Vay 236 triệu 'cắm' sổ đỏ, bỗng nhiên có giấy... bán nhà
Ngày 19/6, ông Nguyễn Trọng Lực (trú thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) phản ánh ông đã gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng tố cáo việc bị người khác giả chữ ký trong hợp đồng chuyển nhượng đất.
Theo ông Lực, trong vụ việc chuyển nhượng đất, có trách nhiệm của ông Bùi Đức Thọ (nguyên Chủ tịch) và ông Nguyễn Duy Hòa (cán bộ tư pháp - hộ tịch) của UBND thị trấn Đắk Mil.
Trong đơn gửi cơ quan chức năng, ông Lực trình bày, từ năm 2018 đến nay, ông không ký vào bất kỳ giấy tờ chuyển nhượng đất nào cho gia đình bà Bùi Thị Thanh Phương (ngụ xã Đức Minh, huyện Đắk Mil). Ngoài ra, ông cũng không đến trụ sở UBND thị trấn Đắk Mil để làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, vào tháng 6/2020, ông Lực phát hiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có nhà ở) của mình đã được chuyển nhượng, sang tên cho anh Lê Nguyễn Phương Hoài (con trai bà Phương).
Khi tìm hiểu thêm, ông Lực thu thập được giấy tờ, chứng minh từ ngày 18/4/2019, có người đã mang hợp đồng ra UBND thị trấn Đắk Mil để ký chứng thực mua bán đất của ông. Theo ông Lực, hiện đất của ông thuộc loại đất ở đô thị, nằm trên địa bàn thị trấn Đắk Mil, có diện tích 193m2 và hiện có giá thị trường khoảng 1,3 tỉ đồng.
Ông Lực khẳng định ông không hề đến UBND thị trấn Đắk Mil, không làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Thế nhưng, ông Bùi Đức Thọ, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Đắk Mil cùng cán bộ tư pháp là Nguyễn Duy Hòa đã ký, đóng dấu và có lời chứng, chứng thực rằng thời điểm lập hợp đồng chuyển nhượng có mặt cả 2 bên (bên mua và bên bán - PV), các bên tinh thần minh mẫn, tự làm chủ được hành vi của mình.
Ông Lực cho biết, vào tháng 11/2018, ông có nhờ bà Bùi Thị Thanh Phương đáo hạn ngân hàng. Khi nhờ, ông Lực giao cho bà Phương giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) bản chính cùng bản phô-tô Chứng minh thư nhân dân và sổ hộ khẩu. Sau đó, bà Phương không đáo hạn được ngân hàng nên ông Lực viết giấy, vay 236 triệu đồng của người này.
Thế nhưng, sau khi ông Lực phát hiện sổ đỏ của mình đã được sang tên và tố cáo đến cơ quan chức năng thì bà Phương không thừa nhận việc vay nợ nói trên.
“Hiện, bà Phương không thừa nhận tôi vay hơn 200 triệu của bà ấy. Bởi lẽ, nếu thừa nhận việc vay mượn thì đồng nghĩa với việc bà ấy thừa nhận đã giữ sổ đỏ của tôi”, ông Lực nói.
Trao đổi qua điện thoại, bà Phương khẳng định ông Lực đã trả nợ và sau đó bán nhà đất cho con trai bà.
Đá bóng trách nhiệm
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Duy Hoà, cán bộ tư pháp UBND thị trấn Đắk Mil cho biết, thời điểm xảy ra sự việc đã lâu nên không nhớ rõ ông Lực có đến trụ sở ký giấy chuyển nhượng hay không. Tuy nhiên, ông Hoà thừa nhận chữ ký nháy trong hồ sơ chuyển nhượng là của mình.
Cũng theo ông Hoà, việc ký hồ sơ chuyển nhượng đất phải có mặt các bên và ký trước sự chứng kiến của cán bộ tư pháp. Tuy nhiên, cũng có một số hồ sơ ông Hoà được “sếp” (tức ông Thọ - PV) chuyển đến nhờ ký mà không chứng kiến. Do đó, ông Hoà không nhớ hồ sơ của ông Lực có thuộc trường hợp được "sếp" nhờ hay không.
Ông Hoà thông tin thêm: “Công an đã triệu tập tôi lên làm việc 2 lần liên quan đến vụ việc. Tôi đã trình bày những gì mình biết. Tôi không vụ lợi trong việc này và sẵn sàng chờ kết quả xử lý từ công an”.
Khi trao đổi qua điện thoại về vụ việc, ông Bùi Đức Thọ (nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Đắk Mil, hiện là Phó Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đắk Mil) cho biết, do cán bộ Tư pháp (tức ông Hoà-PV) tham mưu nên ông đã ký xác nhận vào hồ sơ chuyển nhượng đất giữa ông Lực và ông Lê Nguyễn Phương Hoài.
Ông Thọ nói: “Việc này xảy ra từ tháng 4/2019. Đây là giao dịch dân sự anh em tư pháp tham mưu nên tôi ký. Bản thân tôi không quen biết ông Lực cũng như bên mua nên không có vụ lợi trong vụ việc này”.
Một lãnh đạo Công an huyện Đắk Mil cho biết, hiện đơn vị đã tiếp nhận đơn của ông Lực.
"Qua giám định chữ ký lần 1, xác định chữ ký của ông Lực trong hồ sơ chuyển nhượng đất không đúng. Hiện cơ quan điều tra đang cho giám định lần 2 và sẽ có trả lời cho ông Lực”, vị này thông tin.
Có dấu hiệu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
Theo ý kiến của luật sư Dương Lê Sơn (Đoàn luật sư Đắk Lắk), trong trường hợp giám định mà hồ sơ thể hiện không phải chữ ký của ông Lực thì vụ việc có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những người có liên quan nếu có vụ lợi để giúp người giả chữ ký trong vụ việc là đồng phạm. Nếu không có vụ lợi thì cũng có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng quan điểm với luật sư Dương Lê Sơn, luật sư Nguyễn Đức Du (cũng thuộc Đoàn luật sư Đắk Lắk) phân tích thêm, để xử lý về hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở vụ việc trên, bên cạnh có hành vi gian dối (giả chữ ký) thì còn phải thỏa mãn yếu tố chiếm đoạt tài sản. Nếu sau khi thực hiện xong việc giả chữ ký để sang tên sổ đỏ và tiếp tục bán, chuyển nhượng nhà, đất cho người khác thì lúc này mới thỏa mãn dấu hiệu phạm tội.
Ông Lực vẫn ở căn nhà của mình nhưng luôn nơm nớp lo mất nhà vì không biết sổ đỏ được sang tên có bị cầm cố, thế chấp hay không.
Theo Trần Nhân/Vietnamnet
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/nguy-co-mat-nha-vi-so-do-bong-nhien-chuyen-ten-con-trai-chu-no-a67627.html