Vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bia Sài Gòn: Quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp phát sinh khi nào?

Bảo vệ các thành quả của hoạt động sáng tạo được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau trở thành một yếu tố quyết định tính cạnh tranh. Do vậy, quyền sở hữu trí tuệ càng được các tổ chức, cá nhân chú trọng bảo vệ. Việc Nhà nước ban hành Luật Sở hữu trí tuệ tạo một hệ thống bảo hộ công bằng và hợp lý. Tuy nhiên, không ít các doanh nghiệp vẫn chưa phân biệt được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm của mình.

Quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp phát sinh khi nào?

Hai nhóm phát sinh quyền sở hữu trí tuệ trong Luật Sở hữu trí tuệ là phát sinh trên cơ sở đăng ký và phát sinh một cách tự nhiên. Nhóm quyền phát sinh tự nhiên là quyền tác giả và quyền liên quan. Nhóm quyền phát sinh trên cơ sở đăng ký bao gồm các quyền sở hữu công nghiệp gồm: sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, luật pháp chỉ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi các đối tượng này được đăng ký với cơ quan quản lý về sở hữu công nghiệp là Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam theo những thể thức và điều kiện được quy định cụ thể.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng rộng rãi khiến cho nhãn hiệu đó trở thành nổi tiếng mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ nhưng phải đáp ứng các tiêu chí của Luật Sở hữu trí tuệ. Từ những quy định của pháp luật, để xác nhận một nhãn hiệu nổi tiếng thì cần có sự xem xét và công nhận của một trong hai cơ quan là: Tòa án và Cục Sở hữu trí tuệ. Tòa án và Cục Sở hữu trí tuệ sẽ chỉ xem xét và công nhận một nhãn hiệu là nhãn hiệu nổi tiếng khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân theo từng việc cụ thể. Trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng được công nhận theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc theo quyết định công nhận của Cục Sở hữu trí tuệ thì nhãn hiệu nổi tiếng đó sẽ được ghi nhận vào Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng được lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ.

60d43d8460091-1624769170.jpg
Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ về thùng của Cục Sở hữu trí tuệ.

Sabeco được bảo hộ về kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm của mình?

Từ các quy định theo Luật Sở hữu trí tuệ về quyền sở hữu công nghiệp, ngày 06/5/2021 Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xét xử vụ án xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của Công ty cổ phần tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam (Công ty bia Sài Gòn Việt Nam) với Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Tại phiên xử Sabeco đã có đơn yêu cầu Tòa xác định Sabeco là nhãn hiệu nổi tiếng theo Luật Sở hữu trí tuệ. Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử cho rằng không đủ chức năng để tuyên bố một nhãn hiệu nào nổi tiếng hay không nổi tiếng. Việc tuyên bố Bia Sài Gòn là nhãn hiệu nổi tiếng thuộc thẩm quyền của Cục Sở hữu trí tuệ. Từ đó, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ các nội dung đã nêu.

Ông Lê Đình Trung cho biết, Công ty bia Sài Gòn Việt Nam sản xuất khi đã có đầy đủ giấy tờ và cơ sở pháp lý chứng minh sản phẩm “Bia Sài Gòn Việt Nam” và Cục Sở hữu trí tuệ từng chấp nhận đơn hợp lệ về nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp.

Việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp tổng thể của Công ty bia Sài Gòn Việt Nam là mã số 3-2019-02160 và mã số 3-2019-02161 với đầy đủ thiết kế, màu sắc, logo, kiểu dáng, kích thước, cấu tạo thùng từ 8 hình chữ nhật, các góc được bo tù và chi tiết logo kiểu dáng, chiều dài, cạnh đáy của lon bia. Còn các nhãn 4-0225588, 4-0221596 mà Sabeco cung cấp cho Viện Nghiên cứu để so sánh với kiểu dáng công nghiệp của thùng bia và lon bia của Công ty bia Sài Gòn Việt Nam đều được đăng ký dưới dạng là nhãn hàng hoá có mã số 4 chứ không phải là loại nhãn sản phẩm mang yếu tố kiểu dáng công nghiệp có mã số 3.

