Ông Nguyễn Sĩ Tùng - Chủ tịch UBND xã Nhân Thành (Yên Thành) cho biết: Vào thời điểm cuối tháng 3/2021, xã Nhân Thành, huyện Yên Thành đã tổ chức đấu giá 32 lô đất, giá khởi điểm trên 600 triệu đồng/lô, mỗi bộ hồ sơ tham gia đấu giá đất phải đặt cọc 100 triệu đồng. Trong phiên đấu giá có trên 200 hồ sơ của người dân khắp nơi về tham gia. Qua đấu giá đất được đẩy lên hơn gấp đôi giá khởi điểm, đạt từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng.
Hạn nộp tiền trúng đấu giá đất là ngày 26/4, tuy nhiên đến thời điểm này chỉ mới có 18/32 lô đất hoàn thành. Ông Nguyễn Sĩ Tùng cho biết thêm: Các lô đất trúng đấu giá không nộp tiền theo quy định hiện nay xã đã trình cấp có thẩm quyền xin hủy bỏ kết quả để đấu giá đất lại. Còn số tiền đặt cọc 100 triệu đồng của các lô đất trúng đấu giá nhưng đến hạn không hoàn thành nghĩa vụ tài chính sẽ sung công quỹ Nhà nước theo quy định.
Ông Nguyễn Thọ Sắc - một người dân xã Nhân Thành chia sẻ: "Các cò đất ở Diễn Châu sau khi trúng đấu giá có rao bán cho chúng tôi, nhưng do giá đất quá cao trên 1,2 tỷ đồng nên người dân chúng tôi không thể mua được".
Cũng nằm trong tình trạng trên, đầu tháng 4/2021 UBND xã Mã Thành đấu giá đất được 36 lô, theo quy định ngày 3/5 phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với các lô đất trúng đấu giá, tuy nhiên chỉ có 12/36 lô đất hoàn thành nghĩa vụ tài chính, còn lại chấp nhận “bỏ” cọc.
Ông Bùi Trọng Long - Bí thư Đảng ủy xã Mã Thành chia sẻ: Nguyên nhân bỏ cọc cả trăm triệu đồng "tháo chạy" khỏi lô đất trúng đấu giá là do một số đối tượng đầu cơ đẩy giá đất lên quá cao, sau đó không bán lại được; có lô đất giá khởi điểm trên 700 triệu đồng nhưng các đối tượng lại đẩy lên trên 2 tỷ đồng.
Hiện nay địa bàn huyện Yên Thành có khoảng trên 40 lô đất còn tồn đọng sau đấu giá tập trung ở các xã Nhân Thành, Mã Thành, Khánh Thành, Vĩnh Thành…
Bà Đặng Thị Dung - Trưởng phòng Tài chính huyện Yên Thành cho biết: Đối với các lô đất quá thời hạn hoàn thành nghĩa vụ tài chính, các xã sẽ trình lên UBND huyện để hủy kết quả trúng đấu giá do vi phạm quy định. Các lô đất này sẽ được đưa vào kế hoạch đấu giá trong thời gian tiếp theo.
Địa bàn huyện Đô Lương cũng lao đao vì đầu tư đất nền, điển hình là anh M. ở thị trấn Đô Lương, trong đợt sốt đất “ảo” vừa qua đã đầu tư, vay mượn mua hơn 10 lô đất trị giá trên 10 tỷ đồng ở xã Lạc Sơn, Đô Lương với hy vọng sẽ nhanh chóng kiếm lãi. Tuy nhiên, thị trường bất động sản đóng băng, rao bán không ai mua, thậm chí bán ngang với giá gốc, trong khi hàng ngày đang phải gánh lãi nợ ngân hàng.
Theo báo cáo của phòng Tài nguyên môi trường huyện Đô Lương, tính đến thời điểm này, toàn huyện đang có trên 20 lô đất đã trúng đấu giá nhưng "bỏ cọc", tập trung ở các xã Lạc Sơn, thị trấn Đô Lương, Thượng Sơn...
Thời điểm này giá bất động sản nhiều nơi đang không phản ánh đúng giá trị thực. Do đó, nhà chuyên môn khuyến cáo người đầu tư bất động sản cần chú ý đến việc định giá sản phẩm để xác định giá đầu tư phù hợp với thị trường, giảm thiểu những rủi ro.
Theo Văn Trường/Báo Nghệ An
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/nghe-an-nhieu-nguoi-bo-coc-ca-tram-trieu-thao-chay-khoi-lo-dat-trung-dau-gia-a67691.html