Chi tiết, theo đơn trình bày của bà Trương Thị Nghĩa, trước năm 1990, nơi nhà mình ở (tổ 11, khu 7, phường Bãi Cháy), xóm núi dân cư còn thưa thớt, cây rừng mọc đến tận hiên nhà. Tuy vậy, nhưng rừng vẫn còn nhiều khoảng đất trống. Năm 1990 - 1991, hưởng ứng phong trào toàn dân trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống theo lời kêu gọi của Chính phủ, vợ chồng bà khi ấy đã mua giống cây bạch đàn, keo... về trồng. Khi cây cối mọc xanh, tổng cộng được khoảng trên 10.000m2, có xác nhận của ông Đoàn An là khu trưởng, còn cụ thể hóa mốc giới với các hộ liền kề. Văn bản lập tại khu phố ngày 28/3/2005. Ngày 31/3/2005, ông Khúc Văn Bài - Giám đốc Lâm trường Hồng Gai xác nhận, vợ chồng ông bà Hoàng Cao Thọ - Trương Thị Nghĩa đã khai hoang, tự bỏ vốn trồng cây gây rừng, làm căn cứ để đề nghị các cấp chính quyền hoàn thiện các hồ sơ giao đất giao rừng cho gia đình ông Thọ bà Nghĩa.
Thành phố Hạ Long chưa kịp cấp sổ rừng cho hộ bà Trương Thị Nghĩa thì ngày 21/2/2008, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 492 (gia hạn) giao 123ha đất đồi rừng này (đợt 1) cho Công ty liên doanh quốc tế Việt - Mỹ để lập dự án chuyển đổi mục đích đất rừng sang đất xây dựng Khu trung tâm du lịch đa chức năng. Trước đó, ngày 23/8/2007, ông Mai Đức Thanh (cán bộ địa chính) đại diện cho UBND phường Bãi Cháy, ông Tô Sĩ Vĩ (Khu trưởng), ông Bùi Văn Bình (Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật tài nguyên & môi trường, thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường Quảng Ninh) cùng chủ hộ đã khảo sát đo đạc xác nhận ranh giới mốc giới và diện tích thửa đất (theo hiện trạng sử dụng đất). Tổng diện tích đất chính chủ là 3.420,3m2, diện tích đất bị thu hồi phục vụ dự án trên là 3.239,5m2.
Nhưng chờ mãi không thấy dự án đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất... gia đình bà Trương Thị Nghĩa vẫn quản lý đất vườn rừng này, trồng xen canh các loại cây ăn quả như: vải, nhãn, xoài... và tiếp tục đóng góp nghĩa vụ thuế đất đầy đủ. Năm 2015, bà Thanh lại tiếp tục chiếm đoạt đất vườn rừng của bà Nghĩa bán sang tay cho nhiều người khác, họ rầm rộ đưa máy xúc đến bạt rừng, xẻ núi, chặt cây trên diện tích khoảng 700m2. Quyền lợi của mình bị xâm hại, bà Nghĩa tá hỏa trình báo với UBND phường. Lãnh đạo phường bảo về “hòa giải”. Đáng chú ý, trên đất rừng này ba căn nhà nữa mọc lên, có nhà xây hẳn 2 tầng kiên cố mà lãnh đạo phường Bãi Cháy không biết!
Tuy tài sản của mình bị người khác chiếm đoạt, nhưng với tư chất người cựu chiến binh gương mẫu, bà Trương Thị Nghĩa vẫn tin tưởng vào chính nghĩa, kiên trì chờ đợi vào sự giải quyết theo luật định của chính quyền địa phương, còn nhắc nhở con cháu kiềm chế mọi xung đột, tránh hậu quả khó lường.
