Cụ thể, nguồn gốc khu đất 8 hộ dân này đang ở trước đây là vùng đất trũng ven biển bám theo trục đường xuống cảng cá Cái Rồng. Mặt tiền hai bên đường này có nhà cửa, dân cư sinh sống. Năm 2003, địa phương cho nhân dân tự xây kè chắn sóng, lấn biển, tôn nền lập khu dân cư mới ở đây. Các hộ dân trước cửa nhà có khoảng đất trống ngập mặn, không liên quan đến nhà ai, tự dùng đất đồi hoặc phun cát nới rộng sân vườn, cơi nới nhà cửa và tách khẩu khi con cái dựng vợ gả chồng, đã tự hình thành một dãy phố mới.
Hơn 10 năm, khu đất vượt thổ bãi triều này đã trở thành một cụm dân cư mới khang trang, nhà xây cao tầng kiên cố, đường xá đầm bê tông kẻ ô bàn cờ thoáng rộng, đất đai rành mạch, nhà nào ra nhà ấy không có tranh chấp. Khi ấy, các hộ dân đề nghị UBND thị trấn và huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được địa phương trả lời chờ quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Đồn.
Năm 2014, UBND huyện đã công khai công bố quy hoạch chung huyện Vân Đồn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; UBND tỉnh có thông báo thổ đất mà 8 hộ dân đang ở theo quy hoạch tỷ lệ 1/2000 thì đây là quỹ đất ở hiện trạng.
Khi đã có quy hoạch tổng thể sử dụng đất nói trên, các hộ dân lại gửi đơn xin UBND huyện Vân Đồn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng, nhưng địa phương vẫn khất với lý do còn chờ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Ngày 6/11/2020, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn có Quyết định số 97/QĐ- KKT về việc phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới phía Đông Bắc cảng Cái Rồng. Bản quy hoạch này rành mạch hơn, vị trí đất và nhà ở của 8 hộ dân đang sử dụng là đất ở. Cụ thể, phần đất hiện trạng của người dân được quy hoạch tại lô đất HT01, HT02 bàn giao lại cho UBND huyện quản lý. Các hộ dân lại tiếp tục viết đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng vẫn chưa được cấp.
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã gặp ông Đinh Đức Minh - Chủ tịch UBND thị trấn Cái Rồng trao đổi về nguyện vọng của 8 hộ dân nói trên. Ông Minh cho biết: Đây là vụ việc tồn đọng, vì những vướng mắc về quy hoạch nằm ngoài thẩm quyền địa phương. Đất ở đây lại không thuần túy nguồn gốc làng mạc thâm niên, còn có dấu hiệu lấn chiếm đất đai, nhưng ông Trần Duy Tạo (1 trong 8 hộ đứng đơn đề nghị được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) thì quả quyết: Từ khi khai khẩn, vượt thổ, đất này chưa có cấp chính quyền nào đến nhắc nhở mình vi phạm, hoặc lập biên bản vi phạm hành chính, nên vẫn đinh ninh rằng đất do mình tự tôn tạo mà có, chứ chẳng chiếm dụng của ai.
Phóng viên cũng nhận thấy, 8 hộ dân không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên thổ đất đã có quy hoạch đất ở, người dân đã xây dựng nhà ở kiên cố và ăn ở ổn định trên một thập kỷ nay, nhiều hộ “tam đại đồng đường”, tình làng nghĩa xóm.
Hiện nay, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã rõ ràng, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn đã thống nhất với địa phương để nguyên trạng khu dân cư tự xây, là cơ sở để UBND huyện Vân Đồn vận dụng Nghị định 43/2014/NĐ-CP (điểm b khoản 3 Điều 22) quy định: “Trường hợp lấn chiếm đất chưa sử dụng, mà không thuộc quy hoạch sử dụng đất cho mục đích quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, thì UBND cấp tỉnh chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; người sử dụng đất ổn định, không tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Vân Đồn có một dãy phố không “bìa đỏ” cũng là tình trạng bất cập chung của các địa phương toàn quốc, khi mà công tác quản lý đất đai không cân đối với tốc độ đô thị hóa. Nên chăng, huyện Vân Đồn sớm có giải pháp tháo giỡ vướng mắc, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân để người dân “an cư lập nghiệp”, thực hiện nghĩa vụ thuế nhà đất với Nhà nước và sớm thực hiệu mục tiêu nâng cấp thị trấn Cái Rồng lên đô thị loại III.
Theo Bùi Ánh Hồng/Xây dựng
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/van-don-quang-ninh-mot-day-pho-khong-bia-do-a67892.html