Như vậy, Sabeco chỉ đăng ký nhãn hàng hóa với mã số 4, hoàn toàn không đăng ký kiểu dáng công nghiệp mã số 3 đối với thùng bia, chỉ lấy nhãn mã số 4 để dán lên thùng bia. Còn Công ty bia Sài Gòn Việt Nam đã đăng ký kiểu dáng công nghiệp tổng thể cho thùng BIA SÀI GÒN VIỆT NAM Lager (mã số 3-2019-02160) với đầy đủ thiết kế, màu sắc, logo, kiểu dáng, kích thước, cấu tạo thùng từ 8 hình chữ nhật, các góc được bo tù. Điều đặc biệt là việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp đối với thùng bia của Công ty bia Sài Gòn Việt Nam có đầy đủ tên tác giả thiết kế… điều này Sabeco không có.

Luật sư Vũ Thị Tuyết Mai, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng Sabeco muốn xác định là nhãn hiệu nổi tiếng để chứng minh lỗi cố ý. Vì tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” phải là lỗi cố ý. Vì thế Sabeco muốn tuyên bố nhãn hiệu của mình là nổi tiếng để chứng minh lỗi cố ý của bị cáo, nhưng việc đề nghị công bố là nhãn hiệu nổi tiếng sau thời điểm khởi tố vụ án thì cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét thận trọng. Để xác định là nhãn hiệu nổi tiếng thì phải căn cứ vào các tiêu chí theo quy định của pháp luật và việc đem nhãn hàng hóa có mã đăng ký số 4 của Sabeco đi so sánh với nhãn sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp mã đăng ký số 3 để kết luận hành vi Công ty bia Sài Gòn Việt Nam xâm phạm sở hữu công nghiệp là không đúng theo Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Giám định tư pháp.

60d43d8456fb9-1624769231.jpg
Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ về nhãn sản phẩm của Cục Sở hữu trí tuệ.

Cơ quan tiến hành tố tụng đang hình sự hóa quan hệ dân sự?

Khởi tố hình sự vốn là một hoạt động thông thường của các cơ quan tố tụng. Tuy nhiên, khi hình sự hóa trở thành xu hướng lấn át cả các quan hệ dân sự, việc can thiệp trái pháp luật của các cơ quan tố tụng vào sự vận động bình thường của các giao dịch dân sự, kinh tế lại là vấn đề cần cảnh báo, cần ngăn chặn. Việc làm này xâm hại nghiêm trọng đến các chủ thể kinh doanh, cũng như các quan hệ kinh tế, dân sự.

Để tránh tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo đó, tại mục 3, phần 3 về hoàn thiện thể chế phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường:“ Hoàn thiện thể chế phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và …không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế và dân sự.”

Hơn thế nữa, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh… trong bối cảnh đại dịch Covid-19, theo đó, tại điểm a, mục 1, phần II về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể quy định: “Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự; xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật theo đúng Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XII".

Trong rất nhiều vụ án oan, sai gần đây dư luận đều đặt câu hỏi, nguyên nhân nào dẫn đến án oan? Những cá nhân, tổ chức làm sai lệnh hồ sơ dẫn đến oan sai thì một mực khẳng định không có động cơ cá nhân, mà chỉ là sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, hoặc do vụ việc có tính chất phức tạp mà cơ quan điều tra, truy tố không lường hết ngay từ đầu. Không loại trừ nguyên nhân đến từ sự “thiếu hiểu biết” của cán bộ điều tra, truy tố.

