tục bị ảnh hưởng, dẫn đến chậm tiến độ.

Hiện tại chủ đầu tư mới cấp được 235 sổ đỏ cho cư dân. Những căn còn lại, chủ đầu tư cho biết đang thực hiện các thủ tục để sớm bàn giao sổ đỏ.

Về các hạng mục khu thể thao, khu trường học liên cấp, chủ đầu tư cho biết đã xong khâu giải phóng mặt bằng và đang làm thủ tục xây dựng, nhưng chưa biết bao giờ triển khai.

Đối với 3 toà chung cư, hiện tại chủ đầu tư đang tiến hành thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án.

135-1625809391.jpg

Một số căn vẫn đang trong quá trình xây dựng.

Không có chuyện thoái vốn

Được biết trước đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm tại 9 dự án của Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Lã Vọng (Tập đoàn Lã Vọng) và các đơn vị thành viên trên địa bàn TP. Hà Nội.

Theo kết luận thanh tra, hầu hết các dự án “đất vàng” của Lã Vọng triển khai được Hà Nội ưu tiên chỉ định đầu tư.

Các dự án bao gồm dự án cải tạo môi trường hồ Đầu Băng (quận Long Biên), dự án BT cống nối hồ Vục - hồ Đầu Băng - hồ Tư Đình, dự án xây dựng hạ tầng và kỹ thuật tại khu đô thị phía tây nam đường 70 (quận Nam Từ Liêm), dự án khu đô thị đông nam đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), 5 khu đất (DX1, DX2, DX3, DX4, CX2) với tổng diện tích khoảng 10.000 m2.

Ngoài ra còn các dự án như KĐT Quốc Oai, dự án cải tạo khu vui chơi giải trí hồ Đống Đa, dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6, Khu đô thị Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), dự án trụ sở kết hợp căn hộ Xa La (Hà Đông).

Hiện nay, hầu hết các dự án của Lã Vọng đều trong tình trạng bỏ hoang. Các hạng mục chính như đường nội bộ, khu công viên, cây xanh… chưa hoàn thiện, cỏ dại mọc um tùm. Một số dự án đang triển khai với tốc độ “rùa bò”.

136-1625809391.jpg

Hàng loạt căn biệt thự khoá trái cửa đìu hiu khi hạ tầng dự án còn ngổn ngang

Đáng chú ý, trước thời điểm TTCP tiến hành thanh tra toàn diện các dự án của Tập đoàn Lã Vọng, báo chí thông tin ông Lê Văn Vọng đã thoái toàn bộ vốn tại Tập đoàn Lã Vọng (tháng 3/2018).

Tuy nhiên, trao đổi với CafeLand, đại diện chủ đầu tư khẳng định không có chuyện thoái vốn, ông Vọng vẫn hoạt động điều hành trong “hệ sinh thái” của Tập đoàn Lã Vọng.

Quay trở lại dự án Louis City Đại Mỗ, theo kết luận thanh tra, đây là dự án có nhiều sai phạm nhất trong 9 dự án sai phạm của Lã Vọng.

Cụ thể, về việc phê duyệt đầu tư dự án, Công ty cổ phần thương mại Ngôi Nhà Mới (công ty con thuộc tập đoàn Lã Vọng) được chỉ định thực hiện dự án cải tạo và xây dựng hệ thống cống nối hồ Vục – hồ Đầu Băng – hồ Tư Đình theo hình thức hợp đồng BT, có tổng mức đầu tư 610 tỉ đồng.

Để thực hiện dự án BT này, Tập đoàn Lã Vọng được Hà Nội thanh toán bằng 13,75ha đất tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm.

Tại khu đất đối ứng, Tập đoàn Lã Vọng thực hiện dự án đô thị Tây Nam đường 70, có tên thương mại là Louis City Đại Mỗ.

137-1625809391.jpg

Đường nội bộ ngổn ngang vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên qua thanh tra, tổng vốn đầu tư dự án cải tạo và xây dựng hệ thống cống nối hồ Vục – hồ Đầu Băng – hồ Tư Đình được xác định chỉ khoảng 400 tỉ đồng, vì vậy Công ty Ngôi Nhà Mới phải nộp bổ sung ngân sách nhà nước số tiền sử dụng đất của dự án đối ứng tạm tính là 124,7 tỉ đồng.

Ngoài ra, dự án còn có nhiều vi phạm khác như việc chậm giải phóng mặt bằng do chậm điều chỉnh dự án đầu tư và xử lý phần giải phóng mặt bằng trùng lắp, dẫn đến tiến độ dự án BT chậm không có cơ sở xác định khối lượng xây dựng và giá trị của dự án BT, để làm căn cứ xác định giá trị hợp đồng BT.

Đáng chú ý hơn, để thực hiện công trình BT trên, Hà Nội bố trí cho Công ty Ngôi Nhà Mới 14,5ha đất xây dựng khu đô thị mới Tây Nam đường 70, quận Nam Từ Liêm.

Theo kết luận TTCP, quỹ đất bố trí tăng so với diện tích đối ứng hợp đồng BT là 0,75 ha.

TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu nhà đầu tư nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước 44,364 tỉ đồng tiền GPMB chưa tách khỏi dự án BT.

Công ty CP Lã Vọng Group (tiền thân của Tập đoàn Lã Vọng), được thành lập năm 2003 do ông Lê Văn Vọng làm Tổng giám đốc.

Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 500 tỉ đồng với 3 cổ đông sáng lập gồm ông Lê Văn Hải (100 tỉ đồng); bà Đặng Thị Như Trang (100 tỉ đồng) và ông Lê Văn Vọng (300 tỉ đồng).

Năm 2008, Tập đoàn Lã Vọng lấn sân sang bất động sản với việc thành lập Công ty cổ phần thương mại Ngôi nhà mới (Công ty Ngôi nhà mới) để phát triển dự án khu đô thị Ngôi nhà mới ở Quốc Oai (tổng vốn đầu tư 2.000 tỉ đồng).

Năm 2017, tập đoàn này thành lập Công ty cổ phần đầu tư Louis Group (Louis Group) chuyên về mảng văn phòng, căn hộ và trung tâm thương mại cao cấp do ông Vọng đại diện pháp luật đồng thời là cổ đông sáng lập.

Tháng 3/2018, có thông tin ông Lê Văn Vọng thoái toàn bộ vốn của mình ở Tập đoàn Lã Vọng cũng như Công ty Ngôi Nhà mới.

Sau đó thành lập Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư tài chính Việt Nam (V.F.I Group) với vốn điều lệ 500 tỉ đồng do ông là người đại diện pháp luật với mức vốn góp chiếm 99,996% cổ phần.

Tháng 12/2018, liên danh Công ty CP Tập đoàn đầu tư tài chính Việt Nam và Công ty CP Thương mại Ngôi Nhà Mới là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển Dự án khu đô thị mới Trung Minh A, xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.126 tỉ đồng.

 

Theo Tâm An/Cafeland

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/du-an-vuong-thanh-tra-loat-biet-thu-chuc-ti-lam-canh-vuon-khong-nha-trong-a67904.html