Như Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đưa tin, dự án công trình hỗn hợp văn phòng, nhà ở và căn hộ để bán tại tổ 2, cụm 1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, do Công ty cổ phần đầu tư Phú Thượng làm chủ đầu tư xây dựng sai phép. Và sau đó chỉ bị xử phạt và được cấp thêm phụ lục giấy phép xây dựng theo đúng sai phạm mà chủ đầu tư xây dựng. Điều này khiến dư luận hoàn toàn có cở sở đặt ra câu hỏi: Tại sao UBND quận Tây Hồ và Sở xây dựng cứ phải chạy theo sai phạm của dự án như vậy?
Theo đó, dự án công trình hỗn hợp văn phòng, nhà ở và căn hộ để bán (có tên thương mại là Tây Hồ Riverview) được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư số 735/QĐ-UBND ngày 16/2/2016. Dự án có quy mô 21 tầng bao gồm 3 tầng để xe, 2 tầng văn phòng và 224 căn hộ từ tầng 6 – tầng 21. Ngày 13/9/2016, dự án được Sở Xây dựng thành phố Hà Nội cấp Giấy phép xây dựng số 72/GPXD.
Sai phạm của dự án là do Chủ đầu tư đã tự ý xây dựng tầng 1 với chiều cao 4,2 m làm giảm 0,25 m so với giấy phép được cấp; tầng 2 có chiều cao 4,8 m tăng 0.5m so với giấy phép; tầng 3 với chiều cao 6,15 m giảm 0,25 m so với giấy phép. Qua đó nâng tổng số tầng từ 21 tầng lên 23 tầng và diện tích sàn tăng từ 31.408 m2 lên 34.238 m2 (tăng 2.830 m2).
Xác nhận với Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam, cán bộ thanh tra xây dựng phường Phú Thượng cho biết: Công ty cổ phần đầu tư Phú Thượng cũng đã bị UBND quận Tây Hồ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi xây dựng sai phép công trình dự án và cho đến nay đã được Sở Xây dựng cấp phụ lục giấy phép xây dựng.
Mải chạy theo sai phạm nhưng lại quên điều chính Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)
Được biết, dự án Tây Hồ Riverview được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại Quyết định số 5497/QĐ-UBND ngày 20/10/2015.
Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 1 của Quyết định có nêu rõ về phạm vi, quy mô của dự án được phê duyệt trên tổng diện tích khu đất 3.214,8m2 (trong đó: diện tích đất xây dựng dự án là 2881,4m2; diện tích nằng trong chỉ giới mở đường theo quy hoạch là 333,4m2 Công ty quản lý, không được xây dựng công trình; diện tích đất xây dựng 1510m2; mật độ xây dựng 52,4%; công trình cao 21 tầng; số căn hộ là 160..)
Với Báo cáo đánh giá tác động môi trường này chỉ phù hợp với quy mô ban đầu của dự án tức là phù hợp với giấy phép xây dựng số 72/GPXD ngày 13/9/2016. Và đương nhiên không phù hợp với việc xây dựng sai phép khi tăng số tầng, tăng diện tích sàn như thực trạng hiện tại.
Theo phụ lục Giấy phép xây dựng được Sở Xây dựng Hà Nội cấp thêm, dự án được điều chỉnh theo đúng sai phạm mà Công ty Cổ phần đầu tư Phú Thượng đã xây dựng trước đó, tức là nâng số tầng của dự án từ 21 tầng lên 23 tầng không kể tum thang với tổng diện tích sàn từ 31.408 m2 lên 34.238m2.
Điều chỉnh quy mô dự án thì phải điều chỉnh Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho phù hợp đó là quy định rõ ràng của pháp luật thế nhưng Công ty cổ phần đầu tư Phú Thượng đã không thực hiện thủ tục pháp lý này khi điều chỉnh quy mô dự án. Thậm chí ngay tại Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường số 5497/QĐ-UBND ngày 20/10/2015 cũng đã thể hiện rõ yêu cầu: Trong quá trình thực hiện, nếu Dự án có những thay đổi về quy mô, Chủ dự án phải có văn bản báo cáo và chỉ được thực hiện nội dung thay đổi đó sau khi có văn bản chấp thuận của các cấp có thẩm quyền.
Đến thời điểm này, theo thông tin mà phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam nhận được từ phía UBND phường Phú Thượng và UBND quận Tây Hồ cũng như đại diện chủ đầu tư là dự án chưa được điều chỉnh lại ĐTM. Qua trao đổi với Phóng viên các đơn vị này chỉ cung cấp quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường số 5497/QĐ-UBND ngày 20/10/2015 của UBND thành phố Hà Nội – tức là Quyết định này chỉ phù hợp với quy mô của dự án khi chưa điều chỉnh.
Việc dự án được điều chỉnh tăng cả về quy mô và diện tích có tác động, ảnh hưởng đến môi trường ra sao thì còn cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng có chuyên môn đánh giá và đưa ra kết luận cụ thể. Tuy nhiên với việc nâng số tầng từ 21 tầng lên 23 tầng và diện tích sàn tăng thêm hơn 2000 m2 thì chắc chắn chủ đầu tư phải thực hiện việc báo cáo và phải được chấp thuận của các cấp có thẩm quyền. Theo đúng quy định thể hiện tại quyết định Báo cáo đánh giá tác động môi trường số 5497/QĐ-UBND ngày 20/10/2015 của UBND thành phố Hà Nội.
Bài tiếp: Luật sư nói gì về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của dự án từ đất thương mại, dịch vụ sang đất ở không qua đấu giá?
Theo Văn Bình - Đức Huấn/MT&ĐT
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/ha-noi-nen-xem-lai-dtm-tai-du-an-tay-ho-riverview-a67653.html