Có nhà vẫn “vô gia cư”

Đây là thảm cảnh của khoảng 2.000 cư dân tại Chung cư Nhà ở xã hội cán bộ chiến sỹ Bộ Công an, ngõ 282, Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội (Chung cư 282).

51-1625726294.gif

Hạ tầng phòng cháy chữa cháy các sàn thương mại chưa xong là một trong những nguyên nhân khiến Chung cư 282 chưa được cấp phép đưa vào sử dụng.

Như DĐDN đã có bài viết về tình cảnh của hàng trăm hộ dân (phần lớn là cán bộ chiến sĩ của Bộ Công an) đang phải “sống chui” trong căn hộ mình đã mua tại Chung cư 282. Với việc Luật Cư trú 2020 bắt đầu có hiệu lực từ 01/7/2021, phần lớn những hộ dân này sẽ trở thành dân “vô gia cư”.

Vì sao cư dân thành “vô gia cư”?

Theo khoản 1 điều 24 của Luật cư trú 2020 những cư dân tại đây đã vắng mặt tại nơi ở cũ quá 12 tháng do họ đã bán nhà cũ hoặc chấm dứt hợp đồng thuê nên bị xóa đăng ký thường trú. Trong khi, họ lại không thể đăng ký tạm trú hay thường trú tại Chung cư 282 vì chưa được bàn giao nhà chính thức.

Mặc dù, để được mua căn hộ tại đây, mỗi cán bộ chiến sĩ phải được bình chọn khá nghiêm ngặt. Dù hợp đồng mua bán căn hộ đã quá hạn 2 năm qua, nhưng chủ đầu tư cứ "thủng thẳng" không chịu ban giao nhà và ép cư dân những quy định vô lý hoàn toàn theo ý mình nếu không sẽ cắt điện, cắt nước.

Dự án Chung cư 282 do Liên doanh Chủ đầu tư Công ty TNHH MTV Bạch Đằng và Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn thực hiện. Liên doanh chủ đầu tư đã ủy quyền cho Công ty CP Tập đoàn Hoành sơn (Công ty Hoành Sơn) có địa chỉ tại Phường Đức Thuận, Thị xã Hồng Lĩnh, Tỉnh Hà Tĩnh kí hợp đồng mua bán và thuê với cư dân. Dự án có 612 căn hộ, trong đó Công ty Hoành Sơn được bán 95 căn hộ thương mại còn hơn 500 căn hộ theo diện thuê mua và mua ưu đãi.

Theo hợp đồng mua bán và cho thuê căn hộ giữa Công ty Hoành Sơn với các cư dân, Công ty có trách nhiệm bàn giao căn hộ cho khách hàng vào ngày dự kiến 30/6/2019 hoặc có thể sớm hơn hay muộn hơn không quá tối đa 90 ngày. Nhưng đến thời điểm hiện tại hơn 500 hộ dân đang sống tại đây vẫn chưa được bàn giao nhà nên họ không thể đăng ký tạm trú, thường trú.

Cư dân thành “con tin”

Theo LS Nguyễn Tiến Sơn – Đoàn LS Hà Nội, căn cứ vào Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, khi chủ đầu tư chưa bàn giao nhà chính thức cho cư dân, chung cư vẫn thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư. Người dân vào chung cư ở chưa được bàn giao chính thức sẽ trở thành “con tin” của chủ đầu tư.

Chủ đầu tư có thể đưa ra các yêu sách chủ quan theo ý họ buộc cư dân phải làm theo. Tình trạng này hiện đang xảy ra tại rất nhiều khu đô thị do chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính, triển khai dự án chậm so với cam kết trong hợp đồng mua bán nhà nên chưa được cơ quan chức năng cấp phép để đưa vào sử dụng.

Thực tế, sau rất nhiều lần thất hẹn về tiến độ dự án với cư dân và cơ quan chủ quản dự án là Bộ Công an, ngày 20/11/2020, ông Phạm Hoành Sơn – Tổng giám đốc Công ty Hoành Sơn đã ra văn bản số 1120 buộc cư dân phải nộp đủ 95% giá trị căn hộ và 2% phí bảo trì nếu không sẽ cắt điện, cắt nước.

Vì sợ bị cắt điện, cắt nước nên phần lớn các hộ dân buộc phải nộp đủ số tiền như yêu cầu của chủ đầu tư cho dù biết chủ đầu tư đã vi phạm hợp đồng mua bán nhà và Luật Kinh doanh bất động sản. Luật Kinh doanh bất động sản và Hợp đồng mua bán căn hộ quy định cư dân chỉ phải nộp 70% số tiền căn hộ khi nhận nhà kỹ thuật. Cư dân phải nộp 95% giá trị căn hộ khi bàn giao chính thức.

Khi phần lớn cư dân đã nộp đủ số tiền thì chủ đầu tư cũng không vội hoàn thiện thủ tục và hạ tầng đề bàn giao nhà. Cư dân thì cứ sống trong cảnh “vô gia cư”. Đặc biệt, hàng trăm trẻ em đang sống tại Chung cư 282 sẽ không biết xin học ở đâu?

Theo Thúy Anh/Enternews

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/co-nha-van-vo-gia-cu-a67880.html