Song, nhìn vào hồ sơ vụ án xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với Công ty bia Sài Gòn Việt Nam từ khi cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố điều tra, truy tố,  xét xử cho đến hiện nay có nhiều điểm chưa được làm rõ, tạo nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Công ty bia Sài Gòn Việt Nam được thành lập với mã số doanh nghiệp 0315690484, ngành nghề kinh doanh chính “Sản xuất bia và mạch nha ủ men bia” do ông Lê Đình Trung là người đại diện theo pháp luật với mong muốn đóng góp phần công sức xây dựng cho sự phát triển của ngành bia Việt Nam. Sau khi thành lập, Công ty bia Sài Gòn Việt Nam tiến hành thực hiện các thủ tục đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, kiểm định chất lượng, đang trong giai đoạn đầu, ông Trung đã liên hệ cơ sở sản xuất bia BiVa, một đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cấp phép trong hoạt động sản xuất bia để ký kết hợp tác sản xuất. Trên cơ sở đó, ngày 05/4/2020 giữa Công ty bia Sài Gòn Việt Nam đã ký Hợp đồng 01/2020/HĐ/BSGVN-HTSX với cơ sở sản xuất bia BiVa để gia công, sản xuất bia, tên sản phẩm là: “BIA SAI GON VIET NAM LAGER”. Quy trình sản xuất ra sản phẩm là bia, đơn vị sản xuất tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ tiêu về hàm lượng như đã công bố. Bên cạnh đó, quá trình mua bán hàng hóa đều xuất hóa đơn, chứng từ hợp lệ và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ với Nhà nước.

Ngày 23/6/2020, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu kiểm tra và lập Biên bản số 00073068/BB-TGTV về việc tạm giữ tang vật, lập Biên bản số 0003931/BB-NP về việc niêm phong tang vật tại cơ sở sản xuất bia BiVa tại Ô 4, Ấp Bắc 2, Xã Hoà Long, TP. Bà Rịa. Theo đó, tạm giữ và niêm phong:“ 4.712 thùng bia thành phẩm, còn nguyên thùng, chưa qua sử dụng; 116.700 vỏ lon bia chưa qua sử dụng; 3.300 vỏ thùng bia (thùng Cacton) chưa qua sử dụng”. Tất cả hàng hóa tạm giữ, niêm phong sau đó được lưu giữ tại kho hàng của chi nhánh Công ty cổ phần thương mại bia Sài Gòn miền Đông tại tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu. Doanh nghiệp này vốn là nhà phân phối chính thức của Sabeco.

Việc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu không lưu giữ hàng hóa tạm giữ tại kho hàng của Cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng không thuê mà mượn kho của chi nhánh Công ty cổ phần thương mại bia Sài Gòn miền Đông tại tỉnh này để chứa hàng hóa tạm giữ, không phân công người có thẩm quyền trông giữ tại kho tang vật, hơn thế nữa, nơi đây chính là nơi có liên quan đến quyền và xung đột về lợi ích của chính chủ sở hữu nhãn hiệu đã được bảo hộ đối với số hàng hóa bị tạm giữ là thiếu khách quan, thiếu thuyết phục và không hợp pháp. Hậu quả dẫn đến việc tang vật nêu trên có thể bị đánh tráo hoặc thậm chí là tác động nhằm làm thay đổi về hình dáng, cấu trúc, đặc tính công dụng của tang vật.

Ông Lê Đình Trung cho biết: “Trong quá trình 12 ngày giải quyết vụ việc, khi chưa có kết quả làm việc thỏa đáng nào cho Công ty bia Sài Gòn Việt Nam, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh với lý do “có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu BIA SAIGON đã được bảo hộ”. Trong khi đó, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu kiểu dáng công nghiệp của Công ty bia Sài Gòn Việt Nam đang được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định, cấp phép và chưa có văn bản trả lời chính thức nào cho phía Công ty bia Sài Gòn Việt Nam. Sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu gửi toàn bộ số tang vật trên đến Viện Khoa học sở hữu trí tuệ để giám định. Do Viện Khoa học sở hữu trí tuệ chỉ thực hiện các công việc giám định sở hữu trí tuệ thông thường (phi hình sự), không được quy định là cơ quan giám định kỹ thuật hình sự. Vì vậy, trong vụ án này, Kết luận giám định số NH497-20TC.TP/KLGĐ của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ không có giá trị pháp lý. Do đó, việc Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sử dụng kết quả Giám định của tổ chức giám định phi hình sự vào vụ án hình sự là sử dụng chứng cứ chưa hợp pháp, vi phạm thủ tục tố tụng.