Điểm lại diễn biến sự việc khi mới nhen nhóm cách đây tròn 10 năm, theo đơn tố cáo bà Trương Thị Nghĩa về bà Vũ Thị Huyền mua đất bất hợp pháp và xây dựng nhà ở trên đất rừng (căn nhà đầu tiên xây dựng trái phép ở đây). Ngày 01/7/2011, UBND thành phố Hạ Long có Quyết định số 589/QĐCC-UBND, áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành Quyết định xử phạt hành chính về hoạt động xây dựng đối với bà Vũ Thị Huyền. Cụ thể, phá dỡ toàn bộ công trình nhà ở xây dựng trái phép trên đất khu đo tỷ lệ 1/5000, để khôi phục lại địa hình của đất trước khi vi phạm. Bà Vũ Thị Huyền phải nghiêm chỉnh thực hiện Quyết định và phải chịu mọi chi phí tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế. UBND thành phố giao cho UBND phường Bãi Cháy và các cơ quan chức năng thực hiện.
Nhưng từ năm 2011 đến nay (2021) vừa tròn một thập kỷ, Quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép số 589/QĐCC-UBND của UBND thành phố Hạ Long bị vô hiệu hóa, công trình xây dựng trái phép của bà Vũ Thị Huyền vẫn ung dung tồn tại, còn là tấm gương xấu cho 3 căn nhà nữa hùa hùa mọc lên, như thách thức với bà Nghĩa 10 năm ròng rã đi tìm công lý. Nghịch cảnh thay, nay lại có thêm 9 ô đất nữa đã giác móng san nền trên khu đất đồi mà vợ chồng ông Thọ - bà Nghĩa cho là họ đã khổ công trồng cây thành rừng.
Bà Trương Thị Nghĩa phẫn uất, tài sản của mình bị người khác chiếm đoạt và thêm bức xúc nhiều công trình xây dựng trái phép nghiễm nhiên mọc lên trên chính thổ đất rừng mà mình quản lý trồng cây, tiếp tục đâm đơn đến các cấp, các ngành... Cấp trên bảo đã ủy quyền cho cấp dưới. Cấp phường xã là “thổ địa” cấp quản lý đất đai trên địa bàn là đúng, nhưng UBND phường Bãi Cháy vẫn phớt lờ vấn đề công trình xây dựng trái phép trên đất rừng, chỉ tập trung vào sự vụ khuyên can nên “hoà giải”, bà Nghĩa thì cương quyết không tán thành sự đồng lõa với người vi phạm luật đất đai. Một cán bộ địa chính phường còn bảo, do là đất tranh chấp nên không thể xác định được ranh giới cụ thể của các hộ. Lý do này chưa thuyết phục, bởi giải quyết tranh chấp phải bằng chứng lý, các văn bản về nguồn gốc đất của đôi bên. Bà Trương Thị Nghĩa đưa ra tờ bản đồ giải phóng mặt bằng, có các điểm toạ độ giáp danh 4 phía xung quanh, diện tích được đo đạc theo các mốc giới thực tế do Trung tâm kỹ thuật tài nguyên và môi trường, thuộc Sở Tài Nguyên & Môi trường Quảng Ninh đo đạc lập ngày 23/8/2007 có xác nhận của ông Khu trưởng Tô Sĩ Vĩ.
UBND phường Bãi Cháy buông lỏng quản lý đất đai, xây dựng, lúng túng trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng, xử lý vi phạm không cương quyết, không triệt để dẫn đến tình trạng hỗn độn ở tổ 11 khu 7. Người dân tranh chấp đất đai, mua bán đất sang tay, nhà này ỷ thế áp đảo nhà kia, chặt cây hủy hoại tài sản của nhau...Mới đây cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân thành phố phải khởi sự điều tra theo pháp luật hiện hành.
Sự vi phạm trật tự trong xây dựng, tranh chấp đất đai, không chuyển đổi đất rừng sang đất xây dựng... UBND phường Bãi Cháy xử lý không triệt để từ khi mới phát sinh, để sự việc kéo dài 10 năm, dẫn đến “cái sảy nảy cái ung”.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Theo Đặng Dũng/Báo Xây dựng
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/quang-ninh-ubnd-phuong-bai-chay-xu-ly-vi-pham-xay-dung-khong-nghiem-a67616.html