Cũng trong ngày 23/6/2020, khi Cục quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra và lập biên bản tạm giữ toàn bộ hàng hóa tại cơ sở sản xuất bia Biva, do không có chuyên môn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Công ty bia Sài Gòn Việt Nam đã có yêu cầu mời Luật sư tham gia giải quyết tất cả các vấn đề có liên quan đến việc nêu trên. Chấp thuận lời mời, Luật sư đã cùng tham gia làm việc với Cục quản lý thị trường và Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thế nhưng, sau đó Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh này lại ban hành QĐ số 85/QĐ KTVA về việc khởi tố vụ án thì Luật sư không được mời, không được tham gia cũng như không được tống đạt các văn bản đối với việc Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ tiến hành các hoạt động tố tụng để điều tra vụ án. Thể hiện rõ sự vắng mặt của Luật sư tại các Biên bản ghi lời khai, Biên bản hỏi cung bị can Lê Đình Trung trong hồ sơ vụ án. Việc này gây ra sự nghi ngờ lớn trong dư luận về việc giải quyết vụ án vắng mặt Luật sư một cách kỳ lạ.

Tiếp đó, trong Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 85/QĐKTVA-PC03-Đ4 ngày 09/9/2020 của Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã không xem xét đến thực tế là Công ty bia Sài Gòn Việt Nam không xâm phạm và Sabeco cũng không được bảo hộ về kiểu dáng công nghiệp mà chỉ được bảo hộ về nhãn hiệu. Mặt khác, vào thời điểm khởi tố vụ án, Công ty bia Sài Gòn Việt Nam chưa nhận được Kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH497-20TC.TP/KLGĐ của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ. Nhiều nội dung đánh giá trong kết luận mang nặng tính chủ quan, áp đặt, suy diễn, trong khi Công ty bia Sài Gòn Việt Nam chưa hề được thực hiện quyền khiếu nại đối với Kết luận giám định nói trên.

Theo công văn số 10132 về việc từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với Đơn đăng ký nhãn hiệu số 4-2019-20338 của Công ty bia Sài Gòn Việt Nam. Trong Quyết định này tại Điều 2 còn cho phép Công ty bia Sài Gòn Việt Nam có quyền khiếu nại theo quy định trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được hoặc biết được quyết định này. Như vậy, việc từ chối cấp văn bằng bảo hộ cho Công ty bia Sài Gòn Việt Nam diễn ra sau là thời điểm Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, cho thấy việc khởi tố pháp nhân và cá nhân chưa bảo đảm căn cứ pháp lý theo Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015.

Đáng chú ý, theo khoản 4 Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), để có thể xử lý pháp nhân thương mại phạm tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” thì bắt buộc pháp nhân đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này là chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, là đấu hiệu định tội trong cấu thành tội phạm cơ bản. Trong vụ án này, pháp nhân Công ty bia Sài Gòn Việt Nam chưa bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về hành vi này mà chưa được xóa án tích.

Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng “Với việc có nhiều tình tiết còn khuất tất, chưa phù hợp với quy định pháp luật, vụ việc đã tạo ra trong dư luận rất nhiều băn khoăn và các ý kiến trái chiều. Từ đó, xuất hiện nhiều câu hỏi đối với động cơ, cách thức quản lý, làm việc của những người có thẩm quyền trong Cục quản lý thị trường và Cơ quan sảnh sát điều tra tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu, rằng có hay không sự vội vàng, thiếu khách quan trong giải quyết vụ việc”.

Trong bối cảnh hiện nay, khi có nhiều thủ đoạn tinh vi phá hoại nền kinh tế và xâm phạm đến trật tự chung, thì pháp luật hình sự vẫn là công cụ quan trọng để góp phần tích cực loại bỏ những yếu tố cản trở cho tiến trình đổi mới, cản trở sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, việc “hình sự hóa” quan hệ dân sự, kinh tế lại gây ra những hậu quả không nhỏ cho nền kinh tế đất nước, cần sự tuân thủ các quy định của pháp luật từ cả phía doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước để giảm thiểu tối đa vấn đề này.

Theo Kim Chi - Duẩn Trần/LSVN

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/vu-xam-pham-quyen-so-huu-cong-nghiep-bia-sai-gon-quyen-so-huu-tri-tue-ve-kieu-dang-cong-nghiep-phat-sinh-khi-nao-a67713.html